Mỹ tìm sự an ủi từ Trung Quốc khi đồng minh ghẻ lạnh

Mặc dù mối quan hệ giữa Washington với nhiều đồng minh thân cận đang căng thẳng vì vụ bê bối nghe lén điện thoại và sự khác biệt về chính sách của Mỹ ở Trung Đông, nhưng chính quyền Obama có thể được an ủi từ sự cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Ảnh: Reuters.


1 năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các quan chức cấp cao Mỹ nói rằng họ thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai nước trên một loạt các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến tham vọng vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hai bên cũng đã coi việc tăng cường trao đổi đoàn quân sự cấp cao như là một giải pháp an toàn nhằm hạ nhiệt bất kỳ một nguy cơ đối đầu có thể bùng phát.

Về lĩnh vực kinh tế, Washington đang tập trung chờ đợi Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển kinh tế một cách cởi mở hơn tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (khoá 18) từ ngày 9 đến ngày 12/11 tới.

Trung Quốc cũng lạc quan về một thỏa thuận mở lại các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương và một khu vực thương mại tự do thí điểm ở Thượng Hải - được dự báo là góp phần hiệu quả cho việc cải cách sâu rộng hơn để giải quyết những rào cản thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Bên cạnh đó, cả hai cũng sẽ giúp nhau giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại hàng năm lên đến 300 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc.

"Những việc mà ông Tập Cận Bình đã làm tại những địa phương ông đã từng lãnh đạo trước khi trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều cho thấy những dấu hiệu lạc quan rằng, ông sẽ tiếp cận thị trường một cách thân thiện hơn so với người tiền nhiệm”, Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải và là một nhà cựu ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc nói.

Bộ Tài chính Mỹ mới đây cũng thông báo rằng Trung Quốc không thao túng tiền tệ và đã cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá 12% so với đồng USD kể từ tháng 6/2010. Và trong một bản báo cáo không thường niên trước Quốc hội Mỹ, những lời chỉ trích nhằm vào Trung Quốc đã giảm đáng kể, thay vào đó là sự buộc tội Đức cản trở việc ổn định tình hình kinh tế ở Châu Âu và là tổn thương nền kinh tế toàn cầu vì quá tập trung vào xuất khẩu chứ không phải kích thích nhu cầu trong nước.

Một ví dụ khác nữa chứng tỏ mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ấm dần lên đó là vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Từ lâu, Mỹ luôn xem chương trình này là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng ở Châu Á và luôn tìm cách thuyết phục Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng. Đầu năm 2013, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 kể từ năm 2006, cùng với lời đe dọa tấn công hạt nhân vào Mỹ và Hàn Quốc.

"Chúng tôi đã thấy (Trung Quốc) gây áp lực nhiều hơn đối với Triều Tiên bởi vì Bình Nhưỡng thường khiêu khích theo chu kỳ và điều này đã gây mất ổn định trong khu vực”, Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Obama phụ trách vấn đề chiến lược truyền thông nói.

Việc thu hẹp sự khác biệt về vấn đề Triều Tiên là kết quả quan trọng đạt được giữa ông Tập Cận Bình với ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức tháng 6 năm ngoái ở California – một hội nghị được thiết kế chủ yếu nhằm xây dựng niềm tin cũng như thỏa thuận để giảm phát thải khí nhà kính và khởi động cho một nhóm làm việc song phương thảo luận thường xuyên về an ninh mạng.

"Mỹ và Trung Quốc đang hợp tác không chỉ về lĩnh vực hàng hóa, mà còn trên các lĩnh vực khác thực sự rất quan trọng đối với hai nước và cả khu vực và thế giới”, ông Russel, người tham dự hội nghị thượng đỉnh trên nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, quan hệ hai nước không phải tất cả đang là màu hồng. Một số vấn đề tồn tại từ lâu vẫn đang cản trở mối quan hệ Trung – Mỹ, chẳng hạn như vấn đề nhân quyền.

Ngoài ra, một mối bất hòa tiềm năng khác đó là thái độ ngày càng quả quyết của Trung Quốc mà các nhà phê bình gọi là “ngoại giao pháo hạm” trong vấn đề tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng châu Á, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines.

Nhưng các quan chức của hai nước nói rằng họ đã cam kết thực hiện theo cái mà Trung Quốc gọi là "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" – một "câu thần chú” của ông Tập Cận Bình nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh Trung-Mỹ khi Bắc Kinh đang phát triển trở thành cường quốc toàn cầu.

Theo ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đối với Washington, khái niệm trên có nghĩa là "trên Trái đất này vẫn có chỗ để cho mộ Trung Quốc thịnh vượng, ổn định, mạnh mẽ và Mỹ tiếp tục là nhà vô địch của hệ thống tự do, dân chủ, thị trường tự do và có luật lệ. Cả hai đều có ý định tránh một cuộc đối đầu trực tiếp".


Vũ Thanh (Theo Reuters)
Mỹ không khoan hồng cho Snowden
Mỹ không khoan hồng cho Snowden

Giới chức các ủy ban tình báo tại Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ không khoan hồng cho cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về hành động tiết lộ các bí mật tình báo.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN