Các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq có thể tăng cường sức mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Levant (ISIL) đồng thời khiến tổ chức này trở thành một nguy cơ lớn hơn đối với phương Tây.
Tổng thống Obama tuyên bố các cuộc không kích Iraq có thể kéo dài nhiều tháng. |
Ngoài việc ngăn chặn nạn diệt chủng, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh không kích các mục tiêu của ISIL tại miền bắc Iraq còn nhằm kiểm soát và cuối cùng là đánh bại ISIL trên lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cuộc không kích kéo dài của Mỹ ở Iraq có thể làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố lấy cảm hứng từ ISIL tại các nước phương Tây. Lâu nay, ISIL và al - Qaeda vẫn tranh chấp về việc liệu nên nhằm vào những kẻ thù gần hay kẻ thù xa. Mặc dù cả hai nhóm này đều muốn thành lập một Vương quốc Hồi giáo nhưng giữa họ vẫn tồn tại mâu thuẫn về những biện pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu này.
Al - Qaeda lâu nay vẫn cho rằng để có thể thành lập được một Vương quốc Hồi giáo, trước tiên cần đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông. Đây chính là lý do khiến al - Qaeda đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Ngược lại, ISIL coi việc châm ngòi xung đột phe phái là cách tốt nhất để có thể thành lập được Nhà nước Hồi giáo. Do vậy, ISIL đang nhằm vào các mục tiêu của người Shi'ite nhằm kích động những người Shi'ite có hành động trả đũa "thái quá", cho phép ISIL có thể tự khẳng định là "người bảo vệ" cho người Sunni. Tuy nhiên, chính các cuộc không kích kéo dài của Mỹ đang đe dọa làm thay đổi tính toán của ISIL. Nếu Washington bị coi là nhân tố ngăn cản những tham vọng của chúng tại Trung Đông, ISIL có thể quay sang kẻ thù ở xa.
Đối với phương Tây, điều đáng quan ngại hơn chính là các cuộc không kích kéo dài có thể làm tăng thêm các cuộc tấn công chống lại phương Tây của những đối tượng khủng bố đơn độc. Một trong những khía cạnh khiến các chính phủ phương Tây bối rối từ sự nổi lên của ISIL là có khá nhiều người phương Tây đã đến Trung Đông để "sát cánh" chiến đấu với ISIL tại Iraq và Syria.
Các cuộc không kích kéo dài đang tạo ra một kiểu nguy cơ mới từ những kẻ thánh chiến gốc phương Tây này, nhất là những kẻ có động cơ hỗ trợ ISIL thành lập một nhà nước Hồi giáo. Với việc Mỹ hiện đang trực tiếp chiến đấu chống lại ISIL tại Iraq, các đối tượng thánh chiến này có thể quyết định thay vì tới Trung Đông, chúng có thể hỗ trợ ISIL bằng việc tấn công các mục tiêu của Mỹ và phương Tây ngay ở trong nước.
Các chuyên gia về khủng bố nói chung đều nhất trí rằng al - Qaeda gần như bị tan rã vào cuối năm 2002. Tuy nhiên, al - Qaeda đã được hồi sinh, ít nhất là tạm thời khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, việc đã khiến hàng nghìn thanh niên người Sunni khắp thế giới Arập gia nhập al - Qaeda. Các cuộc không kích mà Mỹ đang tiến hành ở Iraq đang tạo ấn tượng trong nhiều người Sunni rằng Washington đang tham gia lực lượng của những người Shi'ite ở khắp khu vực để đàn áp những người Sunni. Hơn nữa, ISIL sẽ có thêm uy tín khi "tự miêu tả" họ là những người đang chiến đấu để bảo vệ khu vực khỏi những kẻ ngoại đạo phương Tây.
Có lẽ đáng quan ngại nhất là các cuộc không kích kéo dài của Mỹ nhằm vào ISIL lại đánh mất cơ hội tiêu diệt ISIL ở Iraq trong tương lai gần. Cách duy nhất có thể loại trừ ảnh hưởng của ISIL tại Iraq thực chất nằm ở những bộ tộc người Sunni. Nếu các bộ tộc người Sunni nổi dậy chống lại ISIL, nhóm này sẽ phải vật lộn để duy trì vị thế tại Iraq.
Trong những tuần trước khi Mỹ quyết định không kích, đã có những dấu hiệu cho thấy những người Sunni ngày càng thất vọng với ISIL cả ở Iraq, lẫn một số khu vực ở Syria. Tuy nhiên, nếu Mỹ mở rộng các mục tiêu không kích sang những khu vực có người Sunni sinh sống ở Iraq thì sự thất vọng của những người Arập dòng Sunni đối với ISIL có thể tiêu tan. Mặc dù các cuộc không kích hiện nay của Mỹ rõ ràng là nhằm giảm bớt nguy cơ từ ISIL tại Iraq, song dường như nó lại đang có tác dụng ngược lại.
Dương Hoa (Theo mạng tin "The diplomat")