Dưới nhan đề trên, tạp chí "Nhà kinh tế" (Anh) ngày 16/12 cảnh báo lãi suất trái phiếu chính phủ đang tăng lên, không chỉ ở các nền kinh tế yếu kém thuộc khu vực đồng euro, mà ở hầu hết các nước phát triển.
Trong hai tuần đầu tiên của tháng 12/2010, lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Tây Ban Nha tăng lên 5,5%, mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng hơn nửa điểm lên 3,5%; trái phiếu cùng kỳ hạn của Đức tăng lên 3%, cao nhất trong 7 tháng. Sự gia tăng đồng loạt chi phí vay mượn ở các trụ cột kinh tế thế giới, cũng như sự yếu kém của đồng euro đặt ra hai câu hỏi: Những mức tăng giá này có chung một động lực? Chúng có phải là tín hiệu của một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia lớn hơn?
Những người bi quan cho rằng hiện tượng trên phản ánh sự lo ngại của thị trường đối với tình trạng tài chính của Mỹ, nhiều hơn những lần lo ngại như với Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Thế giới đang lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng tới nhiều quốc gia-Ảnh internet |
Họ lưu ý lãi suất trái phiếu tăng lên sau khi có thông báo của Mỹ về kế hoạch cắt giảm thuế tương đương với việc chính phủ nước này sẽ phải vay nợ thêm 800 tỷ USD trong thập kỷ tới, và chính phủ Mỹ đã không thể đưa ra kế hoạch sắp xếp lại tình hình tài chính trong trung hạn.
Tương tự, lãi suất trái phiếu của Đức tăng bởi thị trường lo ngại những phí tổn mà nước này phải gánh chịu để sốc lại tinh thần cho các thành viên khu vực đồng euro.
Trong khi đó, những người lạc quan cho rằng bản chất của những biến động gần đây trên thị trường trái phiếu và nguyên nhân gây ra chúng hoàn toàn không giống biểu hiện bên ngoài.
Nhà đầu tư có thể lo ngại về khả năng trả nợ của chính phủ Ailen hoặc Tây Ban Nha, nhưng với trái phiếu của chính phủ Mỹ thì ngược lại. Họ tin rằng triển vọng tình hình tài chính của Mỹ sẽ khá hơn. Khi nền kinh tế này tăng tốc, nguy cơ giảm phát bị đẩy lùi, đầu tư tư nhân tăng và FED nhiều khả năng sẽ tiếp tục một đợt nới lỏng thanh khoản nữa (in thêm tiền để mua trái phiếu). Như vậy, lãi suất trái phiếu tăng bắt nguồn từ một lý do tích cực.
Tuy nhiên, tình hình sẽ không còn như vậy khi bước sang năm 2011. Thứ nhất, chính phủ các nước phát triển đang mắc nợ nhiều hơn, kể cả so với trước đây hay so với các nền kinh tế đang nổi.
Với tỷ lệ 70% GDP, tỷ lệ nợ công ở các nước giàu đang cao hơn 50% so với thời điểm 2007, và cao hơn gấp đôi so với các nền kinh tế đang phát triển. Tình trạng này xảy ra đúng vào lúc triển vọng kinh tế vĩ mô của họ đang xấu đi.
Thứ hai, với thâm hụt ngân sách tiếp tục nới rộng và rất nhiều khoản nợ ngắn hạn sắp đến kỳ thanh toán, nhiều chính phủ đang bị thúc đẩy bởi nhu cầu vay thêm vốn.
Viện Tài chính Quốc tế ước tính trong năm 2011 Mỹ cần phải vay thêm hơn 4.000 tỷ USD, châu Âu phải vay thêm tổng cộng 3.000 tỷ USD. Nhật Bản - nước đang mắc nợ cao nhất và có nợ ngắn hạn nhiều nhất thế giới - sẽ cần phải huy động thêm một lượng vốn chiếm hơn 50% GDP trong năm tới.
Trong khi đó, chính sách điều hành vĩ mô lại ngày càng bất ổn định. Hiện nay các chương trình bơm vốn do các ngân hàng trung ương thực hiện đang đóng vai trò quan trọng bình ổn thị trường trái phiếu.
Nỗi lo tập trung vào khu vực đồng euro, không chỉ bởi khu vực này có nguy cơ vỡ nợ quốc gia rõ rệt nhất, mà còn vì các quan chức khu vực đã khiến giới đầu tư lúng túng khi đưa ra quá nhiều hứa hẹn cho các loại trái phiếu ngắn và trung hạn.
Trong bối cảnh bất trắc như vậy, chỉ có một điểm có thể chắc chắn: Lãi suất trái phiếu sẽ tăng lên, và ngay cả một chính phủ tiềm lực nhất cũng không thể xoay xở một khi thị trường trái phiếu nổ tung.
Ngay cả Mỹ là nước phát hành đồng tiền dự trữ cho cả thế giới, nhưng trái phiếu của nước này cũng không "miễn dịch" trước một đợt tăng vọt lãi suất, và việc này có thể đe dọa tiến trình hồi phục của nền kinh tế.
Các chính phủ có thể (và nên) giảm thiểu sự bất trắc này. Với Mỹ, song song với việc giảm thuế, nước này cần cam kết giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn. Nhật Bản nên thúc đẩy tăng trưởng và xem xét lại chính sách thuế.
Nhưng khu vực cần hành động khẩn trương nhất là châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo phải đồng bộ hóa các kế hoạch cứu trợ hiện nay và đề nghị cải cách trong tương lai thành một kế hoạch rõ ràng để kiểm soát đồng euro.
Tuy nhiên, đáng tiếc là có ít dấu hiệu cho thấy các đề nghị trên đang được triển khai. Đó là lý do tại sao 2011 có thể sẽ là năm diễn ra các cú sốc vỡ nợ quốc gia nhiều hơn và lớn hơn.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)