Báo “The Hindu” ngày 10/9 đăng bài viết của tác giả Manoj Joshi, chuyên viên đặc biệt của Viện Nghiên cứu nhà quan sát (ORF) Ấn Độ, về vấn đề Syria và ý đồ tấn công quân sự của Mỹ chống nước này, nội dung chính như sau:
Người dân Syria tập trung tại thủ đô Damascus, ủng hộ chính phủ và phản đối kế hoạch tấn công của Mỹ ngày 9/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg đã thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Kế hoạch của Mỹ đã vấp phải nhiều trở ngại và gây chia rẽ tại St. Petersburg: Nga công khai phản đối; Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon buộc phải kêu gọi Mỹ tìm giải pháp thông qua Hội đồng Bảo an LHQ; trong khi phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) lẫn lộn, với các nước Anh, Pháp và Đức bị kéo theo những hướng khác nhau; Trung Quốc - vốn phản đối bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống Syria - đã giữ thái độ im lặng tại hội nghị, khi Ấn Độ nói rõ không được hành động nếu không được LHQ cho phép; Australia, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Arập Xêút, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ thì cực lực lên án chính phủ Syria tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8. Thất bại của hội nghị trong việc giải quyết vấn đề Syria đã bộc lộ thất bại của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một cơ chế hiệu quả cho sự điều hành toàn cầu.
Mỹ lên kế hoạch tấn công Syria bắt nguồn từ bản chất ngạo mạn, muốn thể hiện vai trò dẫn đầu của siêu cường. Bị “bầm dập” tại Afghanistan, “mụ mị” vì tình hình Ai Cập và sức ép trước sự nổi lên của Trung Quốc, Mỹ cảm thấy cần phải khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. "Vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học" tại Syria là cái cớ thích hợp để Mỹ ngăn chặn nước tiếp theo vượt qua giới hạn này. Có một số vấn đề liên quan đến tình thế của Mỹ trong ý định tấn công Syria:
Thứ nhất, người ta biết vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria, song không rõ ai là người sử dụng chúng. Các thanh sát viên LHQ đã trở lại Syria cách đây một tuần, nhưng sẽ mất một thời gian nữa mới công bố báo cáo. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đoàn thanh tra chỉ là báo cáo về việc có sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hay không, chứ không phải tìm xem ai là người sử dụng hoặc tại sao lại sử dụng loại vũ khí này. Tháng 5 vừa qua, tại Thụy Sĩ, Carla del Ponte - thanh tra viên về nhân quyền của LHQ - đã tiết lộ tại cuộc điều trần rằng lực lượng chống đối tại Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, đặc biệt là khí sarin gây chết người. Rõ ràng, một số hầm vũ khí hóa học của Syria đang được các lực lượng chống đối kiểm soát. Điều này sẽ phản lại lập luận cho rằng các lực lượng của chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, bởi trong những tháng gần đây, làn sóng nội chiến rõ ràng đã chuyển sang lợi thế cho chính phủ Syria.
Thứ hai, dù muốn hay không, cách thức Mỹ và Anh thu thập chứng cứ để phát động cuộc chiến tranh chống Iraq năm 2003 đã hủy hoại uy tín của các cơ quan tình báo của hai nước này. Đây không chỉ là vấn đề một bản báo cáo bị lạm dụng hay hiểu nhầm, mà là một hình thức dối trá từ cấp thấp lên tới các cấp cao nhất của chính phủ hai nước.
Thứ ba là tính pháp lý. Có một nghịch lý là một số nước chủ chốt tại Arập như Ai Cập và Syria không có vũ khí hạt nhân nhưng đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong khi Israel được cho là có vũ khí hạt nhân lại không ký. Do đó, về quan điểm pháp lý, Mỹ bị yếu thế. Washington có thể viện dẫn vụ khủng bố 11/9/2001 để đưa ra học thuyết tự vệ trong trường hợp đánh Afghanistan, nhưng khó đưa ra lý do này để tấn công Syria.
Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)