Lý do OPEC đạt được thỏa thuận giảm sản lượng

Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cuối cùng đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ sau 2 năm đàm phán không thu được kết quả. Điều gì đã thay đổi khiến thỏa thuận này có thể thành hiện thực?

Chiến thuật vận động ngoại giao quyết liệt đằng sau thỏa thuận này đã được ghi nhận trong một số bài viết của hãng tin Reuters. Chủ đề chung của các bài bình luận này đó là sự can thiệp cá nhân của các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu, vượt qua những trở ngại làm cản trở các cuộc đàm phán ở cấp độ kỹ thuật. 
Tuy nhiên, bối cảnh ở đây đó là sự thay đổi trong thị trường dầu mỏ khiến Saudi Arabia và các nước thành viên OPEC khác phải nhất trí về một thỏa thuận. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, Vương quốc này có thể cắt giảm sản lượng mà không gặp phải rủi ro lớn rằng các nhà sản xuất khác sẽ lấp đầy khoảng trống với việc tăng sản lượng của họ trong ngắn hạn. 

Saudi Arabia, thành viên có ảnh hưởng nhất trong OPEC, được coi là tỏ ra không mấy nhiệt tình về một thỏa thuận cho đến vài tháng gần đây. Tuy nhiên, Ali al - Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ kỳ cựu của Saudi Arabia, vốn được xem là người có quan điểm hoài nghi, đã được thay thế bởi ông Khalid al - Falih hồi tháng 5/2016, người được xem là cởi mở hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội cho một thỏa thuận. Nền kinh tế Saudi Arabia cũng tiếp tục suy yếu, với ngày càng nhiều khoản nợ chưa trả của chính phủ và doanh nghiệp, cũng như dự trữ ngoại hối đang suy giảm. Tất cả điều này làm gia tăng sức ép khiến nước này phải nhất trí về một thỏa thuận. Bên cạnh đó, chương trình cải cách kinh tế “Tầm nhìn 2030” của Vương quốc này và cổ phần chia cho tập đoàn dầu khí quốc gia được tuyên bố năm 2016 đều phụ thuộc vào việc giá dầu có tăng lên hay không. 

Bộ trưởng Khoáng sản, Công nghiệp và Năng lượng Saudi Arabia Khaled Al - Falih (giữa) tại hội nghị OPEC ở Vienna ngày 30/11. Ảnh: EPA/TTXVN

Mong muốn đạt được thỏa thuận của Saudi Arabia đã thay đổi vào khoảng sau hội nghị OPEC thất bại hồi tháng 6/2016 và trước hội nghị OPEC được tổ chức thành công hồi tháng 9/2016. Đến tháng 9/2016, các nhà đàm phán Saudi Arabia đã tới tham dự cuộc họp OPEC ở Algiers (Algeria) với mong muốn đạt được một thỏa thuận và sẵn sàng cho thấy sự linh hoạt của họ để thực hiện thỏa thuận đó. Thỏa thuận tạm thời được nhất trí ở Algiers khi đó đã trở thành thỏa thuận cuối cùng được thông qua tại Vienna (Áo) trong tuần qua. 

Các quan chức Saudi Arabia đã nhấn mạnh rằng Vương quốc này sẽ không nhường thị phần cho các nhà sản xuất khác. Các quan chức Saudi Arabia từng từ chối cắt giảm sản lượng hồi năm 2014 và 2015 vì lo sợ bất kỳ sự tăng giá nào sẽ là “phao cứu sinh” cho các công ty dầu đá phiến Mỹ và khuyến khích họ tăng sản lượng. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2015, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm, loại trừ một nguồn cạnh tranh cho Saudi Arabia. 

Saudi Arabia tiếp tục từ chối cắt giảm sản lượng trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, viện dẫn đến mối đe dọa từ việc sản lượng dầu tăng của Iraq, Iran và Nga. Tuy nhiên, đến mùa hè năm 2016, sản lượng của Iran dường như đạt đến mức bình ổn sau khi được gỡ bỏ trừng phạt, làm giảm nguy cơ từ quốc gia này. 

Thách thức chính đối với thị phần của Saudi Arabia giờ đến từ Iraq và Nga, cả hai đều gia tăng sản lượng trong năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Saudi Arabia có thể đã kết luận rằng khả năng hai nước này sẽ tăng sản lượng hơn nữa trong ngắn hạn là không cao và một thỏa thuận để “đóng băng” sản lượng của Iraq và Nga ở mức độ hiện nay là khả thi. 

Trong năm tới, nguy cơ lớn nhất với thỏa thuận này tới từ ngành dầu đá phiến của Mỹ cũng như từ Iraq và Nga. Thỏa thuận này vẫn có thể “sống sót” nếu các nhà sản xuất dầu đá phiến và các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC khác bị “giảm công suất” ở một mức độ nào đó bởi lượng tiêu thụ năng lượng đang tăng lên. 

Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất đối thủ của Saudi Arabia bắt đầu tăng sản lượng của họ một cách đáng kể, việc duy trì cắt giảm sản lượng sẽ không còn là lựa chọn tối ưu và Riyadh sẽ điều chỉnh chiến lược của họ. Từ giờ đến lúc đó, Saudi Arabia vẫn cắt giảm sản lượng bởi nó nằm trong lợi ích quốc gia của họ, cho dù các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC không thực sự thực thi cam kết của mình.
TTK
Venezuela ước tính thu về 9 tỷ USD sau thỏa thuận OPEC
Venezuela ước tính thu về 9 tỷ USD sau thỏa thuận OPEC

Dự kiến thỏa thuận đạt được gần đây tại Áo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ mang lại cho Venezuela nguồn thu ước tính từ 8 đến 9 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN