Thứ trưởng Kinh tế Iran Massoud Karbasian mới đây đã khẳng định rằng quốc gia Hồi giáo này sẽ tham gia vào một mắt xích trong dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ vận chuyển hơn 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm nếu trở thành hiện thực.Bản đồ Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc gồm Vành đai kinh tế (trên bộ) và Con đường tơ lụa (trên biển). Ảnh: presstv.ir
|
Hôm 3/6, một nhóm quan chức trong lĩnh vực vận tải của Trung Quốc đã có chuyến thăm và thị sát các cảng biển của Iran để tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong tương lai tại quốc gia này. Tháng trước Bộ trưởng Công nghiệp, Khai khoáng và Thương mại Iran Mohammad Reza Netmatzadeh nói rằng Iran muốn thu hút khoảng 8 tỷ USD trong vòng 6 năm để đầu tư hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải của nước này.
Iran hiện sở hữu tuyến đường sắt nối liền với Trung Á qua Turkmenistan và Kazakhstan, cũng như một tuyến đường khác nối với châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này cũng đóng một vị trí quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới trong tương lai.
Sáng kiến xây dựng tuyến đường thương mại nối liền châu Âu, châu Á và châu Phi với tên gọi "Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2013 với tham vọng tạo ra một hệ thống vận chuyển hàng hóa lên đến 2.500 tỷ USD giữa các quốc gia trong vòng một thập kỷ. Trung Quốc cũng đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 900 tỷ USD nhằm triển khai dự án này.
Dự án bao gồm một con đường trên đất liền và một tuyến đường biển sẽ bao quanh một phạm vi rộng lớn với số dân 4,4 tỷ người, chiếm 63% dân số thế giới, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 2.100 tỷ USD, chiếm 29% GDP của toàn thế giới. Nếu trở thành hiện thực, dự án này được kỳ vọng sẽ là bước đột phá về địa chính trị và phá vỡ thế độc quyền của đồng USD của Mỹ, thay vào đó là việc đưa vào hệ thống thanh toán các đồng nội tệ.