Tạp chí Âu-Á ngày 19/7 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng một trận địa rađa tên lửa đánh chặn tại Cata. Sau khi xây dựng xong, Lầu Năm Góc sẽ bố trí loại rađa cơ động hiện đại nhất thế giới mang tên "Rađa theo dõi có khả năng vác vai/Lục, Hải quân-Mẫu 2" (AN/TPY-2). Cata là nước chủ nhà của căn cứ không quân Al Udeid lớn nhất của Mỹ ở Vùng Vịnh, với quân số dự kiến khoảng 8.000 binh sĩ đóng quân ở đó và một căn cứ khác.
Hệ thống rađa cơ động hiện đại nhất thế giới AN/TPY-2 của Mỹ. |
Trận địa rađa của Mỹ tại Cata sẽ được liên kết với các rađa tương tự có dải sóng X đã được triển khai tại Ixraen năm 2008 và một trận địa rađa tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2012. Trận địa rađa AN/TPY-2 được triển khai ở sa mạc Negev của Ixraen cùng với 120 binh sĩ thuộc các lực lượng lục quân, không quân và lính thủy đánh bộ Mỹ. Đây là căn cứ quân sự lâu dài của nước ngoài đầu tiên trong lịch sử Ixraen.
Rađa AN/TPY-2 có tầm hoạt động khoảng 4.300 km. Loại rađa tương tự được bố trí tại tỉnh Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một bộ phận của lá chắn tên lửa châu Âu thuộc NATO, nhưng do các binh sĩ Mỹ quản lý và sử dụng. Mỹ triển khai 3 trận địa rađa này nhằm tạo nên một vòng cung theo dõi toàn bộ phía tây của Iran. Năm 2006, Mỹ cũng triển khai một trận địa rađa AN/TPY-2 tại Nhật Bản. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc cho biết hiện nay Mỹ chỉ có 7 rađa AN/TPY-2 và đang sản xuất thêm 3 rađa nữa, nhưng không tiết lộ kế hoạch bố trí 6 rađa còn lại ở địa điểm nào trên thế giới.
Mỹ sử dụng hệ thống rađa AN/TPY-2 để yểm trợ hệ thống tên lửa đánh chặn Phòng thủ khu vực độ cao lớn giai đoạn cuối cùng (THAAD) của lục quân Mỹ. Mặc dù hệ thống này cũng hoạt động phù hợp với các phương tiện đánh chặn Standard Missile-3 của hải quân Mỹ và cả hai hệ thống đã được triển khai trên bộ ở Rumani và trên biển tại Ba Lan, nhưng không loan báo vị trí cụ thể của các trận địa này. Cuối năm ngoái, Mỹ ký một thỏa thuận bán các loại vũ khí trị giá 3,48 tỷ USD với Các Tiểu Vương quốc Arập, theo đó Lầu Năm Góc sẽ cung cấp cho nước này 2 trận địa THAAD do hãng Lockheed Martin sản xuất, 96 tên lửa đánh chặn trị giá 1,96 tỷ USD; một hợp đồng trị giá 582,5 triệu USD cung cấp 2 rađa AN/TPY-2; Mỹ sẽ bố trí các tên lửa THAAD tại Các Tiểu Vương quốc Arập và đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc triển khai hệ thống tên lửa này ở bên ngoài lãnh thổ. Các hệ thống tên lửa THAAD không những được kết nối với các trạm rađa AN/TPY-2 ở Cata và Ixraen, các trận địa tên lửa Patriot ở một số quốc gia Vùng Vịnh khác, mà cả các tàu khu trục tên lửa có điều khiển và các tàu hộ tống được trang bị các phương tiện đánh chặn Standard Missile-3 để sẵn sàng triển khai trong khu vực khi cần thiết.
Theo kế hoạch, tháng 10/2012, Lầu Năm Góc sẽ thay thế cuộc diễn tập Juniper Cobra 10 bằng cuộc diễn tập chung Mỹ-Ixraen Austere Challenge 12, theo đó thành phần tham gia gồm một số hệ thống tên lửa của Ixraen như hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt 4 tầng, hệ thống tên lửa Sling, Arrow 2 và Arrow 3 cùng với các đối tác của Mỹ gồm THAAD, tên lửa Standard Missile-3, tên lửa Patriot-3.
Về bản chất, mạng lưới tên lửa đánh chặn toàn cầu hợp nhất, được phân tầng, ngày càng hiện đại đang được Mỹ, NATO và các đối tác phát triển sẽ không chỉ sử dụng cho mục đích phòng thủ. Ngược lại, mạng lưới tên lửa đánh chặn này nhằm vô hiệu hóa các khả năng răn đe, trả đũa các cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu bằng tên lửa của các nước khác, vì vậy mối đe dọa của các cuộc tấn công được Mỹ phát động trong tương lai ngày càng tăng.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)