Trong vòng xoáy nghiệt ngã đó, người nghèo và các nhóm yếu thế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở một khu vực vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể dân số nghèo của thế giới như Nam Á, 33,4% xét theo mức thu nhập và tới 48% theo chỉ số nghèo đa chiều, không khó để hình dung cơn bão COVID-19 sẽ tàn phá khu vực này nghiêm trọng tới mức nào, thậm chí có nguy cơ quét sạch những thành tựu xóa đói giảm nghèo khó kiếm, làm gia tăng bất ổn xã hội và đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo.
Là khu vực chiếm 1/4 dân số thế giới và với tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 thấp nhất trên toàn cầu, tổng số ca nhiễm ở Nam Á đã vượt 40.000 người, trong đó có trên 1.000 người tử vong tính đến ngày 24/4. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các nước trong khu vực đã nhanh chóng áp dụng lệnh phong tỏa hoàn toàn hoặc từng phần, khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá triển vọng kinh tế của Nam Á hết sức ảm đạm, tăng trưởng sẽ giảm xuống mức 1,8 - 2,8% trong năm nay, so với dự báo 6,3% của 6 tháng trước. Đó sẽ là mức tăng chậm nhất của Nam Á trong 40 năm qua, với tất cả các quốc gia sẽ tạm thời tăng trưởng âm. Trong trường hợp các lệnh phong tỏa kéo dài, WB còn cảnh báo về một kịch bản xấu nhất là toàn bộ khu vực này sẽ tăng trưởng âm trong cả năm nay.
Đối với những người có phương tiện kinh tế để duy trì cuộc sống lâu dài, dịch bệnh cơ bản chỉ là một tình huống y tế khẩn cấp, buộc họ phải ở nhà và không thể tự do đi lại. Nhưng đối với đại đa số những lao động chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức, COVID-19 thực sự đã thổi bùng một cuộc khủng hoảng kinh tế -xã hội. Khi nhiều nước Nam Á áp đặt các lệnh phong tỏa, đột ngột dừng guồng máy kinh tế trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus, điều đó đã tước đi sinh kế của hàng chục triệu người lao động, khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi khẩu phần cứu trợ từ chính phủ.
Chưa kể, giãn cách xã hội ở những quốc gia có mật độ dân số cao trong khu vực này là điều rất khó thực thi. Đơn cử Bangladesh, đây là một trong những nước có mật độ dân số lớn nhất thế giới. Nước này có 164 triệu dân nhưng diện tích chưa đầy 148.000 km2 (chưa bằng một nửa diện tích của Việt Nam). Thủ đô Dhaka rộng 360 km2 nhưng có đến 21 triệu người cư trú. Trong khi đó, thủ phủ tài chính Mumbai của Ấn Độ cũng có tới hơn 22 triệu dân chen chúc trong 603 km2. Đây là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở Ấn Độ với hơn 4.000 ca, chiếm gần 1/5 tổng số ca nhiễm ở nước này.
Xét về hệ thống y tế, nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ và Pakistan thậm chí không thể đáp ứng được những nhu cầu y tế cơ bản của người dân. Thật khó có thể hình dung nếu một quốc gia trong khu vực này phải đối mặt với sức ép ghê gớm như Italy và Tây Ban Nha đang phải chống chọi, đó sẽ là một thảm kịch nhân đạo khủng khiếp như thế nào.
Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh chưa từng có tiền lệ vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nước phát triển có tiềm lực to lớn để bảo vệ sinh kế của người dân và kích thích các hoạt động kinh tế. Nhiều nước thậm chí còn nhất quyết “làm tất cả những gì cần thiết” để tránh cho thị trường khỏi sụp đổ. Các nước công nghiệp phát triển đến nay đã công bố các gói kích thích trị giá hơn 8.000 tỷ USD, vượt xa tổng lượng kinh tế hằng năm khoảng 3.500 tỷ USD của cả Nam Á. Những nỗ lực này có thể không bù đắp được các tổn thất kinh tế và không thể làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, song quy mô và cấu trúc của các biện pháp ở thế giới phát triển cho thấy họ có rất nhiều lựa chọn. Ngược lại, các quốc gia Nam Á buộc phải đối mặt với sự lựa chọn đau đớn giữa việc cứu sinh mạng hay sinh kế của dân số khổng lồ.
Các chính phủ trong khu vực, như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đang nỗ lực củng cố hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhưng nguồn lực tài chính mỏng khiến họ không còn nhiều lựa chọn chính sách. Nhiều nước phải bất lực chứng kiến những ngành công nghiệp là rường cột của nền kinh tế đổ vỡ trong khủng hoảng, đặc biệt là dệt may. Khi thế giới bước vào một cuộc suy thoái sâu sắc trong vài tháng tới, điều này sẽ không chỉ tác động tiêu cực mà còn làm lu mờ triển vọng của ngành dệt may định hướng xuất khẩu ở Nam Á, khiến hàng chục triệu lao động đối diện nguy cơ thất nghiệp.
Ở Bangladesh, nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cho hay, tính đến ngày 16/4, các đơn hàng trị giá 3,16 tỷ USD đã bị hủy hoặc tạm dừng, ảnh hưởng đến 1.145 nhà máy và 2,26 triệu công nhân. Mức lương thấp là yếu tố giúp Bangladesh xây dựng ngành may mặc bề thế với khoảng 4.600 nhà máy sử dụng 4,1 triệu lao động. Xuất khẩu hàng may mặc của nước này đạt 34,12 tỷ USD, tương đương 84% tổng kim ngạch xuất khẩu 40,53 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2019.
Bangladesh có khả năng thiệt hại tới 6 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong tài khóa hiện nay do việc hủy đơn của các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn trên thế giới, phần lớn ở Mỹ và châu Âu như H&M và Walmart. Chính phủ Bangladesh đã cảnh báo sẽ có biện pháp xử lý những nhà máy không trả lương cho nhân viên trong thời gian phong tỏa chống COVID-19. Có tin ít nhất 350 nhà máy ở nước này chưa thanh toán tiền lương tháng 3. Rất nhiều người trong số 150.000 công nhân của các nhà máy này đã xuống đường biểu tình đòi quyền lợi.
Pakistan cũng đang chứng kiến đại dịch COVID-19 tàn phá nghiêm trọng ngành dệt may của nước này. Kể từ tháng 3 vừa qua, gần nửa triệu lao động trong ngành dệt may đã mất việc chỉ tính riêng ở tỉnh Punjab. Nghiên cứu của Viện Kinh tế phát triển Pakistan, cơ quan cố vấn thuộc ủy ban hoạch định chính sách của chính phủ, đã dự báo từ 12 - 18 triệu lao động ở nước này có thể mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng ngành dệt may của Pakistan sử dụng tới hơn 4 triệu lao động, với kim ngạch xuất khẩu ngành này chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Dự thảo chính sách ngành dệt may của Pakistan đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may 25 tỷ USD vào năm 2025 và 50 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chính sách dệt may dài hạn. Tuy nhiên, với những tác động rõ rệt của COVID-19, những mục tiêu trên của Islamabad dường như ngày càng xa vời, nhất là khi hàng loạt lao động mất việc làm và ngành dệt may vốn đang trong tình trạng thiếu thanh khoản của Pakistan phải nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu, như thuốc nhuộm và hóa chất cần thiết để sản xuất.
Không chỉ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nền kinh tế Nam Á còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn kiều hối của các lao động làm việc ở nước ngoài, để trang trải cho nhập khẩu (với trường hợp của Ấn Độ) và thanh toán nợ nước ngoài (như với Pakistan và Bangladesh). Nhưng lĩnh vực này cũng đối mặt thách thức lớn, bởi những người lao động Nam Á tay nghề thấp, chủ yếu là công nhân xây dựng, lái xe... dễ bị tổn thương nhất trước các cú sốc kinh tế ở quốc gia họ làm việc, nhất là vùng Vịnh Arab. Tại đó, hàng loạt hoạt động công trình, thương mại bị đình trệ, cộng với sự xuống dốc của giá dầu thời gian qua có thể khiến hàng chục nghìn công nhân thất nghiệp trong những tháng tới, làm suy giảm đáng kể nguồn kiều hối họ gửi về quê nhà. Ấn Độ là quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2018 với 79 tỷ USD, trong khi Pakistan nhận 23 tỷ USD kiều hối năm ngoái.
Có thể nhận thấy rõ, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng kéo dài sẽ càng khoét sâu những tổn thương mà các quốc gia Nam Á đang phải hứng chịu do dịch bệnh, khiến khu vực này không chỉ đối diện với thách thức của đại dịch vốn đã là gánh nặng quá lớn, mà còn làm cho nền kinh tế bị tê liệt. Trong khi các chính phủ đang phải chật vật để làm dịu bớt những tác động tai hại của dịch bệnh với nguồn lực hạn hẹp, hàng triệu người Nam Á có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực. Các nước trong khu vực rất có thể sẽ phải chứng kiến những thành quả xóa đói giảm nghèo đạt được trong nhiều năm qua bị đảo ngược chỉ trong một thời gina ngắn vài tuần, cùng với đó là tình trạng bất bình đẳng kinh tế-xã hội, vốn là đặc trưng của khu vực này, sẽ càng sâu sắc hơn nữa.
Hợp tác khu vực có thể là đòn bẩy quan trọng giúp các nước giảm nhẹ cuộc khủng hoảng hiện nay. Tín hiệu tốt là các nước thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) ngày 23/4 đã nhất trí tăng cường hợp tác chống COVID-19 ở cấp độ khu vực. Ấn Độ đã cam kết đóng góp 10 triệu USD cho một quỹ khẩn cấp của khu vực để đối phó COVID-19, mức đóng góp của các nước thành viên khác lần lượt là Sri Lanka 5 triệu USD, Pakistan 3 triệu USD, Bangladesh 1,5 triệu USD, Nepal và Afghanistan mỗi nước 1 triệu USD, Maldives 200.000 USD và Bhutan 100.000 USD.
Việc các nước thành viên SAARC thể hiện sự đoàn kết trong khủng hoảng và hành động phối hợp nhanh chóng trong thực thi các lệnh phong tỏa, áp dụng giãn cách xã hội, cấm tất cả các cuộc tụ tập tôn giáo, công bố các gói kích thích kinh tế đặc biệt… đã được WB đánh giá cao vì phản ứng nhanh nhạy trong việc kìm hãm tốc độ lây lan của virus, khiến tỷ lệ lây nhiễm ở khu vực này thấp hơn nhiều so với các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Anh, Iran hay Trung Quốc. Đây rất có thể là một điểm sáng mang lại hy vọng cho các nước trong khu vực giữa lúc Nam Á loay hoay tìm lối thoát cho vòng xoáy khủng hoảng hiện nay.