Mỹ nỗ lực khẳng định chính sách 'xoay trục' sang châu Á

Nhằm tái khẳng định cam kết chuyển trọng tâm ngoại giao sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện chuyến công du 4 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo khu vực hoài nghi về cam kết xoay trục của Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, chuyến đi của ông Obama hầu như đặt trọng tâm trấn an các đồng minh về sự hậu thuẫn an ninh của Mỹ.

Kết quả rõ ràng nhất sau chuyến đi châu Á của người đứng đầu Nhà Trắng chính là những tuyên bố và thỏa thuận hợp tác an ninh song phương. Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Nhật Bản - một trong những đồng minh thân cận nhất tại châu Á, Mỹ đã đáp ứng mong đợi của Tokyo với tuyên bố quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông (Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) "nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật".

Điều đó có nghĩa là các lực lượng Mỹ sẵn sàng đáp trả bất cứ sự đe dọa nào về quân sự nhằm vào Nhật Bản. Mặc dù không đưa ra tuyên bố liên quan đến chủ quyền, song lời khẳng định công khai của Tổng thống Mỹ về bảo vệ đồng minh được cho là một thông điệp cứng rắn của Washington gửi đến Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigo Aquino ngày 28/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại Hàn Quốc, vấn đề cốt lõi là Mỹ đồng ý hoãn việc chuyển giao Quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) cho Hàn Quốc, trước đó được dự kiến vào tháng 12/2015. Động thái này thể hiện sự cam kết an ninh vững chắc của Mỹ dành cho Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng đang tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu như với hai đồng minh truyền thống, các động thái của Washington nhằm củng cố lại sự hợp tác vững chắc đã được thiết lập từ nhiều năm, thì tại Malaysia, việc nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên "quan hệ đối tác toàn diện" được xem là trang sử mới trong quan hệ không mấy gần gũi hàng thập kỷ qua giữa hai nước. Bên cạnh các vấn đề kinh tế, ngoại giao, văn hóa,... hợp tác an ninh là một lĩnh vực không thể thiếu trong quy mô quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Malaysia. Chính vì vậy, Tổng thống Obama đã khẳng định sự đồng tình của Mỹ với quan điểm của Malaysia trong vấn đề Biển Đông, theo đó tất cả các quốc gia đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tại điểm dừng chân cuối cùng là Philippines, chỉ vài giờ trước khi ông Obama đặt chân xuống Manila, hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Philippines đã đặt bút ký thỏa thuận hợp tác quân sự mới, cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này. Đây được coi là một mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời, đồng thời sẽ giúp giải quyết tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của mỗi nước trong vấn đề hợp tác quốc phòng. Tổng thống Obama khẳng định thỏa thuận nhằm thúc đẩy "sự hợp tác lớn hơn giữa các lực lượng Mỹ và Philippines, giúp hai nước tăng cường khả năng huấn luyện, thực hành, hoạt động phối hợp với nhau và phản ứng nhanh hơn trước hàng loạt thách thức".

Trong khi hoàn thành mục tiêu khẳng định vai trò an ninh tại châu Á, Tổng thống Mỹ đã không gặt hái được thành công trong vấn đề kinh tế. Tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được xem như "xương sống" trong chiến lược kinh tế của ông Obama, hầu như không đạt kết quả trong chuyến công du lần này. Cả Nhật Bản và Malaysia đều chưa nhượng bộ Mỹ trong các bất đồng liên quan đến TPP. Kết quả khả dĩ nhất mà ông Obama nhận được là cam kết của các nhà lãnh đạo hai nước trên về việc "sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề còn tồn đọng" và đánh giá cao Washington "đã không gây sức ép lớn" trong các cuộc đàm phán về TPP.

Trong bối cảnh sự can thiệp của Mỹ bị dàn trải bởi các vấn đề quốc tế như cuộc khủng hoảng Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông và đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine,... các mục tiêu xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Washington dường như bị bỏ quên. Vì thế, chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng được coi là sự đảm bảo vững chắc về cam kết của Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh trong những tình huống khó khăn.

Mỹ quyết tâm trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó đã được giới lãnh đạo Mỹ nhiều lần khẳng định. Với chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Obama muốn phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ là nhân tố trung tâm ở châu Á trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được cam kết trên, chắc chắn Washington sẽ phải có những hành động thực sự để cân bằng chính sách giữa các khu vực.


Cẩm Tuyến

Chiếc trục quá nặng với ông Obama

Tổng thống Barack Obama đang có chuyến công du một tuần tới châu Á nhằm tái khẳng định với các đồng minh về chiến lược “xoay trục” - công việc được cho là không hề dễ dàng đối với chính phủ Mỹ trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN