Theo ông Christopher R. Hill, người đã tham gia đàm phán với Triều Tiên trong vài năm thời chính quyền Bush, đây là lần đầu tiên trong hơn 8 năm qua Triều Tiên mở cửa đàm phán về chương trình hạt nhân. Do đó, ông cho rằng chính quyền Mỹ cần tìm hiểu triển vọng này nghiêm túc.
Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã trải qua nhiều giai đoạn và bế tắc lâu dài, xen lẫn với một vài tia hy vọng ngắn ngủi và sau đó lại là thất vọng. Các thỏa thuận đạt được giữa hai bên đều bị đổ vỡ. Mỹ cáo buộc Triều Tiên lừa gạt, còn Triều Tiên cho rằng đó là hành động khôn ngoan.
Hồi tháng 10/1994, Tổng thống Clinton đã đạt được Thỏa thuận khung – thỏa thuận hạt nhân tham vọng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo thỏa thuận, Triều Tiên ngừng xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mà Mỹ cho là sẽ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, Mỹ cam kết cung cấp cho Triều Tiên hai lò năng lượng hạt nhân thay thế vốn không thể sử dụng vào chương trình vũ khí.
Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright (phải) thăm Bình Nhưỡng năm 2000. Ảnh: AP |
Thỏa thuận năm 1994 này đã ngăn chặn Triều Tiên tái xử lý plutoni từ lò phản ứng ở Yongbyon. Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận nhưng sau đó mua thiết bị để làm giàu urani.
Thỏa thuận này ngăn chặn Triều Tiên đe dọa rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn lên cao nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên.
Chính quyền Clinton tìm cách mở rộng Thỏa thuận khung sau khi Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa đạn đạo năm 1998. Đỉnh điểm của nỗ lực là chuyến thăm Bình Nhưỡng của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Madeleine K. Albright năm 2000.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được đưa ra trước khi Tổng thống Bush nhậm chức. Và tới lượt mình, ông Bush đã rà soát lại chính sách Triều Tiên. Thông tin tình báo Mỹ nói rằng Triều Tiên đang phát triển năng lực làm giàu urani đã khiến ông Bush kết luận Thỏa thuận khung không còn đáng để tuân thủ và cho ngừng xây dựng lò phản ứng mới.
Cuối năm 2002, Triều Tiên trục xuất các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tái khởi động cơ sở hạt nhân và thông báo rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận khung bị khai tử.
Từ sau đó, đàm phán diễn ra trong khuôn khổ 6 bên: Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Các cuộc đàm phán này diễn ra thất thường từ năm 2002 tới 2005 khi Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo về an ninh.
Việc Triều Tiên kêu gọi đảm bảo an ninh đổi lại phi hạt nhân hóa không phải là điều gì mới. Đây là điều cơ bản của hầu như mọi cuộc đàm phán trước đó với Mỹ. Và đây thường là một trong những lý do khiến những nỗ lực này gặp khó khăn.
Sau nhiều năm tìm cách xác minh cam kết của Triều Tiên, đàm phán 6 bên sụp đổ năm 2009, khiến chính quyền của ông Obama phải đối mặt với một Triều Tiên ngày càng tiến bộ trong chương trình hạt nhân.
Chính quyền Obama không có hứng thú khôi phục lại đàm phán và thay vào đó áp dụng chính sách thắt chặt áp lực kinh tế mà Mỹ gọi là “kiên nhẫn chiến lược”. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ bí mật gặp đối tác Triều Tiên.
Ngày 29/2/2012, hai bên thông báo thỏa thuận Leap Day (Ngày nhuận), theo đó Triều Tiên ngừng hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon và cho phép thanh sát viên xác minh. Đổi lại, Mỹ cam kết viện trợ thực phẩm cho Triều Tiên.
Trong vòng một tháng, Triều Tiên đe dọa phóng vệ tinh, khiến thỏa thuận bị vô hiệu hóa.
Hiện nay, chính quyền Mỹ có thể sẽ trải qua những giai đoạn tương tự trong đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ông Daryl G. Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, sự khác nhau giữa tháng 3/2018 và năm 1994 hay 2006 hay 2012 là ở chỗ cái giá của Triều Tiên có thể tăng lên đáng kể.