Bất chấp nhận định của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/2, rằng "Iran thổi phồng tiến bộ hạt nhân", thì những hình ảnh Tổng thống M. Ahmadinejad đích thân lắp đặt các thanh nhiên liệu hạt nhân Iran lần đầu tiên tự chế tạo vào lò phản ứng ở phía Bắc Têhêran hôm 15/2 đã đẩy cuộc đối đầu về vấn đề hạt nhân của Iran lên một nấc thang mới.
Tổng thống Iran M. Ahmadinejad tại buổi lễ lắp đặt các thanh nhiên liệu hạt nhân do Iran chế tạo lần đầu tiên tại lò phản ứng ở phía bắc Têhêran hôm 15/2. |
Thái độ quyết đoán từ Têhêran cùng tuyên bố sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán hạt nhân "mà không có các điều kiện tiên quyết nào" của Đại sứ Iran tại Nga một ngày sau, lại càng khiến các nhà lãnh đạo sáu cường quốc thế giới phải loay hoay tìm đối sách với nước CH Hồi giáo "bướng bỉnh" này. Dư luận đang sửng sốt trước các vụ đánh bom nhằm vào nhân viên ngoại giao Ixraen tại Ấn Độ và Grudia, những vụ nổ tại Băngcốc mà Ixraen tố cáo là có bàn tay của Iran, cho tới tuyên bố "bóng gió" khả năng cắt nguồn dầu mỏ cho 6 quốc gia khách hàng lớn nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU), gồm Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Nếu những cáo buộc của Ixraen là chính xác, và những tiến bộ hạt nhân của Iran là sự thật, thì dường như Iran đã biết cách gây nhạt nhòa sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với những thiệt hại của nước này do các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng rõ ràng, Iran cũng đang đối mặt với chuỗi phức tạp mới trên phạm vi quốc tế, đó là những cáo buộc về ý đồ lôi kéo "cuộc chiến" bí mật với Ixraen ra các khu vực ngoài Trung Đông, từ Thái Lan và Ấn Độ tới nước CH Grudia thuộc Liên Xô cũ.
Ngày 16/2, trong một động thái cứng rắn chưa từng có, Mỹ đã gây sức ép đòi EU và SWIFT, một hệ thống ngân hàng điện tử toàn cầu có trụ sở tại Bỉ, khai trừ các ngân hàng Iran khỏi mạng lưới chuyển tiền thế giới, như là một nỗ lực nhằm tước bỏ các nguồn tài chính cần thiết của Têhêran. Hành động "tống cổ" các ngân hàng Iran khỏi SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) sẽ là đòn khắc nghiệt nhất nhằm cắt đứt phương thức giao dịch kinh doanh duy nhất còn lại của Iran với phần còn lại của thế giới. SWIFT hiện đang thực hiện phần lớn các hoạt động thanh toán tài chính của thế giới, với 18 triệu tin nhắn thanh toán mỗi ngày giữa các ngân hàng và thể chế tài chính tại 210 quốc gia.
Iran sẽ không ngần ngại thực thi ngay lập tức những đòn trả đũa cắt nguồn cung dầu mỏ cho các nước EU, như tuyên bố bóng gió hôm 15/2. Trên thực tế, Têhêran khá tự tin với ý đồ này bởi nhiều quan chức cấp cao Iran khẳng định EU sẽ hứng chịu nhiều tổn thất, trước khi họ có thể tìm được nguồn cung mới, trong khi Iran đã tìm được "đầu ra" cho toàn bộ 18% tổng sản lượng dầu mỏ mà nước này bán cho các nước châu Âu.
Trên thực tế, người ta đã có thể dự đoán được hậu quả từ việc EU thông qua các lệnh trừng phạt tăng cường chống xuất khẩu dầu mỏ của Iran hôm 23/1, không chỉ tác động tới riêng nước CH Hồi giáo này mà còn cả nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ trả đũa từ Iran. Theo báo cáo mới công bố của Viện Hoàng gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham (Anh), tác động đầu tiên của lệnh cấm vận là các nước EU sẽ phải tìm các nguồn cung thay thế cho nguồn cung dầu thô khá lớn từ Iran. Hiện không có số liệu chính xác nhưng theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong năm 2010, Iran đã xuất khẩu 890.000 thùng dầu/ngày sang châu Âu. Số liệu chi tiết của năm 2008 cho thấy 4 quốc gia Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp nhập khẩu 500.000 thùng/ngày. Cho tới nay, các điều khoản cụ thể của lệnh cấm vận vẫn chưa được quyết định và thực tế các điều khoản cụ thể này đóng vai trò rất quan trọng khi xét tới việc tuân thủ lệnh cấm vận một cách hiệu quả. Việc EU phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế sẽ tạo ra một "tác động mang tính chuyển tiếp" đối với giá dầu mỏ. Vì thế, giá dầu thô tại các thị trường Thái Bình Dương sẽ tăng và tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ giảm khi Iran nỗ lực tìm đầu ra thay thế cho nguồn dầu mỏ đang xuất sang các thị trường châu Âu.
Nhưng trong bối cảnh các nền kinh tế EU đang khốn đốn và đầy mong manh trong cuộc khủng hoảng nợ công ghê gớm, giữa một mùa đông khắc nghiệt ở châu Âu, việc cắt đứt "mạch máu" duy nhất của hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran ngay trong lúc này chưa phải là lựa chọn sáng suốt.
Trần Long