Căng sức trên 2 mặt trận
Cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã bất ngờ ra lệnh tăng thuế - bắt đầu từ mức 5% và có thể lên tới 25% - đánh vào hàng hóa Mexico xuất khẩu sang Mỹ. Quyết định này đe dọa tăng giá đủ loại mặt hàng tiêu dùng, từ quả bơ cho đến quần bò hay ô tô.
Mặt trận thứ hai của cuộc chiến thương mại được mở ra trong bối cảnh các thị trường đã đầy lo ngại về cuộc chiến leo thang với Trung Quốc, khiến các nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có thể chống chịu được với những ảnh hưởng của cuộc chiến với hai trong số những đối tác thương mại lớn nhất hay không.
“Một cuộc thương chiến hai mặt trận rõ ràng sẽ bất lợi cho tăng trưởng và tôi không biết làm thế nào giới chức thương mại của chúng ta có thể đối phó được", ông Megan Greene, kinh tế gia trưởng toàn cầu tại công ty đầu tư Manulife nhận xét với tờ Politico.
Quyết định của Tổng thống Trump được cho là xuất phát từ "sự thất vọng sâu sắc" với việc "Mexico không sẵn sàng làm bất cứ điều gì" để ngăn chặn dòng người di cư đến biên giới Mỹ. Tuy nhiên, nó đã đặt ra mối đe dọa trực tiếp nhất đối với các chuỗi cung ứng vốn phụ thuộc vào dòng hàng hóa tự do qua biên giới, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô của Mỹ.
Sản xuất ô tô, ngành hứng đòn "đau" nhất
Theo dữ liệu củai Deutsche Bank, khoảng 2/3 lượng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Mexico, với tổng trị giá 371,9 tỷ USD vào năm ngoái, là hoạt động thương mại của các bên liên quan, nghĩa là các công ty mua bán các bộ phận và sản phẩm như một phần trong chuỗi cung ứng của họ. Mỹ đã nhập khẩu 124 tỷ USD các sản phẩm ô tô từ Mexico vào năm 2018, bao gồm các xe chở khách mới và đã qua sử dụng; xe tải hạng trung, hạng nặng và phụ tùng ô tô.
Torsten Slok, chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank Securities, cho biết: "Điều quan trọng nhất, quan trọng thứ hai và quan trọng thứ ba trong số này là xe hơi, phụ tùng xe hơi, xe tải và xe buýt. Đây là tất cả mọi thứ cần thiết với ngành công nghiệp ô tô, cho đến nay là lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Mexico và là nơi sẽ thấy tổn thương nhất nếu điều này (thương chiến) xảy ra”.
Mỗi ngày một lượng phụ tùng ô tô trị giá hơn 452 triệu USD được giao dịch theo cả hai hướng qua biên giới Mỹ-Mexico, theo bà Ann Wilson, Phó Chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Các nhà sản xuất thiết bị và động cơ (Mỹ). Bà Wilson nói thêm rằng các mức thuế mà Tổng thống Trump áp lên hàng hoá Trung Quốc, lên mặt hàng thép và nhôm, và mối đe dọa trừng phạt đối với tất cả ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và thuê mướn của Hiệp hội gồm 1.000 công ty thành viên này.
Ba nhà sản xuất ô tô lớn tại Mỹ đã chiến đấu hết mình để thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế cho Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), nhưng đang chờ đợi một số phận không chắc chắn tại Quốc hội. Họ cũng đã phản đối mạnh mẽ các đe dọa của Tổng thống Trump về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Mới đầu tháng 5, các công ty trên đã ăn mừng khi Tổng thống Trump đồng ý dỡ bỏ hàng rào thuế quan đánh vào thép và nhôm đối với Mexico và Canada, vốn làm tăng chi phí sản xuất của họ. Nhưng bây giờ họ lại phải đối mặt với một mối đe dọa mới và có lẽ nghiêm trọng hơn. Deutsche Bank ước tính thuế quan áp lên Mexico có thể làm tăng chi phí của xe được bán ở Mỹ khoảng 1.300 USD/chiếc.
Các nhóm doanh nghiệp ở Washington đã nhanh chóng phản đối quyết định của tổng thống, quyết định mà giới chức Nhà Trắng cho biết là đã được đưa ra sau một quá trình nội bộ khó hiểu, bất chấp lời khuyên của một số cố vấn theo định hướng thương mại tự do hơn.
Ông Jay Timmons, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, cho rằng các loại thuế được đề xuất này sẽ gây ra hậu quả tàn khốc với các nhà sản xuất ở Mỹ và người tiêu dùng Mỹ, trong khi Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh cho rằng áp thuế đơn phương với Mexico sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
Cổ phiếu của cả ba nhà sản xuất ô tô đã giảm vào cuối tuần trước, trong đó cổ phiếu GM giảm hơn 4%, cổ phiếu Fiat Chrysler giảm gần 6% và Ford giảm khoảng 2%.
“Đây là một sai lầm lớn”, ông David Kotok, Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors nhận xét. Ông cho rằng lời khuyên của Peter Navarro - Cố vấn Hội đồng Thương mại của Nhà Trắng, người ủng hộ việc sử dụng thuế quan một cách tự do - là sai lầm và sẽ nhấn chìm tổng thống.
Quyết định áp thuế đối với Mexico được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại rơi vào bế tắc và Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 25% đối với hơn 500 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc nhập vào Mỹ. Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ trực tiếp thông qua việc tăng mức thuế hiện hành đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ - đặc biệt là các nông sản như đậu nành - và bằng cách khiến các công ty Mỹ làm ăn khó khăn hơn ở Trung Quốc, thậm chí có khả năng hạn chế Mỹ tiếp cận nguồn kim loại đất hiếm rất cần thiết cho các sản phẩm công nghiệp cao và công nghiệp quốc phòng.
Nhiều nhà đầu tư cho biết việc Tổng thống Trump chuyển hướng tấn công sang Mexico làm dấy lên tâm lý bất ổn đối với các doanh nghiệp đang xem xét đầu tư, cũng như phủ mờ triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu. “Đây chỉ là nỗi lo mới nhất với các nhà đầu tư, trong khi câu hỏi lớn cuối cùng là liệu chúng ta có thể thực sự chiến đấu hai cuộc chiến thương mại cùng một lúc không?”, ông Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường cao cấp của LPL Financial, đặt vấn đề.
Không chỉ là ô tô
Tác động tiềm tàng từ việc đánh thuế hàng hoá Mexico sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực sản xuất ô tô.
Lĩnh vực kinh doanh nhà bếp và tủ bếp của Mỹ cũng có thể chịu cú đòn lớn từ hàng rào thuế quan. Lâu nay việc cắt giảm thuế được NAFTA thực hiện đã mở cửa biên giới Mỹ cho mùa làm ăn quanh năm của Mexico và một nguồn cung sản phẩm giá rẻ. Gần một nửa các loại trái cây và rau củ mà Mỹ nhập khẩu đến từ Mexico, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Ngoài ra, việc đánh thuế cũng đánh vào hoạt động đạt nhập khẩu dầu. Mỹ nhập khẩu hơn 14 tỷ USD dầu thô từ Mexico trong năm ngoái. Giá dầu chịu sự sụt giảm hàng tháng tồi tệ nhất trong 6 tháng do các tranh chấp thương mại đe dọa tăng trưởng toàn cầu và do đó đặt ra câu hỏi về nhu cầu nhiên liệu.
Các nhà nhập khẩu sản phẩm của Mỹ cho biết người Mỹ có thể phải trả thêm 3 tỷ USD cho bơ, cà chua, xoài và các loại trái cây và rau củ khác nếu mức thuế lên tới 25%.
Nhưng nỗi đau không dừng lại ở phần sản xuất. Gần 1/3 lượng đường nhập khẩu vào Mỹ đến từ Mexico và việc tăng chi phí có thể gây sốc giá thông qua chuỗi cung ứng thực phẩm và đồ uống. Ngành công nghiệp thịt của Mỹ đã nhập khẩu động vật sống trị giá hơn 840 triệu USD, chủ yếu là gia súc để vỗ béo và giết mổ cho người tiêu dùng trong nước.
Các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ cũng đang quay cuồng với đòn thuế trả đũa của Mexico, vốn chỉ mới được dỡ bỏ gần đây sau khi Tổng thống Trump đồng ý giảm thuế thép và nhôm như một cách nới lỏng Thỏa thuận NAFTA mới. “Trong một năm qua, tranh chấp thương mại với Mexico và Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ và gia đình của họ thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD", tờ Politico dẫn tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ David Herring.
Thay vì mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu, nông dân và chủ trang trại ở Mỹ rất muốn hiệp định USMCA được thông qua. Việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại lớn nhất của Mỹ đã gây ra gần 2 năm lo lắng cho các nhà sản xuất Mỹ về khả năng tiếp cận hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ trong tương lai.
Tác động chung của chính sách thuế đối với Mexico, cùng với phản ứng trên thị trường tài chính và lo ngại về cuộc chiến thuế leo thang, đã khiến các nhà kinh tế cảnh báo mạnh mẽ hơn về sự giảm tốc tăng trưởng. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 3,1% hàng năm trong quý đầu tiên năm nay, nhưng những dự báo được đưa ra từ trước thông báo “mở mặt trận Mexico” cũng chủ yếu dự đoán tăng trưởng 2% hoặc ít hơn trong quý 2. Và tốc độ này có thể còn xuống thấp hơn nếu Tổng thống Trump áp thuế và Mexico đáp trả.
“Nếu kịch bản này xảy ra thì khả năng suy thoái kinh tế sẽ tăng lên đáng kể”, nhà kinh tế Slok của Deutsche Bank nhận định.