Kể từ đầu năm 2016, bãi đá ngầm Scarborough đột nhiên trở thành một vấn đề quan ngại nghiêm trọng đối với các quan chức Mỹ. Theo các bài viết trên báo chí, những thông tin thu thập được đã nhấn mạnh việc Trung Quốc sẽ bắt đầu biến Scarborough thành một hòn đảo nhân tạo, tương tự như những gì Bắc Kinh đã làm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Một sân bay hiện đại trên Scarborough với radar và những cơ sở trinh sát, giám sát và thông tin (ISR) hiện đại khác quá gần các căn cứ của Philippines, nơi Mỹ đã được Chính phủ Philippines cho phép tiếp cận luân phiên, đặt ra những vấn đề chiến lược rõ ràng. Như được thể hiện trong hình ảnh trên từ Văn phòng của Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan (bang Alaska), việc biến Scarborough thành một căn cứ với các radar tìm kiếm trên không sẽ cho phép Trung Quốc có vùng phủ sóng radar 24/24 hầu hết các đảo của khu vực Luzon, Philippines.
Dù đây có phải là ý định của Trung Quốc hay không vẫn chưa biết, nhưng Washington đã phản ứng vì họ nghĩ rằng đó là mục đích của Bắc Kinh. Dựa trên việc Scarborough là nơi lý tưởng để đặt "sự kiểm soát" lối ra vào phía Đông Bắc Biển Đông và chỉ cách Vịnh Subic 150 hải lý về phía Tây, nếu nó biến thành một căn cứ của quân đội Trung Quốc với một sân bay, kết hợp với một số yếu tố khác, sẽ cho phép Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không đáng tin cậy ở Biển Đông.
Mỹ đã có sự phản ứng như bắt đầu triển khai luân phiên một lực lượng đặc nhiệm nhỏ cùng máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ tới Philippines, các hoạt động hiện diện của Nhóm tàu sân bay tấn công USS John Stennis ở Biển Đông trong gần như suốt tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2016, cùng với nhiều tuyên bố công khai từ các quan chức cấp cao.
Ấn tượng nhất trong số đó là từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Ông Carter đã được dẫn lời nói rằng Scarborough là "một phần lãnh thổ có tranh chấp, cũng giống như các tranh chấp khác trong khu vực đó, có khả năng dẫn đến xung đột quân sự... Điều đó liên quan đặc biệt đến chúng ta, vì nó gần Philippines".
Bãi cạn Scarborough. Ảnh: NASA |
Theo tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Obama cũng đề cập đến bãi cạn Scarborough với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp của họ vào ngày 31/3 bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân.
Một quan chức Mỹ, người đã được thông báo chi tiết về cuộc gặp trên và nói trong điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm ngoại giao cho biết “ông Obama đã cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc họp gần đây của họ ở Washington rằng không được có hành động đối với bãi cạn Scarborough hay lập vùng nhận dạng phòng không”.
Về bản chất, hàng loạt các hoạt động liên quan đến bãi cạn Scarborough trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2016 đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ coi Scarborough có sự khác biệt so với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Mặc dù chính sách chính thức của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong đó có bãi cạn Scarborough, nhưng hành động gần đây của Mỹ chứng minh Washington, trên thực tế, thực sự có quan điểm không chính thức khác.
Những hoạt động không quân và hải quân Mỹ trong ba tháng gần đây xung quanh bãi cạn Scarborough cho thấy Washington đã quyết định rằng, bãi cạn này là đủ quan trọng đối với an ninh của Philippines (và đối với căn cứ Mỹ tại Philippines) để chấp nhận các rủi ro khi làm một điều gì đó mà thực sự sẽ chọc giận Bắc Kinh.