Mỹ đã sa lầy ở Ápganixtan như thế nào? - Bài 3: Hậu họa từ chính sách dùng - thải, rồi lại dùng…

Mặc dù được Mỹ và các đồng minh tăng viện, nhưng chiến trường Ápganixtan những tháng sau đó dường như hoàn toàn bất lợi cho bên chủ chiến, đến mức sau khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là G. Bush tuyên bố hôm 1/5/2003, rằng sứ mệnh của Mỹ đã “hoàn thành” ở Irắc, người Mỹ đã bắt đầu “rất lo lắng” về tính phức tạp từ Ápganixtan. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi một tháng sau đó, một binh sĩ Taliban đã lái chiếc taxi lao vào một chiếc xe buýt ở ngoại ô thủ đô Cabun, giết chết 4 lính Đức và 1 hành khách người địa phương. Các cuộc tấn công kiểu này sau đó đã lan rộng khắp trong và ngoài thủ đô, rồi lan tới phần lớn các tỉnh thành còn lại. Thống kê chính thức của quân đội Mỹ cho thấy số các cuộc tấn công của quân nổi dậy có vũ trang đã tăng gấp ba từ năm 2005 đến năm 2006, và còn tăng tiếp trong năm tiếp theo. Đây thực sự là những thách thức mới đối với Mỹ.

 

Trò chơi quyền lực của Mỹ


Như vậy, quân đội Mỹ đã bị sa lầy vào một cuộc nội chiến đang phát triển vào đỉnh điểm trước quân nổi dậy. Chính phủ và bộ máy nhà nước do chính phủ Mỹ lập ra ở Ápganixtan chẳng những đã không duy trì được trật tự, mà theo đánh giá của Mỹ và các nước phương Tây nói chung, còn làm cho tình hình trở nên hỗn loạn hơn, nhất là khi các lãnh chúa chiến tranh chỉ chăm chăm lợi dụng vị trí của mình để kiếm chác chứ không hề lo phụng sự quốc gia, khiến người dân Ápganixtan dường như không được cung cấp một dịch vụ nào, và cũng không hề có an ninh.


Chính quyền Bush đã thay thế quân Taliban, nhân tố ít ra đã có thể áp đặt được một hình thức trật tự nào đó tại một phần lớn của đất nước, bằng một nhóm lãnh chúa chiến tranh đã bị mua chuộc và các Moudjahidin. Nhóm người này, trước đây đã thống trị Ápganixtan, đã gây ra một cuộc nội chiến tàn phá đất nước vào các năm 1992 - 1996. Nếu lật lại lịch sử, Mỹ đã có với các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin theo tư tưởng sáp nhập tôn giáo và cuồng tín này một mối quan hệ xa xưa, từ những năm 1970. Mỹ đã trang bị vũ khí, tài trợ và đào tạo họ để chống lại các lực lượng của Liên Xô trong cuộc chiến tranh tại Ápganixtan từ năm 1979 đến 1989. Khi Liên Xô rút quân khỏi Ápganixtan, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin để lật đổ chính phủ đương thời lúc bấy giờ. Với sự sụp đổ của Liên Xô, mọi viện trợ của Mátxcơva dành cho Ápganixtan đã chấm dứt vào ngày 1/1/1992. Bốn tháng sau, chế độ Ápganixtan sụp đổ, và sự thống trị của các lãnh chúa chiến tranh cùng các Moudjahidin được Mỹ ủng hộ đã mở ra một… thời kỳ nội chiến mới, khi mà các lực lượng khác nhau ở đây tìm đủ mọi cách để tự khẳng định mình, để tranh giành quyền lực. Các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin đã giết hàng chục nghìn người dân và phá hủy phần lớn đất nước, kể cả thủ đô Cabun.


Để tái lập trật tự, quân đội Pakixtan, với sự ủng hộ về tài chính của chế độ quân chủ Arập Xêút, đã lập ra lực lượng Taliban vào năm 1993 - 1994, với kiểu trào lưu chính thống tôn giáo cay độc riêng của mình. Các cựu chiến binh Moudjahidin và các thanh niên trong các trại tị nạn Ápganixtan ở Pakixtan, chủ yếu là người sắc tộc Pashtun, đã được tuyển mộ vào đội quân Taliban. Tháng 11/1994, quân Taliban nắm quyền kiểm soát thành phố miền nam Kandahar để rồi sau đó họ lên cầm quyền. Ngay lập tức, quân Taliban giành được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, và lực lượng này là niềm hy vọng của dân chúng khi thấy các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin bị đánh đuổi để thiết lập một bầu không khí an ninh và trật tự. Tháng 9/1996, quân Taliban đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Cabun và bắt đầu thống trị đất nước. Nhưng họ chưa bao giờ có thể chiến thắng hoàn toàn trước các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin bởi vì các kẻ thù cũ này đã tập hợp nhau lại để thành lập Liên minh phương Bắc, rồi liên minh ấy, như phần đầu đã nói, được Mỹ sử dụng, giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Taliban.


Điều trớ trêu là từ chỗ làm bạn với Taliban, rồi coi nó là đồ “bỏ đi”, nhưng nay không bỏ đi được, thì có tin nói chính phủ Mỹ đã bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng với lực lượng này để giảng hòa. Đó là chính sách thực dụng của Mỹ. Một điều rõ ràng và không thay đổi là Mỹ đối xử với Ápganixtan và người dân ở nước này chỉ như một con tốt trong một trò chơi lớn về quyền lực kéo dài đã ba thập kỷ nay. Trước hết, Mỹ ủng hộ các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin chống Liên Xô và chính phủ Ápganixtan thân Liên Xô. Tiếp đó, các nước đồng minh của Mỹ, là Pakixtan và Arập Xêút, đã sử dụng quân Taliban chống lại các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin. Trong một sự lật ngược mới kể từ 2001, Mỹ đã sử dụng các lãnh chúa chiến tranh và các Moudjahidin chống lại quân Taliban. Và bây giờ là lại tìm cách đối thoại với Taliban(?!)


Cuối cùng, như mọi người đều thấy, cuộc chiến tranh và các vụ lộn xộn ở Ápganixtan, do Mỹ xúi giục và nuôi dưỡng, đã khiến Mỹ bị bất ngờ và tốn kém vô ngần. Cũng như một số nước ngoài khác đã từng bị rơi vào một vũng lầy mà chính họ đã gây ra ở Ápganixtan, bây giờ đây đã đến lượt Mỹ.


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại New York)


Đón đọc bài 4: Quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN