Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đe dọa một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực và khiến Mỹ buộc phải lên tiếng, dù có muốn hay không.Khi những bế tắc giữa Việt Nam và Trung Quốc bước sang tuần thứ 3 tại Biển Đông, 3 câu hỏi lớn đặt ra: Trung Quốc đang cố gắng để đạt được điều gì? Điều này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trên Biển Đông hay không và nó có ảnh hưởng thế nào đối với sự xoay trục của Mỹ tới châu Á?
Có những câu trả lời ngắn cho những vấn đề trên: Các nhà quan sát Trung Quốc đang bối rối và khó xử trước hành động gây hấn của Bắc Kinh. Cách hành xử này có lẽ xuất phát từ cách tiếp cận của Trung Quốc trước đây đối với các mối quan hệ trong khu vực và nó có thể sẽ phản tác dụng. Mặc dù vẫn chưa có tiếng súng nổ do sự kiềm chế, mềm dẻo, nhưng kiên quyết của Việt Nam, nguy cơ về một cuộc xung đột vẫn còn; và Mỹ muốn duy trì sự ảnh hưởng của mình trong khu vực có thể làm trung gian hòa giải tranh chấp này. Một vấn đề khác đặt ra là liệu các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh tin rằng Washington có sẵn sàng đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy?
Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng công suất lớn vào tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Petrotimes |
Những nỗ lực "cơ bắp" của Trung Quốc với tham vọng mở rộng quyền kiểm soát một vùng rộng lớn trên Biển Đông thực sự đã tạo ra những xung đột với các nước láng giềng khác trong khu vực. Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tình hình khu vực này vẫn diễn biến phức tạp. Trung Quốc đã sử dụng gần 80 tàu bảo vệ khu vực giàn khoan trái phép trong đó có 3 tàu quân sự (1 tàu hộ vệ tên lửa 534, 2 tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752, 753), 39 tàu hải cảnh, hải giám, 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí... Ngoài ra, Trung Quốc còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.
Hành động của phía Trung Quốc rất chủ động, chuẩn bị phương án kỹ càng và luôn bố trí trên 70 tàu ở khu vực này. Các tàu Trung Quốc hung hăng, ngang ngược và chủ động va chạm vào các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam gây những thiệt hại đối với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, nhất là đối với lực lượng kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.
Trong khi đó, Philippines, nước cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh không lắng nghe, nước này sẽ dựa vào ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay trong khu vực. Đáp lại, phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc cho rằng Philippines cố gắng để "kích động căng thẳng" trong khu vực thông qua việc đưa các tranh chấp hàng hải lên hội nghị thượng đỉnh ASEAN và trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, đối thủ chính mà Trung Quốc nhắm đến ở đây là Mỹ. Bắc Kinh cho rằng Washington với chiến lược xoay trục tới châu Á, đã khuyến khích các nước trong khu vực có lập trường "cứng rắn và khiêu khích hơn không cần thiết" đối với Trung Quốc trong những năm gần đây.
Người dân thành phố Hải Phòng mít tinh và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động bất hợp pháp tại Biển Đông. Ảnh: TTXVN |
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có những phản ứng yếu ớt và đuối lý sau khi Mỹ đưa ra quan điểm rõ ràng và chỉ trích mạnh mẽ đối với hành động của Bắc Kinh. Gần đây nhất, Ngày 14/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại liên quan tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông.
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, bà Rice lưu ý Trung Quốc "đang ngày càng bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại". Theo bà, những nước mong muốn có quan hệ hữu nghị và xây dựng với Trung Quốc "đang ngày càng cảm thấy khó chịu và lảng tránh (Trung Quốc) bởi điều mà họ coi là các hành động khiêu khích và gây hấn của nước này". Bà Rice nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng những hành động gây hấn và đe dọa, những bước đi gây ra những vụ việc trên thực địa mà làm phức tạp cho triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao là hoàn toàn không hữu ích".
Bước đi "hung hăng, thiếu thận trọng" của Trung Quốc ở trên với việc điều khoảng 80 tàu các loại đi kèm trong khi bản thân luôn tuyên bố là "trỗi dậy hòa bình" cả về sức mạnh kinh tế và quân sự, đang đặt ra nghi vấn nghiêm trọng. Vậy, Trung Quốc đang thực sự nghĩ gì?
"Một cái gì đó cơ bản đang diễn ra trong hành vi chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đang thay đổi từ cách thức tiếp cận chậm rãi, tránh 'lật bài ngửa', sang cách tiếp cận chủ động hơn", David Lai, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ nói.
Chuyên gia Lai đã qua nhiều năm giảng dạy cho các quan chức quốc phòng Mỹ về chiến lược của Trung Quốc. Ông nói rằng việc điều giàn khoan tới vùng biển của Việt Nam không thể biện minh về mặt thương mại, mà đó là động cơ chính trị. Đồng tình với quan điểm này, ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nhận định đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Theo Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ông Edward Schwarck, hành động của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với khu vực và đây có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Các chuyên gia về Trung Quốc khác cũng đã lên án hành vi hung hăng của Bắc Kinh và cho rằng tình hình chính trị nội bộ và sự bùng nổ cơn khát năng lượng của Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng như bong bóng bất động sản cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến động thái trên. "Ổn định chính trị trong nước có lẽ là mối quan tâm quan trọng nhất mà Trung Quốc đang theo đuổi với chiến lược hàng hải trong khu vực của họ", Peter Dutton, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hàng hải về Trung Quốc, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ chia sẻ.
Ông Dutton nhận thấy có sự tương đồng với cách mà Trung Quốc thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc và tình cảm chống Nhật Bản trong một vụ tranh chấp năm 2012 đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Đó là một cơ hội để tạo ra không gian chính trị trong nước nhằm thay đổi trọng tâm của cuộc đối thoại", ông Dutton nói.
Vấn đề lớn ở đây là Mỹ sẽ phải hành xử như thế nào đối với Trung Quốc trong trường hợp này? Rõ ràng, Washington dù không muốn trực tiếp tham gia vào những bế tắc ở Biển Đông, không có nghĩa là Mỹ có thể tránh được nó. "Đây là một thách thức thật sự đối với Mỹ. Một trong những mục tiêu lớn của Nhà Trắng là để trấn an các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực. Nếu Washington không tham gia, chắc chắn những đồng minh, đối tác và bạn bè sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ", ông Dutton kết luận.
Công Thuận (Tổng hợp)