Trên thực tế, cuộc chiếm đóng của Mỹ còn nuôi dưỡng nạn tham nhũng. Người ta đã kể ra những thí dụ về các hợp đồng vận tải trị giá hàng tỷ USD mà Mỹ đã phân phát cho các xí nghiệp tư nhân chở thực phẩm cho quân Mỹ và NATO ở Ápganixtan.
Một trong những hợp đồng này đã được dành cho công ty của Hamed Wardak, con trai của Bộ trưởng Quốc phòng Ápganixtan, Abdul Rahim Wardak. Lý giải về những khoản tiền thất thoát, một báo cáo năm 2010 của Quốc hội Mỹ nói rằng công ty này đã phải trả tiền cho các công ty an ninh tư nhân Ápganixtan, vốn là các lãnh chúa, các tư lệnh và các trưởng dân quân, để ngăn chặn các cuộc tấn công vào những đoàn xe tiếp vận. Nhưng, thực ra, các nhà thầu đó đã phải trả tiền cho quân Taliban và các lực lượng phiến loạn khác, chứ không phải cho lực lượng an ninh của chính phủ Ápganixtan. Tóm lại, chính Mỹ là một trong những nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho quân nổi dậy, để họ... đánh lại Mỹ.
Năm 2012, Mỹ hy vọng ghi dấu ấn trong kế hoạch chiếm được “trái tim và khối óc” người dân Ápganixtan, nhưng ngược lại, mỗi một hành động của họ đều khiến người dân nơi đây vô cùng tức giận. Tháng 2/2012, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên khắp đất nước sau khi một trận ném bom của Mỹ đã giết chết 8 thanh thiếu niên chăn cừu, tuổi từ 6 đến 18, tại tỉnh Kapisa ở miền Bắc. Tiếp theo là các cuộc biểu tình lớn sau khi lính Mỹ đốt cuốn Kinh Coran linh thiêng của người Hồi giáo, và người dân địa phương càng phẫn uất hơn khi các lực lượng an ninh Mỹ và Ápganixtan đã dùng vũ lực để đàn áp, khiến 30 người biểu tình bị chết và hàng trăm người khác bị thương.
Một điều đáng nói nữa là trong năm 2012 này đã có nhiều hơn hẳn những vụ tấn công quân Mỹ xuất phát từ chính bên trong bộ máy nhà nước Ápganixtan, điển hình là vụ xảy ra hôm 25/2, khi một Trung tá và một Tư lệnh không quân Mỹ tại Cabun đã bị giết chết do những phát súng bắn từ phía sau khi họ đang làm việc tại trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Bộ Nội vụ Ápganixtan, nơi chỉ có các sĩ quan cấp cao Ápganixtan có thẻ đặc biệt mới được ra vào. Sau vụ này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, đã đề nghị chính phủ Ápganixtan tiến hành những biện pháp quyết liệt để bảo vệ lính liên quân và giảm bớt bạo lực. Lại là một điều trớ trêu nữa, khi một quân đội hùng mạnh nhất thế giới lại phải yêu cầu quân đội hỗn tạp và yếu ớt cũng vào loại “nhất thế giới”, bảo vệ mình.
Theo ghi nhận của tờ New York Times, năm 2012, các vụ tấn công như vậy ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, cảnh sát và binh lính Ápganixtan đã giết chết 26 binh sĩ liên quân so với 35 người trong suốt cả năm trước. Và như vậy, rõ ràng là vụ sát hại Thủ lĩnh của tổ chức khủng bố khét tiếng Al - Qaeda, Osama Bin Laden tại Pakixtan hồi tháng 5/2011 đã không giúp làm thay đổi tình thế của cuộc chiến ở Ápganixtan, vốn theo hướng ngày càng bất lợi hơn cho Mỹ. Trái lại, nó đã gây ra tại Pakixtan và cả Ápganixtan nữa một tâm lý phẫn nộ chống Mỹ. Sự phẫn nộ này rất có thể lan sang nước láng giềng Pakixtan, và nếu vậy, sự sa lầy của Mỹ sẽ còn nặng nề hơn.
Theo thống kê của LHQ, gần 13.000 người Ápganixtan đã bị giết chết từ năm 2006 đến 2011. Cuộc chiến còn gây đảo lộn rất lớn trong xã hội Ápganixtan, khi 25% dân chúng phải đi tị nạn ở Iran hoặc Pakixtan, và hơn một nửa trong số đó bị coi là “bất hợp pháp” khiến cho sự tồn tại của họ rất bấp bênh. Và mặc dù Mỹ nói đã chi 90 tỷ USD để tái thiết Ápganixtan, song cơ sở hạ tầng nơi đây trên thực tế vẫn như không có gì cả. Theo ngân hàng thế giới, tỷ lệ người Ápganixtan được dùng điện năng nằm trong số thấp nhất thế giới, và chỉ 13% dân chúng Ápganixtan được dùng nước sạch, đồng thời cũng chỉ có 12% được chăm sóc y tế. Chính vì thế, tuổi thọ trung bình của người dân Ápganixtan hiện chỉ là 44 tuổi, thấp hơn 20 năm so với các nước láng giềng, và nằm trong số thấp nhất thế giới.
Phía Mỹ cũng phải trả giá quá đắt. Ngoài tiền bạc, khoảng 2.000 lính Mỹ đã bị chết trong cuộc chiến ấy. Trong số này, theo số liệu của Bộ cựu chiến binh Mỹ tính đến tháng 8/2012, đã có 200 lính Mỹ ở chiến trường Áp ganixtan tự tử. Cuộc chiến này còn tạo ra những chấn thương tâm lý nặng nề, khiến tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, và ngày càng nhiều cựu binh sĩ Mỹ mắc bệnh tâm thần và lạm dụng thuốc men. Sau họ, chắc chắn sẽ còn nhiều người khác bị như thế, thậm chí cả các thế hệ sau họ nữa, tiếp tục phải trả giá cho cuộc chiến đã kéo dài 11 năm này.
Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại New York)