Mỹ sử dụng Al-Qaeda để chống Xyri?

Việc triển khai các tên lửa Patriot và hàng trăm binh lính Mỹ và các quốc tịch khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Xyri được nhiều người xem như đã vượt qua ngưỡng của cuộc chiến tranh, mở đường cho một sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và NATO vào Xyri, theo cách họ đã làm ở Libi hồi năm ngoái.


Tờ "Al-Hayat" cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, nước giữ vai trò hàng đầu trong việc cung cấp vũ khí, tài chính, các chiến binh nước ngoài và hậu cần cho phe đối lập ở Xyri, đang tìm cách lật đổ bằng được chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Ancara đã biện minh cho những hành động đó của mình bằng cách khẳng định rằng nước này đang bị Xyri đe dọa, và rằng Xyri có thể sử dụng vũ khí hóa học để chống người dân trong nước và các nước láng giềng, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Trong một chiến dịch rõ ràng đã được phối hợp với nhau, sự khẳng định không có bằng chứng của Thổ Nhĩ Kỳ về mối đe dọa vũ khí hóa học của Xyri đã được phóng đại nhờ nhiều nhân vật trong Chính phủ Mỹ và các phương tiện thông tin đại chúng chính của Mỹ. Nguồn trên nhắc lại việc tờ "Thời báo New York" và kênh truyền hình CNN của Mỹ đã nhiều lần đưa ra những thông tin “bí mật” về một số cuộc vận chuyển vũ khí hóa học ở Xyri. Điều đó đã châm ngòi cho những tuyên bố mang đầy tính đe dọa của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton, khi nói tới một “giới hạn đỏ” (về vũ khí hóa học) mà Xyri đang tiến gần đến và dọa rằng nếu điều đó xảy ra, chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ.


Đây là lần thứ hai trong vòng 10 năm qua, Mỹ đã đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông bằng cách dựa vào những “thông tin” đáng ngờ liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, có sự khác nhau rất rõ rệt giữa cách thức đe dọa của chính quyền Obama bây giờ và các chính quyền tiền nhiệm. Những lời nói dối được sử dụng để biện minh cho cuộc chiến tranh chống Irắc năm 2003 bao gồm những lời khẳng định về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Irắc, mà trên thực tế nó không hề tồn tại, và cả về nguy cơ được giả thiết là các vũ khí này rơi vào tay mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Còn chính quyền Obama bây giờ lại không đề cập gì đến những mối đe dọa này.

 

Điều khác nữa là trong khi những lời tố cáo về sự có mặt của mạng lưới Al-Qaeda ở Irắc là hoàn toàn giả dối, còn bây giờ rõ ràng các nhóm liên quan đến mạng lưới này và các chiến binh đánh thuê người nước ngoài đang giữ một vai trò có tính quyết định trong các sự kiện ở Xyri. Người ta đều biết Jabhat al-Nusra, một chiến binh Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới Al-Qaeda, hiện có trong tay 10.000 chiến binh ở Xyri. Thế nhưng Mỹ lại không hề đả động tới sự thật này, trong khi ở Irắc ngày trước không hề có tay chân của Al-Qaeda thì chính quyền Mỹ lúc bấy giờ lại cứ làm rối lên, coi đấy là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và toàn khu vực.


Theo giới quan sát, chính quyền Obama im lặng về vấn đề này bởi vì các lực lượng của Al-Qaeda ở Xyri đang được sử dụng trong cuộc chiến để thay đổi chế độ ở Xyri theo đòi hỏi của Mỹ và phương Tây. Tuy không trực tiếp, nhưng lực lượng này đã được CIA và các đồng minh Arập của Mỹ trang bị vũ khí đến tận răng, chỉ cốt để lật đổ cho bằng được Tổng thống Bashar al-Assad. Ngoài ra, thông qua lực lượng này, Mỹ đang tìm cách kích động những người Hồi giáo dòng Sunni trong toàn khu vực tham gia cuộc xung đột giáo phái nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Iran với đa số người Shi'ite, để chuẩn bị một cuộc chiến tranh của Mỹ và đồng minh Ixraen nhằm chống đất nước 76 triệu dân và giàu dầu lửa này.


Liên minh giữa Mỹ với Al-Qaeda ở Xyri giống mối quan hệ đã được thiết lập hồi năm ngoái trong cuộc chiến tranh của NATO làm sụp đổ chế độ của nhà lãnh đạo Kadhafi ở Libi, trong đó các phần tử của nhóm Hồi giáo chiến đấu ở Libi, có quan hệ lâu đời với Al-Qaeda, đã được sử dụng làm lính bộ binh cho NATO. Và bây giờ, những người Hồi giáo Libi ấy đã trở thành một bộ phận chủ chốt trong các chiến binh nước ngoài hiện đang hoạt động ở Xyri, và nhiều vũ khí chưa sử dụng hết của chúng ở Libi đã được đưa tới Xyri để chiến đấu chống lại chế độ của Tổng thống Assad. Ai cũng biết sự phụ thuộc vào các lực lượng như vậy luôn là một nguy cơ lớn, điều này đã được chứng minh qua cuộc tấn công hôm 11/9/2012 nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libi), giết hại Đại sứ và ba nhà ngoại giao Mỹ. Rõ ràng là Mỹ quá biết sẽ có một mối đe dọa tương tự ở Xyri, nhưng hơn lúc nào hết, bây giờ họ đang cần lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, họ đành nhắm mắt đưa tay, rồi mọi chuyện sẽ lo liệu sau.


Phạm Phú Phúc

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN