Lo sợ cho nền kinh tế
Theo kênh CNN (Mỹ), nguyên nhân có thể gói gọn trong một từ, đó là sợ hãi. Tuy nhiên, kể cả gói kích thích 2.000 tỷ USD cũng không đủ để gạt bỏ nỗi sợ ở Washington, rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể kéo sập nền tảng kinh tế mà cuộc sống người Mỹ phụ thuộc vào.
Thượng viện Mỹ đêm 25/3 (giờ Mỹ) đã thông qua gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19. Hạ viện dự kiến cũng sẽ sớm thông qua để trình cho Tổng thống Donald Trump ký.
Mặc dù có một số tranh cãi vào phút chót giữa các thành viên cấp cao Thượng viện ở cả hai đảng, nhưng tất cả đều nhất trí 100% khi bỏ phiếu.
Điều đó cho thấy tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đã thổi bay hàng triệu việc làm trong nháy mắt.
Quy mô chưa từng có của gói cứu trợ 2.000 tỷ USD cho thấy mức độ ảnh hưởng lịch sử của đại dịch COVID-19 và sự mong mạnh của các hệ thống tại Mỹ. Chỉ trong vài ngày, nền kinh tế Mỹ đang hướng tới tốc độ tăng trưởng kỷ lục đột nhiên cần gói cứu trợ để “vá” lỗ thủng tương tương 11% tổng sản phẩm quốc nội Mỹ.
Tốc độ mà nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thống nhất và thông qua gói cứu trợ cho thấy một ví dụ hiếm hoi về thỏa hiệp lưỡng đảng, nhất là sau khi hai bên rạn nứt nghiêm trọng từ cuộc luận tội tổng thống. Tuy nhiên, tốc độ thông qua gói cứu trợ nhanh chưa từng có cũng cho thấy động lực hành động trong trường hợp nền kinh tế bị đe dọa.
Hiểu rằng cơ hội tái đắc cử có thể sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ nên Tổng thống Trump tìm cách trấn an dư luận, nói rằng nền tảng kinh tế mạnh sẽ đảm bảo Mỹ phục hồi mạnh. Ông nói ngày 24/3: “Đây là khủng hoảng y tế, không phải khủng hoảng tài chính. Nhưng đó là cuộc khủng hoảng mà chưa ai từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua”.
Theo kênh CNN, Tổng thống Trump chỉ đúng một phần. Gói cứu trợ và sự can thiệp mạnh của chính phủ vào nền kinh tế cho thấy đây không chỉ là khủng hoảng y tế, mà còn nhiều hơn thế nữa. Đó là khủng hoảng tài chính, khủng hoảng thất nghiệp, khủng hoảng của doanh nghiệp nhỏ, khủng hoảng của ngành hàng không, khủng hoảng trên thị trường chứng khoán, khủng hoảng công nghiệp, khủng hoảng chuỗi cung, khủng hoảng ngành dịch vụ. Nếu không được giải quyết, tình hình có thể dẫn tới khủng hoảng ngân hàng và tín dụng.
Lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói: “Đây là khoản đầu tư mức độ thời chiến cho đất nước chúng ta”.
Con số 2.000 tỷ USD cho thấy nhiều điều. Gói kích thích này nhiều hơn hai lần so với gói kích thích năm 2008, cho thấy các thể chế chính trị Mỹ sẵn sàng chống đỡ nền kinh tế Mỹ, không để nền kinh tế sụp đổ trong thời điểm cực kỳ căng thẳng.
Mặc dù được gọi là gói kích thích nhưng thực ra đó chỉ là tiền để giúp nền kinh tế trong trạng trái tạm ngừng hoạt động nhằm xem xét tình hình đại dịch và để giúp các doanh nghiệp cũng như người lao động bị sa thải sống sót qua cơn bão.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết gói kích thích cộng với 4.000 tỷ mà Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ có thể cho vay sẽ tạo thành chương trình hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Muối bỏ biển
Dù vậy, điều đáng lo ngại nhất là có dấu hiệu cho thấy biện pháp giải cứu kinh tế lớn nhất lịch sử Mỹ sẽ không đủ để cứu nền kinh tế trong cầm cự qua những tháng tới.
Các lãnh đạo ở các bên đều hiểu rõ gói cứu trợ là khoản lấp chỗ trống tạm thời để vượt qua vài tháng tới và sẽ không thể khôi phục kinh tế mà không có thêm một lần bơm tiền mặt lớn nữa.
Cần bao nhiêu tiền nữa mới đủ? Không có câu trả lời cho tới khi COVID-19 đạt đỉnh dịch trên toàn nước Mỹ và giới chức y tế công cộng bật đèn xanh để Mỹ mở cửa trở lại các doanh nghiệp từ từ.
Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thương viện Chuck Schumer không chắc gói kích thích có đủ hay không. Ông nói: “Hai điều tồi tệ về cuộc khủng hoảng này là chúng ta không biết nó kéo dài bao lâu và ai bị ảnh hưởng. Chúng ta sẵn sàng phối hợp lưỡng đảng và hành động thêm nếu cần”.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 25/3 cũng cho rằng gói kích thích có thể không có tác dụng lâu nên cần phải sẵn sàng hành động.
Với bang bị tác động mạnh nhất là New York, Thống đốc Andrew Cuomo nói khoản tiền mà liên bang rót xuống còn không đủ đề bù vào thâm hụt tài khóa của bang, chứ chưa nói là đủ dùng cho mấy tháng tới. Ông nói: “Chúng tôi đang tính tới khả năng thiếu hụt 9 tỷ, 10 tỷ, 15 tỷ USD. Thành phố New York chỉ nhận 1,3 tỷ từ gói này. Đó như muối bỏ biển”.
Khi gói kích thích này cơ bản đã được thông qua thì cuộc chạy đua với thời gian để đạt thỏa thuận về gói tiếp theo lại bắt đầu.
Mọi chuyện phụ thuộc vào tốc độ hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng tình hình sẽ ổn tới Lễ Phục sinh. Ông còn dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc như tàu vũ trụ khi khủng hoảng qua.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không lạc quan như vậy. Không có gì đảm bảo người Mỹ sẽ sẵn sàng lên máy bay và tụ tập đông đặc trong các quán bar, nhà hàng trong nhiều tháng sau khi rủi ro nhiễm bệnh đã qua.
Ông Raj Subramaniam, Chủ tịch Fedex, cho rằng khó mà đoán kinh tế sẽ thế nào khi đại dịch qua đi.
Ông Roger Dow, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ, nói ngành của ông sẽ phải sớm xin trợ giúp tiếp từ các lãnh đạo chính trị. Ông nói: “Quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng và thiệt hại kinh tế mà thảm họa y tế tạo ra sẽ còn vượt quá quy mô gói cứu trợ lịch sử này. Đó là điều buồn nhưng thực tế là vậy, sẽ sớm cần thêm hỗ trợ”.