"Tuần san châu Á" số mới nhất ở Hong Kong dẫn tiết lộ của một nguồn thạo tin tiếp cận được với Quân ủy Trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, quyết định thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông của Trung Quốc là nhằm vào Mỹ-Nhật và hướng ra biển xa. Đây là bước đột phá quan trọng trong chiến lược hải quân-không quân của Bắc Kinh.Ngày 28/11, máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật (như trong ảnh) đã bay qua ADIZ. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trước khi công bố thiết lập ADIZ khoảng một tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói tới việc này. Phát biểu tại cuộc tọa đàm về công tác ngoại giao được tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 24-25/10, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng việc xem xét vấn đề xung quanh và triển khai ngoại giao xung quanh phải có cái nhìn “lập thể, đa nguyên, vượt qua không gian và thời gian”. Theo một người tham gia hội nghị, khi đó, ông Tập Cận Bình còn đề cập tới việc thiết lập ADIZ, chỉ có điều thông tin này không được tiết lộ ra ngoài.
Việc phạm vi ADIZ tiếp cận tuyến đường qua eo biển Miyako cho thấy hạt nhân đối kháng Trung-Nhật đã phát triển từ khu vực đường trung tuyến Trung-Nhật trên biển Hoa Đông về hướng đảo Miyako. Ý nghĩ sâu xa ẩn giấu đằng sau sự phát triển này nằm ở việc tiêu điểm quan tâm chú ý của Trung Quốc đã không còn chỉ là quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) hay giếng dầu khí ở khu vực đường trung tuyến trên biển Hoa Đông, mà là đường ra biển đột phá qua chuỗi đảo thứ nhất.
Theo nguồn tin trên, tuyến đường qua eo biển Miyako là tuyến hàng hải mà hải quân Trung Quốc xuyên qua chuỗi đảo thứ nhất tiến ra biển xa, cũng là tuyến hàng hải để quân Mỹ tiến vào vùng biển gần Trung Quốc. Đột phá quan trọng về chiến lược hải quân-không quân này là mục tiêu được Trung Quốc đề ra sau Đại hội 18.
Việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc ấp ủ trong một thời gian rất dài, nhiều lần lắng nghe kiến nghị của các chuyên gia, học giả. Năm 2012, Bộ Quốc phòng Trung Quốc một lần nữa kiến nghị với Quân ủy Trung ương nước này rằng cần phải nhanh chóng thiết lập ADIZ. Khi đó, Trung Nam Hải vẫn án binh bất động.
Bốn tháng trước, sau khi cân nhắc lợi hại, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc thiết lập ADIZ, đồng thời còn chỉ ra rằng cuộc đấu tranh Trung-Nhật đã “diễn biến từ đấu tranh tài nguyên sang đấu tranh chiến lược”. Ông Tập Cận Bình đã ký đồng ý thực hiện ADIZ trên biển Hoa Đông về mặt đối ngoại sau Hội nghị Trung ương 3 khóa 18.
Một học giả Bắc Kinh phân tích rằng phạm vi của ADIZ mà Trung Quốc thiết lập lần này tương đối gần đảo Miyako của Nhật Bản. Trước đây, khi đi tới Tây Thái Bình Dương thực thi nhiệm vụ, hải quân Mỹ đã nhiều lần đi qua eo biển Miyako. Có thể nói, tuyến hàng hải qua Miyako là con đường tất yếu phải đi để hải quân Trung Quốc đột phá qua chuỗi đảo thứ nhất.
Nhật Bản từng bố trí tên lửa chống hạm trên đảo Miyako nhằm phong tỏa quân đội Trung Quốc. Từ đó có thể thấy việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông của Trung Quốc là nhằm bảo đảm thông suốt cho tuyến đường vươn ra biển xa quan trọng này. Theo tiết lộ của một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sau khi thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục thiết lập ADIZ trên một số khu vực biển liên quan như Hoàng Hải và Biển Đông.
Trong khi đó, tờ “Minh báo” của Hong Kong cũng cho rằng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông chủ yếu là thách thức Mỹ. Thông qua thiết lập ADIZ, thứ nhất Trung Quốc muốn thử đột phá chuỗi đảo và giới tuyến mà phía Mỹ thiết lập. Việc hải quân Trung Quốc ra vào khu vực biển ở Tây Thái Bình Dương cũng là nhằm mục đích này. Thứ hai là trước chuyến thăm châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Trung Quốc muốn ép Mỹ phải biểu lộ thái độ, không cho Mỹ tiếp tục chơi trò “đòn gánh hai đầu”.
TTK