Mặc dù vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thứ 19 vừa qua tại Brunei còn tồn tại những rào cản giữa 12 nước tham gia, các quan chức đàm phán Mỹ vẫn tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 10 tới.Ông Michael Froman tham dự đàm phán TPP tại Brunei. Ảnh: Xinhua |
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, Mỹ và 11 nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu “cú huých” cuối cùng nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại có tính bước ngoặt trong năm nay và hy vọng có sự tiến triển đáng kể khi diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo vào tháng 10 tới tại Bali.
Tuy nhiên, ông Froman vẫn để ngỏ khả năng thỏa thuận trên có thể không loại bỏ toàn bộ thuế quan giữa 12 nước, gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Peru, Chile, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei.
Ông cho biết đề nghị của Nhật Bản về việc loại bỏ 85% thuế quan là “một bước khởi đầu tốt để đi đến một thỏa thuận toàn diện”.
Hôm 23/8, đoàn đàm phán của các nước TPP đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 19 về hiệp định TPP tại Brunei.
Trong đàm phán, phía Mỹ đang chịu sức ép về việc loại bỏ hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm như đường, sữa, giầy dép và quần áo. Đổi lại, các nước khác sẽ phải áp dụng những quy định mới về thương mại số và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường bảo vệ người lao động và môi trường.
Ông Froman cho biết các bộ trưởng đã thống nhất đưa ra lộ trình đàm phán diện hẹp trước khi vòng đàm phán tiếp theo được tổ chức tại Bali vào đầu tháng 10, khi đó Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự cùng với lãnh đạo các nước tham gia TPP.
“Đó sẽ là một cơ hội tốt cho các nhà lãnh đạo gặp gỡ và đề ra định hướng về những vấn đề còn tồn tại cho các nhà đàm phán”, ông Froman nói.
Những trở ngại còn tồn tại không chỉ trong thỏa thuận giữa 12 nước nêu trên và mà còn trong việc thuyết phục người dân và doanh nghiệp của mỗi chính phủ rằng TPP mang lại lợi ích quốc gia.
Nhật Bản, quốc gia mới chính thức tham gia đàm phán tháng trước, đang chịu sức ép từ phía Mỹ về việc mở cửa thị trường ô tô và bảo hiểm. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt với sự phản đối gay gắt trong nước, nhất là việc nông dân Nhật Bản lo sợ cơ chế nhập khẩu từ nước ngoài có thể làm cho họ mất việc.
Chính phủ Malaysia trong tháng này cũng thông báo rằng họ đã bắt đầu nghiên cứu về chi phí - lợi nhuận do tác động của TPP đối với các công ty của Malaysia và khẳng định sẽ không bị ràng buộc bởi thời gian cố định của các cuộc đàm phán.
Nội bộ Mỹ chưa hoàn toàn thống nhất về TPP
Tuần qua Nhà Trắng đã phải đối mặt các câu hỏi gay gắt liên quan đề xuất về kinh doanh thuốc lá mà Mỹ nêu ra trong đàm phán TPP.
Thị trưởng New York Michael Bloomberg hôm 23/8 đã cáo buộc chính quyền Obama nhượng bộ trước sức ép từ ngành thuốc lá. Theo ông Bloomberg, điều khoản TPP mà Mỹ đề xuất có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát thuốc lá.
Viết trên tờ New York Times, ông Bloomberg cho rằng quyết định của Tổng thống Obama sẽ là “sai lầm lớn về y tế công cộng và có khả năng góp phần cướp đi sinh mạng của 10 triệu người trên toàn thế giới”.
Các tổ chức doanh nghiệp như Phòng Thương Mại Mỹ và Liên đoàn Trang trại Mỹ (cũng đồng ý với ý kiến trên khi cho rằng nội dung kế hoạch đàm phán của Mỹ là sai lầm.
Trong khi đó, ông Froman thì bào chữa rằng nội dung đề xuất tại TPP đã tính tới việc đảm bảo “cân bằng” giữa thương mại và y tế công cộng. Theo ông, các nước TPP đều có quyền tự điều tiết ngành thuốc lá của mình để đảm bảo vấn đề y tế công cộng.
N.B (theo SCMP)