Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez (trái, phía trước) đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại sân bay quốc tế José Marti ở Havana ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Xu thế hòa giải quan hệ giữa Cuba với Mỹ tiếp tục được khẳng định, trong khi Cuba và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác, chấm dứt hoàn toàn chính sách “Lập trường chung” thù địch của Brussels chống La Habana kéo dài từ năm 1996.
Những bước chuyển tích cực với MỹTiếp tục xu thế hòa giải kể từ một trong những thời khắc trọng đại nhất trong lịch sử quan hệ đầy sóng gió giữa Mỹ và Cuba, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro Ruz tuyên bố tái thiết lập quan hệ song phương vào ngày 17/12/2014, hai nước đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quan hệ song phương. Sau khi Cuba và Mỹ lần lượt mở lại Đại sứ quán tại Washington (20/7/2015) và La Habana (14/8/2015), rất nhiều sự kiện trên nhiều lĩnh vực đã diễn ra. Nổi bật nhất phải kể đến chuyến thăm của Tổng thống Obama tới La Habana vào tháng 3/2016, chuyến thăm chính thức Cuba đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ sau gần 90 năm, được xem là bước đi tích cực khẳng định hướng đi tích cực trong quan hệ giữa hai nước.
Mỹ và Cuba đã ký kết tất cả 12 thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp đồng thương mại về viễn thông và dịch vụ hàng không được triển khai ngay trong năm. Hơn 10 hãng hàng không Mỹ đã nối lại các chuyến bay trực tiếp thường kỳ đến thủ đô La Habana và một số thành phố của Cuba. Hai bên cũng mở rộng hợp tác về thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, gia tăng hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Tổng cộng trong 2 năm, La Habana và Washington đã trao đổi hơn 20 đoàn cấp cao chính thức, thành lập Ủy ban song phương để xác định các vấn đề ưu tiên giải quyết giữa hai nước và tiến hành khoảng 50 cuộc họp kỹ thuật.
Tổng thống Obama cũng đã thông qua gói các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của lệnh cấm vận đối với Cuba (dù không phải tất cả đều có hiệu quả thực tế), trong đó điển hình là việc nới lỏng hạn chế đi lại đối với các công dân Mỹ tới đảo quốc Caribe, gỡ bỏ giới hạn việc các tàu nước ngoài đi vào Mỹ khi đã qua cảng Cuba. Bên cạnh đó, ngành y tế hai nước cũng đánh dấu việc tăng cường hợp tác khi Viện Ung thư Roswell Park của Mỹ đưa vào thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin CimaVax của Cuba – vắc-xin ngừa ung thư phổi duy nhất trên thế giới hiện nay.
Sự thay đổi không chỉ diễn ra ở kênh ngoại giao chính thức, mà còn thể hiện qua con số tăng đều đặn số lượng người Mỹ đi thăm “hòn đảo tự do”. Theo số liệu chính thức của Cuba, tính tới hết tháng 11 năm nay, số lượng công dân Mỹ thăm Cuba đã vượt 233.000 lượt người, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng kiều dân Cuba tại Mỹ về quê nhà thăm thân cũng đạt 260.000 lượt người, tăng 6% so với năm ngoái. Ngoài ra, đã có tổng cộng 1.300 hoạt động trao đổi văn hóa, khoa học, nghiên cứu và thể thao giữa hai nước trong năm qua.
Bình thường hoá quan hệ với EUQuan hệ giữa Cuba và EU cũng có những chuyển động đáng khích lệ với dấu ấn quan trọng là ngày 12/12, hai bên đã ký Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác, chấm dứt hoàn toàn chính sách “Lập trường chung” thù địch của Brussels chống La Habana, kéo dài suốt 2 thập kỷ qua. Thỏa thuận mới bao trùm các lĩnh vực rộng lớn, từ thương mại, đầu tư, phát triển kinh tế, hợp tác khu vực, tới môi trường, nhân quyền, giải trừ quân bị, di cư, ma túy và chống khủng bố...
Quan hệ giữa EU và Cuba đã trở nên căng thẳng sau khi khối liên minh kinh tế chính trị này áp đặt hàng loạt quy định giới hạn quan hệ thương mại và ngoại giao với La Habana vào năm 1996. Cũng trong năm này, EU thông qua chính sách “Quan điểm chung” về Cuba, với mục đích thúc ép Cuba chuyển đổi chế độ chính trị hiện hành. La Habana đã lên án mạnh mẽ, cho rằng quyết định của EU mang tính chất can thiệp vào công việc nội bộ, phân biệt đối xử và bất công. Năm 2003, EU chính thức đình chỉ quan hệ ngoại giao với Cuba. Quan hệ giữa EU và Cuba chỉ bắt đầu được cải thiện kể từ năm 2008, sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba vào năm 2005. EU đã đồng thuận quyết định thiết lập đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc đảo này.
Các nhà phân tích nhận định, việc thông qua Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác là điều mà cả EU và Cuba đều trông đợi, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay. Đối với Cuba, việc xây dựng mối quan hệ chính trị tốt đẹp với EU đem đến cho quốc gia này cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn và giàu tiềm lực cho quá trình cải cách và phát triển kinh tế. Kể từ năm 2008 đến nay, EU đã viện trợ phát triển cho Cuba 50 triệu Euro. Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và thị trường du lịch lớn thứ ba của “Hòn đảo tự do”. Đối với EU, việc liên tục phát đi những tín hiệu tích cực đối với Cuba là để bày tỏ ủng hộ những thay đổi của nước này thời gian gần đây. Chính quyền Cuba đã tiến hành những bước cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế, đem lại sự tiến bộ không thể phủ nhận tại đảo quốc này. Chính phủ Cuba cũng đang triển khai thành công việc mở cửa cho kinh tế tư nhân, cắt giảm lực lượng lao động trong khu vực Nhà nước, giảm bao cấp, phi tập trung hóa ngành nông nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài... Bên cạnh những tiến bộ về kinh tế, chính quyền Cuba còn giữ được sự ổn định về an ninh, chính trị. Đó cũng chính là những cơ hội cho EU, và liên minh này không muốn chậm chân so với các đối tác khác tại Cuba, hay nói rộng ra là tại khu vực Mỹ Latinh giàu tiềm năng.
Dự báo những thay đổi
Theo các chuyên gia, năm 2016 thành công sẽ là tiền đề thuận lợi để Cuba bước vào năm 2017, đặc biệt trong quan hệ với EU. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là việc Mỹ có chính quyền mới ít nhiều sẽ kéo theo những thay đổi chính sách khó dự đoán từ phía Washington. Cho tới nay, quan điểm công khai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về Cuba là chưa rõ ràng, thậm chí là nước đôi. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump bày tỏ ủng hộ bình thường hoá quan hệ với Cuba, song sau đó lại có những tuyên bố gây tranh cãi khi đi vận động tại bang chiến địa Florida, nơi tập trung đông cộng đồng kiều dân Cuba tại Mỹ.
Mặc dù vậy, ông Trump - sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới - không phải là người duy nhất quyết định đường hướng chính sách với Cuba, bởi những biến số có ảnh hưởng lớn tới quan hệ song phương còn nằm ở nội các và quốc hội. Giới phân tích cho rằng những tuyên bố khi tranh cử của ông Trump có thể chủ yếu nhằm thu hút phiếu bầu. Và chỉ khi ông lên cầm quyền, mọi quyết định sẽ phải căn cứ vào lợi ích chung của nước Mỹ.
Từ thực tế đó, các nhà quan sát nhận định rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ khó có khả năng lựa chọn đi lại ngược lại xu thế hòa giải với Cuba. Là một doanh nhân kỳ cựu, ông Trump hiểu được tầm quan trọng của những cơ hội kinh doanh mới đối với các doanh nghiệp Mỹ và khả năng “sinh lợi” của mỗi mối quan hệ đối ngoại. Chính vì vậy, trong quan hệ với với Cuba, ông chắc chắn sẽ phải cân nhắc những gì mà tiến trình bình thường hóa quan hệ La Habana – Washington đã đạt được và tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với nước Mỹ, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư, khi cả một mạng lưới kinh tế mới đang thành hình và hướng tới đường chân trời phá bỏ cấm vận nhiều hơn là trở lại vực sâu tối tăm trước tháng 12/2014.
Cũng bởi lẽ đó, một số nhà bình luận đánh giá nếu ông thực sự hướng tới việc thực thi mọi biện pháp để cải thiện kinh tế, giúp "nước Mỹ vĩ đại trở lại” như khẩu hiệu tranh cử, ông sẽ không bỏ qua mối quan hệ nhiều tiềm năng với Cuba.