Mỹ 'kín đáo' bố trí lực lượng quanh Biển Đông

Bắt đầu từ ngày 22/7, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường công du châu Á với hai chặng dừng chân chính là Ấn Độ và Singapore. Nhà Trắng không hề che giấu mục tiêu chuyến đi lần này của ông Biden là nhằm khẳng định lại quyết tâm “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama.

Chặng dừng chân Singapore của Phó Tổng thống Biden không phải là ngẫu nhiên vì quốc gia Đông Nam Á này, cùng với Philippines, đang ngày càng giữ vị trí quan trọng trong "sơ đồ" bố trí lực lượng của Mỹ quanh Biển Đông nhằm dự phòng mọi bất trắc có thể nảy sinh từ những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước nhỏ trong khu vực.


Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP-TTXVN


Từ nhiều năm nay, tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng với việc Trung Quốc công khai đòi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển này và điều động ngày càng nhiều lực lượng quân sự và bán quân sự đi tuần tra trong khu vực để áp đặt yêu sách chủ quyền, sẵn sàng dùng vũ lực xua đuổi tàu thuyền các nước khác tại những nơi mà Bắc Kinh cho là của Trung Quốc.


Về bề nổi, các cuộc thảo luận của Phó Tổng thống Mỹ với ba nhà lãnh đạo Singapore cấp cao nhất - gồm Tổng thống Tony Tan Keng Yam, Thủ tướng Lý Hiển Long và cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu - sẽ đề cập đến tình hình Biển Đông và nỗ lực của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Singapore là một thành viên quan trọng, nhằm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để ngăn ngừa xung đột. Trọng tâm này đã được chính ông Biden nêu lên vào ngày 18/7/2013, khi ông kêu gọi Trung Quốc và ASEAN đẩy mạnh các cuộc đàm phán về các quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Tuy nhiên, ngoài hoạt động ngoại giao nói trên, chuyến thăm Singapore của nhà lãnh đạo số hai nước Mỹ còn có một mục tiêu khác không được quảng bá rộng rãi, đó là thị sát việc tái bố trí lực lượng quân sự của Mỹ trong khuôn khổ chiến lược xoay trục qua châu Á đã được chính quyền Obama quyết định và đang từng bước thực hiện, trong đó Biển Đông được coi là một trọng tâm.


Theo một quan chức Mỹ cấp cao yêu cầu giấu tên hiện đang ở Singapore, Phó Tổng thống Biden sẽ ghé thăm một căn cứ hải quân Mỹ và chiến hạm USS Freedom - chiếc tàu chiến thế hệ mới nhất vừa được Mỹ triển khai tại Biển Đông, đặt bản doanh tại Singapore. Đây là chiếc tàu chiến duyên hải LCS (Littoral Combat Ship) đầu tiên trong số 4 chiến hạm mà Mỹ đã quyết định cử đến hoạt động trong khu vực.


Ngay khi vừa đến Đông Nam Á vào tháng 4/2013, chiếc USS Freedom đã bắt đầu tham gia tập trận với các đối tác của Mỹ trong vùng - mà cụ thể là với Malaysia - để thích nghi với địa bàn hoạt động, tăng cường hiệu năng chiến đấu khi cần thiết. Trên trang mạng của báo “Philippine Daily Inquirer” ngày 18/7, nhà báo Bernie Lopez đã nêu bật hỏa lực hùng hậu và tính hiện đại, linh hoạt của loại chiến hạm đời mới này của Mỹ, hầu như có thể thay thế các loại khu trục hạm và tuần dương hạm lớn hơn nhưng di chuyển chậm hơn. Đây là loại vũ khí được cho là có khả năng đối phó hữu hiệu với chiến lược chống tiếp cận được Trung Quốc áp dụng, và không phải là ngẫu nhiên mà ngay từ đầu, Mỹ đã thuyết phục được Singapore cho sử dụng cảng để làm bản doanh cho loại chiến hạm này để chủ yếu hoạt động tại vùng Biển Đông.


Ngoài Singapore, Mỹ cũng đang đàm phán với Philippines để tàu chiến và phi cơ của hạm đội Thái Bình Dương được dễ dàng ra vào và lưu trú tại các căn cứ quân sự, hải cảng và sân bay trên lãnh thổ Philippines. Có ý kiến cho rằng không phải Mỹ đặt mục tiêu sử dụng mọi căn cứ, Washington chỉ sử dụng chủ yếu các căn cứ nhìn ra Biển Đông, chẳng hạn như căn cứ hải quân và không quân của Mỹ trước đây ở vịnh Subic gần Manila.


Các nguồn thạo tin mới đây đã tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Washington đã xác định được khoảng một chục cơ sở quân sự và dân sự tại Philippines mà quân đội Mỹ muốn sử dụng và đa số các cơ sở này đều nhìn ra Biển Đông. Đàm phán Mỹ-Philippines vẫn đang diễn ra, và các hoạt động của Mỹ từ Singapore cho đến Philippines đều chứng tỏ rằng dù không rầm rộ tuyên bố công khai nhưng rõ ràng Mỹ đang từng bước thực hiện chiến lược xoay trục qua vùng châu Á-Thái Bình Dương, với khu vực quanh Biển Đông là một trong những ưu tiên.



TTXVN/Tin tức

Phó Tổng thống Mỹ đến châu Á bàn về Biển Đông
Phó Tổng thống Mỹ đến châu Á bàn về Biển Đông

Đầu tuần tới, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á và nhà lãnh đạo này sẽ tìm cách làm dịu những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN