Truyền thông Anh gọi đây là chuyến thăm "khác thường" nhất trong lịch sử ngoại giao nước này những thập niên gần đây, bởi sau khi ông Trump rời Anh ngày 5/6 thì chỉ 2 ngày sau Thủ tướng Theresa May cũng từ chức. Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo đương nhiệm khi mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời và tình hình hai nền kinh tế thuộc tốp 5 thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, cũng được đánh giá tác động không nhỏ tới những diễn biến hiện tại ở Anh, đặc biệt trong bối cảnh chính trường nước này đang "rối như tơ vò" vì bài toán "chia tay" Liên minh châu Âu (EU).
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ tới Anh vốn đã được hai bên nhất trí từ hồi tháng 1/2017 khi bà May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump lúc ông vừa lên cầm quyền. Tại thời điểm đó, Tổng thống Trump được xem như "làn gió mới" trong chính trường Mỹ, còn Thủ tướng May vẫn đang kỳ vọng vào khả năng sẽ đưa được nước Anh rời EU để tìm một chân trời phát triển độc lập, trong đó phải kể đến tiềm năng thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do riêng với Mỹ. Chính vì vậy, hai bên từng coi việc Tổng thống Mỹ tới Anh là cơ hội để tán thưởng "mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ, thúc đẩy các kênh kết nối thương mại và tái khẳng định hợp tác an ninh". Nói cách khác, Mỹ và Anh từng cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ mang một ý nghĩa biểu tượng, đó sẽ là "thời điểm vàng" tiếp thêm động lực cho "mối quan hệ đặc biệt" đã tồn tại hơn 7 thập niên, nhất là khi nước Anh đang trong tiến trình rời EU.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ấy, một Brexit hỗn loạn, chìm nghỉm trong chia rẽ nội bộ tại Anh và hơn 2 năm cầm quyền đầy biến động trên mọi mặt trận của Tổng thống Trump đã biến "thời điểm vàng" thành "thời điểm nhạy cảm". Cũng trong 2 năm qua, "mối quan hệ đặc biệt" Anh- Mỹ rơi vào căng thẳng do phát sinh không ít những mâu thuẫn trong các vấn đề nóng như Iran, kế hoạch sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc và chính sách biến đổi khí hậu. Không ít lần, những dòng chia sẻ trên trang Twitter của Tổng thống Trump nhắm vào các vấn đề nội bộ của Anh khiến cả chính giới lẫn người dân Anh tức giận.
Một báo cáo của ủy ban Thượng viện Anh công bố cuối năm ngoái thừa nhận rằng chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tổn hại mối quan hệ Anh-Mỹ. Chuyến thăm của ông Trump tới Anh đã liên tục bị trì hoãn, một phần do những bất đồng phát sinh giữa hai đồng minh từng rất khăng khít này. Ngay cả chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 7 năm ngoái của ông Trump tới Anh cũng không giúp khỏa lấp những căng thẳng giữa hai bên, thậm chí, "mặt tối" của mối quan hệ Mỹ-Anh càng thêm "lộ sáng".
Khó có thể đánh giá chuyến thăm lần này của ông Trump sẽ mang lại điều gì cho quan hệ Mỹ-Anh ở thời điểm Thủ tướng May sẽ tuyên bố chính thức từ chức. Hơn nữa, việc Tổng thống Mỹ tới Anh vào thời điểm này, được cho xuất phát từ tính toán lợi ích của Washington, tìm cách hối thúc London "theo chân" Mỹ trừng phạt tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei. Dẫu vậy, thời điểm Anh có thể ủng hộ đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương vô điều kiện, như khi cùng Mỹ tấn công Iraq hay không kích Syria, dường như đã qua.
Brexit là cú chuyển mình về chính trị lớn nhất tại Anh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và nếu thực sự xảy ra, Anh sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ với Mỹ khi lơi dần quan hệ với 27 quốc gia còn lại của EU. Những người ủng hộ Brexit luôn coi một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ có vai trò đặc biệt quan trọng cho thành công của Anh hậu Brexit. Vì vậy, chuyến thăm đã được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy cho tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận thương mại độc lập Anh-Mỹ.
Phát biểu trong họp báo sau hội đàm, như thường lệ, Tổng thống Mỹ không tiếc lời ca ngợi tiềm năng hợp tác thương mại song phương và không quên cam kết một thỏa thuận thương mại "phi thường" giữa hai nước. Ông chủ Nhà Trắng nhận định mọi thứ sẽ sẵn sàng trên bàn đàm phán ngay sau khi Anh hoàn tất Brexit và ước tính quy mô trao đổi thương mại khi hai bên kích hoạt thỏa thuận này sẽ lớn gấp đôi, thậm chí gấp ba so với mức hiện tại. Đó là những lời hứa hẹn theo đúng phong cách lâu nay của nhà lãnh đạo Mỹ, người đi lên từ một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bẩt động sản vốn thành bại dựa trên những bản quy hoạch trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế ra sao sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán.
Bản thân Thủ tướng May dù khẳng định quan hệ đối tác giữa Anh và Mỹ sẽ "vĩ đại" và thậm chí còn có thể "vĩ đại hơn" khi có thể nắm bắt được những cơ hội trước mắt như thỏa thuận thương mại rộng hơn, hợp tác kinh tế quy mô lớn hơn, nhưng vẫn thận trọng cho rằng điểm thúc đẩy hai bên đạt được thỏa thuận thương mại là cả hai cùng đàm phán để nhất trí những điều khoản nên có trong thỏa thuận này. Điều này ngụ ý quan điểm của bà May cũng như Chính phủ Anh về việc Dịch vụ Y tế công (NHS) tại Anh có nên trở thành một điều khoản đàm phán trong thỏa thuận thương mại với Mỹ, theo yêu cầu của Tổng thống Trump hay không. Bà May và không ít quan chức Anh từng khẳng định NHS không phải lĩnh vực có thể đem ra thỏa thuận, mua bán và trở thành mục tiêu tiếp cận của các công ty tư nhân Mỹ. Chỉ từ một điểm điển hình này cũng đủ thấy hai bên có thể vấp phải những bất đồng không dễ hóa giải khi đàm phán thỏa thuận. Và với chiến thuật đàm phán nghiêng về sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, không ai có thể đảm bảo một quá trình đàm phán thương mại "êm đẹp" cho nước Anh.
Một vấn đề nóng khác mà hai đồng minh lâu đời còn đang vướng mắc là kế hoạch của Chính phủ Anh cho phép tập đoàn Huawei tham gia một cách hạn chế trong việc xây dựng mạng lưới 5G tại Anh. Kế hoạch này đi ngược với ý định của Mỹ muốn các đồng minh tránh sử dụng công nghệ và thiết bị do Huawei cung cấp. Việc Tổng thống Trump ca ngợi mối quan hệ đồng minh lâu năm và quan hệ đối tác tuyệt vời trong lĩnh vực tình báo giữa hai nước, được hiểu là cách ông chủ Nhà Trắng thúc ép Anh cần lựa chọn duy trì mối quan hệ thân cận vốn mang lại những lợi ích an ninh (do việc hợp tác tình báo) với Mỹ. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn bởi người kế nhiệm bà May mới thực sự chịu trách nhiệm tháo gỡ nút thắt này cùng Mỹ.
Đến thăm Anh trong những ngày London rối loạn vì bài toán Brexit, với phong cách thường thấy, Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra những nhận định "mang tính can thiệp" vào tiến trình vốn đang đầy mâu thuẫn này tại "xứ sở sương mù". Tổng thống Trump thẳng thừng bày tỏ nếu được đặt vào vị trí người kế nhiệm Thủ tướng May, ông sẽ không e ngại rời bàn đàm phán với EU nếu không có cơ hội đạt được một thỏa thuận công bằng như mong muốn và ủng hộ Brexit không thỏa thuận.
Trong khi dư luận Anh vẫn đang giằng co giữa các phương án Brexit, thì nhận định của ông Trump dường như thổi thêm luồng gió cho "cánh buồm" của phe ủng hộ Brexit "cứng", dứt bỏ EU bằng mọi giá. Không khó hiểu khi ông Trump công khai ủng hộ ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thay thế bà May là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người cũng từng ngụ ý rằng Anh sẽ ra đi dù có hay không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới, và gọi ông Johnson là "lựa chọn hoàn hảo". Với vị thế của nhà lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới, nhận định của Tổng thống Mỹ chắc hẳn ít nhiều tác động vào "vòng xoáy chính trị" tại nước chủ nhà.
Trên thực tế, chuyến thăm này chưa chỉ rõ hướng giải quyết những bất đồng hiện tại giữa hai nước. Trong cuộc họp báo với Tổng thống Trump sau hội đàm, Thủ tướng May vẫn thận trọng lưu ý rằng hai bên đang có cách tiếp cận khác nhau trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, bà May cũng khẳng định rằng "hợp tác và thỏa hiệp là nền tảng cơ bản làm nên những quan hệ đồng minh vững mạnh".
Món quà Thủ tướng May tặng nhà lãnh đạo Mỹ là một phiên bản mô phỏng của Hiến chương Đại Tây Dương, vốn được xem là "biểu hiện cho vai trò then chốt của Anh và Mỹ trong việc hình thành trật tự đa phương thời hậu chiến", được treo trên tường phòng cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, người đầu tiên dùng cụm từ "quan hệ đặc biệt" để định hình mối quan hệ hai nước từ năm 1946. Có thể hiểu Anh vẫn muốn đảm bảo một mối quan hệ mới chặt chẽ với Mỹ hậu Brexit. Dẫu vậy thì với một nhân vật khó đoán như Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ có thể sẽ đối mặt với những khía cạnh gai góc hơn nữa.