Theo tác giả, mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á đã giảm đi sau khi Liên Xô sụp đổ và đến tháng 1/2012, Tổng thống Barack Obama mới chính thức công bố chính sách “tái cân bằng ở châu Á”. Đây được coi là sự "xoay trục" của Mỹ khi nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực.
Tổng thống Obama phát biểu trong chuyến thăm soái hạm BRP Gregorio del Pilar ở Philippines. |
Với chính sách đó, Mỹ hiểu rằng cần phải tận dụng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của những nước này để xây dựng một mạng lưới đồng minh và đối tác nhằm duy trì và củng cố trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết hiệu quả các thách thức trong khu vực. Mỹ đã theo đuổi bốn lĩnh vực hợp tác chính với nhiều cam kết song phương và đa phương với các nước Đông Nam Á. Đó là: Hỗ trợ sự phát triển của Cộng đồng ASEAN; hỗ trợ cải cách quốc phòng và tái cơ cấu; tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ thảm họa nhân đạo; hỗ trợ đối phó với nguy cơ khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Sự can dự có kế hoạch này thể hiện Mỹ đánh giá ngày càng cao tầm quan trọng của ASEAN.
Tuy nhiên, điều này cũng liên quan khá nhiều đến sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể là những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và các nguy cơ từ sự bành trướng này đối với tự do hàng hải trên một trong những tuyến đường năng lượng và thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
Thông qua việc mang lại cho Mỹ cơ hội về địa chiến lược và về thể chế, chiến lược xoay trục giúp Mỹ cân bằng và bù đắp các thiệt hại trước những ảnh hưởng ngày một tăng trong khu vực của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự can dự ngày càng rõ rệt của Mỹ ở Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung có thể chỉ càng "khuyến khích" Trung Quốc tiếp tục triển khai các chính sách gây hấn nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Có ý kiến cho rằng kế hoạch tái cân bằng của Mỹ thiếu vững chắc. Nhiều người đang đặt câu hỏi về khả năng Mỹ có thể kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông, bằng cách tích cực can dự vào châu Á.
Ngược lại, Trung Quốc dường như lại đang theo đuổi một lập trường ngày càng hiếu chiến, liên tục có các hành động đơn phương gây tranh cãi nhằm khẳng định và củng cố quyền kiểm soát đối với tất cả vùng lãnh thổ trong phạm vi "đường chín đoạn". Những người có cách nhìn này cho rằng chính sách xoay trục của Mỹ thực tế đã thất bại khi muốn bảo đảm Trung Quốc sẽ nổi lên như một “đối tác có trách nhiệm” nhằm củng cố và duy trì trật tự vốn có trong khu vực.
Vấn đề cốt lõi là liệu Mỹ có tiếp tục thực thi chính sách coi ASEAN là trọng tâm trong chiến lược can dự vào châu Á rộng lớn hơn hay không. Trong năm bầu cử, có thể một tổng thống không thuộc đảng Dân chủ sẽ nắm quyền, ưu tiên của Mỹ có thể sẽ thay đổi. Ngay cả trong trường hợp các chính đảng không làm chệch hướng chính sách xoay trục ở Đông Nam Á thì họ cũng bị hạn chế về ngân sách.
Nếu tiếp tục duy trì chính sách này, rõ ràng thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt sẽ là thuyết phục Trung Quốc rằng việc Mỹ quay trở lại Đông Nam Á không phải để ngăn chặn Trung Quốc, mà là để khôi phục và tăng cường quan hệ đối tác tại một trong những khu vực quan trọng của thế giới. Đạt được kết quả như vậy sẽ đòi hỏi một chiến lược đa chiều và linh hoạt, gồm cả can dự và cân bằng. Kết quả tối ưu và bền vững nhất sẽ là sự xuất hiện một trật tự khu vực mà trong đó Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng nhanh chóng leo thang, vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và đe dọa lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh trong khu vực.