Tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) của Mỹ hoạt động ở Biển Đông. |
Theo một bài viết được đăng tải trên tờ "The National Interest" (Mỹ) ngày 1/1/2017, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đặt các tên lửa đất đối không trên những đảo mà họ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Hành động này đã gây thêm căng thẳng và khiến các nhà chiến lược của Lầu Năm Góc phải nghiên cứu nhiều phương án khác nhau. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào được đưa ra. Cho tới nay, họ vẫn chống lại việc quân sự hóa hơn nữa vùng Biển Đông và chủ trương các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình bằng con đường ngoại giao.
Các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đi vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.
Theo tờ "The National Interest", ngoài các hoạt động tuần tra, Mỹ cũng có thể tìm cách bố trí thêm các vũ khí phòng thủ và vũ khí tấn công tại vùng biển này. Đó là những hệ thống vũ khí cho tới nay được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ như các dàn pháo M777 Howitzer hay Paladin có cỡ nòng 155 mm. Những vũ khí này có thể được sử dụng để bắn chặn rốcket hoặc tên lửa hành trình. Đây cũng là những dàn pháo phòng không có thể sử dụng công nghệ để ngắm bắn chính xác, phá hủy các mục tiêu của đối phương như máy bay, máy bay không người lái và đạn pháo bắn tới.
Các quan chức Lầu Năm Góc không chính thức xác nhận rằng sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để triển khai các vũ khí trên ở Biển Đông nhưng họ nói Mỹ đang gia tăng phối hợp với các đồng minh này.
Trên thực tế, theo "The National Interest", Lầu Năm Góc đã gia tăng việc hỗ trợ các đồng minh của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Một đạo luật quốc phòng năm 2016 có tên gọi "Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á" dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ một khoản ngân sách để huấn luyện, trang bị và cung cấp những sự hỗ trợ khác cho các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cam kết chi tổng cộng 425 triệu USD cho "Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á" trong các tài khóa 2016-2020. Vấn đề là chưa biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có tiếp tục các nỗ lực này hay không, hay nói rộng hơn là chưa biết ông Trump có duy trì chiến lược "xoay trục" sang châu Á do Tổng thống Barack Obama thực hiện trong 2 nhiệm kỳ của ông hay không.