Lý giải phản ứng "hai mặt" của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông

Tại sao bên cạnh những tuyên bố diều hâu như bác bỏ phán quyết, chuẩn bị chiến tranh nhân dân, Trung Quốc vẫn tránh những hành động có thể gây khiêu khích hơn như lập ADIZ hay cải tạo bãi cạn Scarborough?

Ảnh vệ tinh chụp cuối tháng 7 vừa qua cho thấy Trung Quốc dường như đã xây thêm các nhà chứa máy bay phi pháp trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mạng tin National Interest ngày 17/8 đăng bài viết của Joel Wuthnow, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ (NDU), trong đó nhận định Bắc Kinh đã đưa ra một phản ứng hỗn hợp đối với phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện Trung Quốc. 

Theo tác giả, bên cạnh những tuyên bố tiêu cực, thậm chí là diều hâu như bác bỏ phán quyết, tuyên bố chuẩn bị chiến tranh nhân dân, tập trận trên Biển Đông, triển khai máy bay ném bom H6K tuần tra trong khu vực, Trung Quốc vẫn tránh những hành động có thể gây khiêu khích hơn mà nhiều chuyên gia đã dự đoán như thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hay cải tạo bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough. 

Không những thế, Trung Quốc còn tỏ ra muốn làm dịu tình hình thông qua đường ngoại giao với phát biểu kêu gọi hạ nhiệt và đề nghị Mỹ giúp đỡ nối lại đàm phán với Philippines của Ngoại trưởng Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM). Ở trong nước, Bắc Kinh cũng không kích động các hành động phản đối nhằm vào Mỹ và Philippines.

Phản ứng phức tạp của Trung Quốc có thể được giải thích như một hành động nhỏ trong một chiến lược cân bằng lớn hơn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc quyết tâm củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển và mở rộng sự kiểm soát hiệu quả khu vực. Mặt khác, giống như những người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình có vẻ như cũng hiểu tầm quan trọng của việc giữ ổn định khu vực và duy trì những mối quan hệ tích cực với các nước láng giềng và Mỹ. 

Việc cân bằng giữa hai mục tiêu này dẫn tới chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh từng bước tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông và thỉnh thoảng thử nghiệm giới hạn chịu đựng của các quốc gia láng giềng, nhưng nhanh chóng xuống thang để bảo toàn sự ổn định và tránh những giá phải trả về ngoại giao. 

Từ chiến lược này, Trung Quốc dường như đã điều chỉnh phản ứng của mình với phán quyết của Tòa Trọng tài nhằm vừa đảm bảo thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích trên biển, vừa tránh hai kết quả không thể chấp nhận. Một là không để vấn đề Biển Đông thành tiêu điểm tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tới. Hai là tránh ASEAN ra một tuyên bố chung ủng hộ phán quyết. Tuy vậy, sau khi tình hình lắng dịu, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ quay trở lại với các kế hoạch thể hiện sức mạnh. Hội nghị G-20 kết thúc sẽ làm giảm sức ép ngoại giao đối với Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng đã tránh được một tuyên bố chung của ASEAN tại AMM vừa qua. 

Xuồng đổ bộ tấn công của tàu USS Denver LPD 9 - Mỹ tập trận tại Biển Đông. 

Do đó, Mỹ cần có những dự báo và kế hoạch trung - dài hạn cho vấn đề Biển Đông. Một mặt, Washington cần đưa ra những biện pháp cứng rắn để đối phó với các hành động khiêu khích như tuần tra chung trên Biển Đông, tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOP). 

Mặt khác, Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy những hành động tích cực như thông qua Bản ghi nhớ (MOU) về tình huống chạm trán bất ngờ trên biển. Những biện pháp này cần được đặt trong một kế hoạch chặt chẽ, rộng lớn hơn nhằm đảo bảo lợi ích của Mỹ trong khu vực cũng như duy trì sự ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Chính quyền Mỹ kế tiếp cần chú ý chuẩn bị kế hoạch này để luôn sẵn sàng khi căng thẳng gia tăng. 

TTK
Trung Quốc tăng cường hải quân và “thế bao vây” của Mỹ, Nhật tại Biển Đông
Trung Quốc tăng cường hải quân và “thế bao vây” của Mỹ, Nhật tại Biển Đông

Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết có lợi cho Philippines liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh. Những tuần tiếp theo đã chứng kiến một sự leo thang rõ rệt trong việc phát triển quân sự, các hoạt động và tuyên bố chính trị từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN