Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, cho dù thời gian gần đây liên tục phải hứng chịu những trận không kích dữ dội của Mỹ và các đồng minh.
Việc IS tuyên bố thiết lập “Wilayat Sinai” (tỉnh Sinai) ở Ai Cập cách đây chưa lâu chỉ là sự mở đầu cho một chiến lược chiếm đất mới của chúng tại tất cả các quốc gia vùng Bắc Phi. Và các hoạt động đẫm máu của IS vừa mới diễn ra ở Syrte (Libya) cũng chỉ là giai đoạn khởi đầu cho một loạt vụ việc mà tổ chức này có ý định gây ra tại khu vực này, để hướng tới mục tiêu tạo ra một phong trào nổi dậy mới, mang tên "Mùa Xuân của Nhà nước Hồi giáo" trên toàn châu Phi.
Wilayat Sinai được “thành lập” ngày 2/11/2014, và IS đang nhắm đến Wilyat Syrte, chúng không giấu giếm rằng nay mai sẽ là Wilyat Algers (thủ đô của Algeria) và Wilyat Rabat (thủ đô của Marocco). Đây là một âm mưu dường như đã nằm trên “bản đồ của khu vực Bắc Phi” của IS, nơi hàng nghìn km đường biên giới chạy trên các vùng hoang mạc rộng lớn và hầu như không được kiểm soát.
Binh sĩ Iraq trong cuộc tấn công giành lại quyền kiểm soát thủ phủ Tikrit từ IS. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khu vực này từ lâu đã được coi là một mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tư tưởng Takfiri. Trong những năm 1980, khu vực này là một nguồn tuyển mộ và cung cấp rất nhiều tay súng thánh chiến cho chiến trường Afghanistan.
Trong những năm 1990, nó được sử dụng làm hậu cứ cho những phe nhóm chống lại quân đội quốc gia của nhiều nước Arập trong khu vực. Trong thập niên qua, các chiến binh Takfiri đã tới Iraq để chiến đấu chống sự chiếm đóng của Mỹ tại mảnh đất Hồi giáo này, trước khi sang nước Syria láng giềng để tham gia cuộc chiến lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Và khi Mỹ mở cuộc chiến chống al-Qaeda ở Afghanistan cách đây hơn một thập kỷ, tổ chức này đã mất dần chỗ đứng ở đó, và vùng Bắc Phi vừa đề cập đã nhanh chóng trở thành một trong những đại bản doanh của al-Qaeda, rồi sau đó là của nhiều phe nhóm khủng bố khác, trong số đó có IS.
Hiện nay, IS đang thay đổi mạnh mô hình, cả về tổ chức lẫn hoạt động, với mục tiêu trở thành một “nam châm” hút các Takfiri ở khắp thế giới, trong đó có các tay súng thánh chiến ở châu Phi. Người ta không thể nói đến chủ nghĩa Salafist thánh chiến và lịch sử của nó mà không nói đến Ai Cập, nơi đã và đang trở thành một mục tiêu "đầu tiên và quan trọng nhất" của các hoạt động thánh chiến trong hai thập niên qua trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng “Mùa Xuân Arập”, với các hoạt động chủ yếu nhằm vào các địa điểm du lịch trước khi có một cuộc leo thang, đối đầu trực diện với quân đội và lực lượng an ninh nước này như thời gian gần đây.
Sau Ai Cập, quốc gia có tầm quan trọng thứ hai trong chiến lược của IS ở vùng Bắc Phi chính là Libya, nơi các nhóm cực đoan lúc đầu chỉ dám hoạt động trong bóng tối, nhưng nay dường như chúng "không có gì phải giấu giếm" nữa, nhất là sau khi chúng đã giành quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn tại đây, trong đó có các thành phố và các con đường chiến lược nối liền vùng ven bờ Địa Trung Hải của Libya với vùng sa mạc Sahara. Từ khi chính quyền của ông Kadhafi sụp đổ, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, chính quyền không thể áp đặt được quyền lực đối với phần lớn lãnh thổ quốc gia, và chính đấy là thời cơ để IS và các phe nhóm khủng bố khác sinh sôi, nảy nở và phát triển quá nhanh như hiện nay.
Như vậy là một lần nữa khu vực Bắc Phi lại trở thành trung tâm của các cuộc xung đột quốc tế, đúng hơn là trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố. Các cuộc chiến này được cảnh báo sẽ ngày càng gia tăng về mức độ nguy hiểm cũng như phạm vi do rất nhiều yếu tố, trong đó có những tranh chấp dai dẳng về biên giới chưa được giải quyết, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bất đồng, mâu thuẫn bộ tộc, và mâu thuẫn giữa các quốc gia trong vùng. Ngoài ra, sự lệ thuộc vào bên ngoài của không ít quốc gia trong vùng, rồi chính quyền suy yếu... đang là vật hút các tổ chức khủng bố đổ về đây, và vì vậy, dư luận khu vực và thế giới không khỏi lo ngại nơi đây rất có thể sẽ bị biến thành bãi chiến trường mới trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Phạm Phú Phúc(Theo tờ "Trung Đông")