Kể từ thập niên 1980, mọi tổng thống Mỹ đều tiến hành cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Thông lệ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục dưới thời ông Biden, với việc hai bên đã đạt được kế hoạch về tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến trong ngày 15/11 tới.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng trên một loạt vấn đề, điều được dư luận quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại chính là việc hai nhà lãnh đạo sẽ đẩy chủ đề thảo luận chính nào và mức độ xử lý thành công các điểm nghẽn, bất đồng ra sao.
Cuộc gặp tốn nhiều thời gian lên lịch và ý nghĩa
Cả ông Biden và Tập Cận Bình đều có lý do chiến lược để không vội vã giao thiệp ngay với đối phương. Mỹ trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Biden ưu tiên tập trung xử lý những vấn đề trong nước như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, kết hợp với hàn gắn, sửa sang quan hệ đối tác, liên minh từng bị rạn nứt dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Thông qua những nỗ lực ban đầu nhằm chứng tỏ sức mạnh Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tìm cách tạo dựng ưu thế để can dự với giới lãnh đạo Trung Quốc dựa trên thế của kẻ mạnh. Cùng lúc, Washington còn giành ưu tiên cho hoàn thiện rà soát chính sách, phê chuẩn các chức vụ cấp cao chủ chốt và đó cũng là các nhân tố gây chậm trễ việc hiện thực hóa cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Từ Trung Quốc, quan điểm chủ đạo tại Bắc Kinh là sức mạnh và đà tiến của Trung Quốc đã khác xưa. Điều này khiến giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thấy can dự đối thoại lớn với đồng cấp Mỹ không còn quá cấp thiết. Một năm vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc liên tục nhắc lại khẩu hiệu “phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang thụt lùi”. Cách tiếp cận đó được củng cố thêm một bước khi Trung Quốc kiểm soát hiệu quả đại dịch, đối phó thành công cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Thể hiện mong muốn thiết lập trạng thái ổn định quan hệ Mỹ-Trung ngay sau khi ông Biden lên nhậm chức, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc muốn hoàn tất mục tiêu này dựa trên những điều kiện do mình đặt ra. Bắc Kinh cũng không đề xuất bất kỳ sáng kiến, ý tưởng nào riêng để đưa quan hệ song phương phát triển tích cực hơn. Thay vào đó, Trung Quốc cho rằng chính Mỹ là tác nhân đẩy quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp và vì thế Mỹ phải là bên có trách nhiệm sửa sai.
Quan hệ Mỹ-Trung gia tăng tính chất căng thẳng, đối đầu không làm thay đổi một thực tế hai bên vẫn cần giao thiệp hiệu quả với nhau. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây từng tuyên bố “cạnh tranh căng thẳng đòi hỏi ngoại giao tăng cường”.
Trong ngoại giao, điều quan trọng nhất là kết nối thượng đỉnh, bởi đối thoại cấp trung và cấp thấp thường không tạo ra bước tiến. Không thể xử lý mọi điểm nghẽn trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng trao đổi giữa nguyên thủ hai nước đóng vai trò then chốt trong tạo lập ổn định hợp tác, ngăn chặn kết quả, hệ lụy không mong muốn. Ngay cả thời đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, lãnh đạo Mỹ và Liên Xô vẫn gặp nhau thường lệ, ngăn đối đầu, thù địch phát triển leo thang thành chiến tranh nóng.
Giới chức tại Bắc Kinh và Washington đều hiểu rằng không gì có thể thay thế được ngoại giao trực tiếp cấp cao. Trung Quốc cho rằng quan điểm chính sách của ông Biden và chính quyền mới chưa rõ ràng, nên một sự dịch chuyển chính sách nếu có sẽ chỉ khởi nguồn ở tầng quyền lực cao nhất.
Về mục đích, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lý do chiến lược để làm nóng triển vọng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh. Chính quyền Joe Biden nhận thấy rằng nguyên thủ hai nước có phần “thiếu trách trách nhiệm” nếu để một năm qua đi mà không có bất kỳ tiếp xúc lãnh đạo nào. Mỹ chọn cách tiếp cận “vượt lên cạnh tranh”, nhưng không từ bỏ đối thoại, giao thiệp với Trung Quốc.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đang hướng tới một năm bận rộn, quan trọng về chính trị trước thềm Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối năm 2022.
Những chủ đề thảo luận chính và dự báo kết quả
Quan hệ Mỹ-Trung vài năm trở lại đây diễn biến phức tạp trên một loạt các vấn đề, từ an ninh, kinh tế cho tới chính trị. Khác với các kỳ thượng đỉnh Mỹ-Trung trước đây, cuộc gặp trực tuyến lần này giữa ông Joe Biden và Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ không đưa đến một kết quả cụ thể, rõ nét nào.
Thay vào đó, trong trao đổi ông Biden muốn thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng khung giao thiệp cấp cao – dù đặt trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu xen lẫn hợp tác, là nền tảng ổn định cho quan hệ song phương và không nhất thiết phải dẫn tới xung đột. Ở chiều còn lại, ông Tập sẽ tập trung thuyết phục tổng thống Mỹ đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại trạng thái bình thường, giảm sức ép ngoại giao, kinh tế chống Trung Quốc.
Nội dung cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vừa qua giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và đồng cấp người Trung Quốc Vương Nghị có thể sẽ gợi mở nhiều chủ đề sẽ được hai bên đưa ra tại kỳ thượng đỉnh trực tuyến này. Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đứng đầu danh sách, bởi đây là điểm tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Washington ngày một quan ngại trước khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để hoàn tất mục tiêu thống nhất lãnh thổ. Bắc Kinh phản ứng gắt động thái Mỹ can dự, hỗ trợ Đài Loan, coi đây là âm mưu thúc đẩy Đài Loan độc lập.
Một chủ đề an ninh khác chi phối quan hệ Mỹ-Trung là gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đi cùng đó là tranh chấp lãnh thổ ngày một gay gắt giữa Trung Quốc với một số đồng minh, đối tác của Mỹ. Hai bên cũng nghi kỵ lẫn nhau về các hoạt động quân sự hóa ở khu vực.
Lãnh đạo hai nước cũng có thể sẽ nêu những quan ngại của mình về hành xử của đối phương theo hướng làm phương hại đến bên còn lại. Tại cuộc trao đổi vừa qua với ông Blinken, ông Vương Nghị chỉ trích các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào các công ty, quan chức Trung Quốc, cũng như ý định sử dụng một “nhóm nhỏ đồng minh” để “đe dọa Trung Quốc”. Về phần mình, Washington nhiều lần bày tỏ quan ngại về hồ sơ nhân quyền liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong cũng như hành vi kinh tế không công bằng, hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ nêu vấn đề về triển vọng hợp tác song phương. Tại Rome, hai ông Blinken và Vương Nghị đã thảo luận về khả năng hợp tác giữa hai nước trong phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Iran, ổn định ở Afghanistan, Myanmar và chống biến đổi khí hậu. Đây có thể sẽ là những điểm trung tâm khi cả ông Biden và Tập Cận Bình muốn cải thiện tông quan hệ song phương tổng thể.
Nhiều học giả cho rằng để cải thiện một bước hợp tác Mỹ-Trung, hai bên cần có nỗ lực thực sự trong hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu gắn với đại dịch COVID-19, phi hạt nhân hóa và một số chủ đề xuyên quốc gia. Hai bên có thể còn khác biệt, nhưng không có nghĩa là không thể hợp tác cùng nhau. Việc Mỹ và Trung Quốc hôm 10/11 ra tuyên bố chung về hợp tác chống biến đổi khí hậu là minh chứng cho điều này.
Việc hai nhà lãnh đạo cam kết về thiết lập mô thức xử lý điểm nghẽn trong quan hệ song phương là cách thức hiệu quả nhất trong ngắn hạn. Thay vì dồn nỗ lực cho phát triển một bảng danh sách hợp tác lớn, hai nước có thể khởi đầu bằng việc tìm kiếm một cách tiếp cận cơ bản hơn, hướng đến việc xử lý, trung hòa một vài điểm trong rất nhiều điểm bất đồng còn tồn tại.
Với cách tiếp cận đó, Mỹ và Trung Quốc có thể khởi động từ một số chủ điểm nhỏ, như xóa bỏ tình trạng trả đũa lẫn nhau trong giới hạn hoạt động báo chí, lãnh sự ở nước đối phương. Từ đó, hai bên có thể bắt tay xử lý những vấn đề có tính cấu trúc, phức tạp hơn như mất cân bằng kinh tế, thương mại, an ninh.