Mỹ phải làm gì với đồng minh Ai Cập?

Liệu cuộc tàn sát ở Ai Cập khiến Mỹ phải thay đổi nhiều hơn trong chính sách đối ngoại đối với quốc gia đông dân nhất thế giới Arập này? Và liệu lập trường mạnh mẽ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến các hành động cứng rắn của Ai Cập?

 

Bỏ con săn sắt bắt con cá rô


Ngay khi Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, ông Morsi, bị lật đổ, Nhà Trắng đã không gọi đó là một cuộc đảo chính bởi vì làm như vậy sẽ buộc Mỹ chấm dứt gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD hàng năm và thay đổi mối quan hệ với đồng minh Arập mạnh nhất trong khu vực.


Quân đội Ai Cập kiểm tra các phương tiện giao thông trong giờ giới nghiêm tối 19/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Trên thực tế, Mỹ có lợi ích lớn khi khu vực này được hòa bình và ổn định. Ai Cập kiểm soát kênh đào Suez, một tuyến đường biển quan trọng với hơn 4% lưu lượng dầu mỏ và 8% hàng hóa thương mại bằng đường biển của thế giới. Cho đến nay, kênh đào này vẫn hoạt động trơn tru. Nhưng một sự gián đoạn có thể sẽ đánh vào hầu bao của Mỹ, chưa nói đến sự ảnh hưởng việc lưu thông an toàn hàng hải và sau đó là tác động đến việc kinh doanh của các công ty Mỹ, hợp tác tình báo và mối quan hệ quân sự.


Mỹ giúp Ai Cập một phần vì nước này cùng với Jordan bảo đảm hòa bình cho Israel. Đổi lại, Ai Cập được gần 1,6 tỷ USD mỗi năm tiền viện trợ cả về quân sự và kinh tế của Mỹ và tiền viện trợ đó đã mua được một đồng minh trong một khu vực luôn luôn bất ổn. Mỹ không muốn gây ra sự xáo trộn về thế cân bằng đó và viện trợ là cách lôi kéo có hiệu quả.


Fareed Zakaria, biên tập viên của hãng CNN nói: "Mối quan hệ này (Mỹ - Israel - Ai Cập - Jordan) giống như một cái tổ ong bò vẽ. Và đó là lý do tại sao chính quyền Mỹ đang cố gắng không để khuấy động nó quá nhiều".


Khairi Abaza, một thành viên cao cấp của Ủy ban ngân sách Quốc phòng Mỹ thuộc đảng Dân chủ nói: "Thực tế là quân đội Ai Cập đã không chỉ bảo đảm sự ổn định đối với Mỹ trong một Trung Đông hỗn loạn mà nước này còn là ‘một con bò sữa’. Hiện nay, quân đội Ai Cập dựa vào thiết bị, huấn luyện và dịch vụ quân sự của Mỹ. Sự phụ thuộc này có nghĩa là Ai Cập là một khách hàng cần thiết cho các tổ hợp quân sự của Mỹ và tiền viện trợ thực tế lại ‘bơm’ ngược vào nền kinh tế Mỹ".


Thế tiến thoái lưỡng nan


Nhìn từ phía chính quyền Obama, Ai Cập là “một tình huống vô cùng khó khăn và phức tạp” cần phải có thời gian để nghiền ngẫm. Đó là những gì mà phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney phát biểu tháng trước ngay sau khi ông Morsi bị quân đội phế truất và các nhà báo đã hỏi vặn tại sao Mỹ không gọi đó là một cuộc lật đổ. “Điều đó (gọi là cuộc lật đổ) sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ để thay đổi ngay lập tức các chương trình viện trợ cho Ai Cập”, ông Jay Carney nói.


Phản đối cuộc chính biến tại Ai Cập, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, nói rằng Hoa Kỳ "không viện trợ để tiến hành cuộc đảo chính này” và đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama ngừng ngay sự trợ giúp. Cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ PJ Crowley ngày 14/8 cũng cho biết: “Đã đến lúc gọi sự lật đổ ông Morsi là một cuộc đảo chính, đình chỉ viện trợ quân sự để quân đội tập trung vào việc thành lập quốc hội và bầu cử tổng thống mới".


Tuy nhiên, một số thượng nghị sỹ khác lại ủng hộ sự trợ giúp cho Ai Cập. Thượng nghị sĩ Blumenthal của Đảng Dân chủ nói: "Chúng ta không nên cắt mọi viện trợ. Ở đây không có những lựa chọn tốt, nhưng giữa hai lựa chọn, lợi ích của Mỹ sẽ có cơ hội được bảo vệ tốt hơn nếu chúng ta hợp tác với quân đội Ai Cập”.


Nhưng Mỹ thực sự vẫn chưa đưa ra được quyết định nào sau những hành động cứng rắn của quân đội Ai Cập. Lầu Năm Góc đang cân nhắc xem có nên hủy hoặc ít nhất là trì hoãn viện trợ quân sự cho Ai Cập.


Chuyên gia phân tích về các vấn đề Trung Đông, Robin Wright cho rằng khả năng can thiệp của Mỹ bị hạn chế và dù sao thì giải pháp cho tình hình bất ổn ở Ai Cập cuối cùng cũng phụ thuộc vào chính người dân Ai Cập. "Vai trò của Mỹ chỉ là trung gian hòa giải giữa quân đội và Tổ chức Anh em Hồi giáo nhằm đưa ra một số loại thỏa hiệp. Mỹ cũng không thể làm được nhiều", ông nói.



Công Thuận

Ai Cập bắt thủ lĩnh Anh em Hồi giáo
Ai Cập bắt thủ lĩnh Anh em Hồi giáo

Chính quyền lâm thời Ai Cập ngày 20/8 lại giáng thêm một đòn mới vào Anh em Hồi giáo khi bắt thủ lĩnh tinh thần Mohammed Badie của tổ chức này. Hành động mới nhất cho thấy chính quyền Ai Cập ngày càng gia tăng chiến dịch chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN