Một trong những bí ẩn lớn của đại dịch COVID-19 là chính xác thì làm thế nào virus SARS-CoV-2 đã lây lan từ động vật hoang dã sang con người. Các nhà khoa học đã phân tích bộ gien của virus và tin rằng nó đến từ loài dơi, có khả năng ở Trung Quốc. Nhưng các nhà dịch tễ học Trung Quốc lại tiết lộ rất ít về cách thức hoặc nơi những bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/4 nói rằng chính phủ của ông đang điều tra xem liệu SARS-CoV-2 có xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không. Trong khi đó, hôm 16/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ những suy đoán trên, khẳng định đó là những đồn đoán thiếu cơ sở khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần tuyên bố không có bằng chứng về việc virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Viện Virus học Vũ Hán và phòng thí nghiệm cùng thành phố thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán là nơi đang nghiên cứu nhiều mầm bệnh nguy hiểm, bao gồm cả các loại virus Corona ký sinh trên dơi.
Tờ Vox đã phỏng vấn nhiều nhà khoa học, trong đó có những người đã làm việc nhiều với các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, và đưa ra những phản bác cho thấy suy đoán virus SARS-COV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm Trung Quốc là không có cơ sở. Các nhà khoa học đều thừa nhận không thể loại trừ lý thuyết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm. Nhưng dựa trên những gì họ biết về Viện Virus học Vũ Hán và khả năng xảy ra lây nhiễm tự nhiên, thì họ không thấy khả năng SARS-CoV-2 rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán có thể xảy ra.
Dưới đây là 5 lý do cho thấy điều đó.
1. Xác suất virus lây từ động vật sang người bên ngoài phòng thí nghiệm cao hơn nhiều so với virus lây nhiễm cho người trong phòng thí nghiệm.
Nhà khoa học sinh thái bệnh Peter Daszak – Chủ tịch EcoHealth Alliance (một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, Mỹ) đã dành 15 năm qua hợp tác với các nhà nghiên cứu về virus ở Trung Quốc và các điểm nóng bệnh mới nổi khác trên khắp thế giới để tìm ra nơi các loại virus nguy hiểm ẩn nấp trong động vật hoang dã - như virus SARS, MERS và Ebola.
Daszak nói rằng ông tin tưởng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi và nhảy sang người ở một nơi nào đó, nhiều khả năng ở Trung Quốc, bởi vì ông và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện ra nhiều virus giống như vậy ở ngoài môi trường và có rất nhiều cơ hội để điều này xảy ra.
“Nếu bạn làm toán về điều này, thì nó rất đơn giản. ... Chúng ta có hàng trăm triệu con dơi ở Đông Nam Á và khoảng 10% số dơi mang virus ở bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, mỗi đêm có hàng trăm ngàn con dơi mang virus bay đi kiếm ăn”, theo ông Daszak. “Chúng tôi cũng tìm thấy hàng chục ngàn người làm nghề buôn bán động vật hoang dã, săn bắn và giết động vật hoang dã ở Trung Quốc và Đông Nam Á, và hàng triệu người sống ở các vùng nông thôn gần hang dơi trong khu vực”.
Xem xét dữ liệu thu thập được từ những người ở gần hang dơi nhiễm virus, nhóm nghiên cứu của Daszak lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện 3% số mẫu có kháng thể chống lại những virus ở dơi. Nếu suy rộng ra trên toàn bộ Đông Nam Á thì có 1-7 triệu người mỗi năm nhiễm virus từ dơi.
So sánh điều đó với những gì chúng ta biết về các phòng thí nghiệm: Trên toàn Đông Nam Á, có lẽ chỉ có 2-3 phòng thí nghiệm virus, được bảo đảm an toàn rất cao. Viện Virus học Vũ Hán có một số lượng nhỏ dơi mang Corona được nuôi cấy, nhưng không phải là SARS-CoV-2. Có chừng nửa tá người làm việc trong các phòng thí nghiệm đó. Vì vậy, hãy so sánh 1 -7 triệu người mỗi năm với nửa tá người. Vậy suy đoán đó là không hợp lý”.
2) Phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nghiên cứu dơi mang Corona và virus liên quan đến SARS. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã phát hiện ra hoặc đang xử lý SARS-CoV-2.
Một trong những lập luận lớn cho nghi ngờ Viện Virus học Vũ Hán vô tình rò rỉ virus là các nhà nghiên cứu tại đây đã nghiên cứu về virus Corona ký sinh trên dơi. Đây là sự thật; họ đã công bố các nghiên cứu về virus SARS đầu tiên lây sang con người trong trận dịch năm 2003 và các loại Corona khác, thậm chí từng lưu ý những trận dịch do Corona như SARS hoặc MERS trong tương lai sẽ bắt nguồn từ dơi và xác xuất dịch sẽ xảy ra ở Trung Quốc đang tăng lên”.
Viện Virus học Vũ Hán đã đăng tải nghiên cứu về một loại virus có tên RaTG13 mà họ phát hiện trong một hang động ở Vân Nam, Trung Quốc vào năm 2013. Loại virus này có bộ gien giống 96% với bộ gien của SARS-CoV-2, khiến nó trở thành loại virus họ hàng gần nhất với SARS-CoV-2 được biết đến.
Một số người đã suy đoán rằng có lẽ SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ RaTG13. Tuy nhiên, các nhà virus học nói rằng rất khó xảy ra: Sự khác biệt 4% về bộ gien thực sự rất lớn về mặt tiến hóa.
“Mức độ khác biệt trình tự gien giữa SARS-CoV-2 và RaTG13 tương đương với 50 năm tiến hoá (và ít nhất 20 năm)”- Edward Holmes, giáo sư tại Đại học Sydney, người từng công bố sáu tài liệu trong năm nay về bộ gien và nguồn gốc của SARS-CoV-2. “Do đó, SARS-CoV-2 không có nguồn gốc từ RaTG13”, ông Holmes khẳng định.
3) Các nhà khoa học vốn thích trao đổi về virus mới, nhưng không có cuộc trò chuyện nào như vậy trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Carroll, cựu Giám đốc bộ phận Các mối đe dọa mới nổi của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ), người cũng đã dành nhiều năm làm việc với các nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Trung Quốc, đồng ý rằng không có bằng chứng nào cho thấy các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc với một mầm bệnh mới. Lý luận của ông Carroll: Nếu có, ông đã nghe về nó.
“Lý do tôi không đặt nặng vấn đề vào giả thuyết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm là không có cuộc trò chuyện nào liên quan trước khi xuất hiện loại virus này”, Carroll nói. “Cộng đồng khoa học có xu hướng rất thích ‘tám’ chuyện. Nếu có một loại virus mới, có khả năng gây nguy hiểm đã được xác định trong tự nhiên và được đưa vào phòng thí nghiệm, thì sẽ có những trao đổi về nó”.
Carroll tự tin rằng nếu có chuyện, ông đã nghe được bởi vì, trong vai trò hiện tại là người đứng đầu Dự án Virome toàn cầu, ông vẫn đang nghe được nhiều chuyện từ cộng đồng khoa học.
4) Quan chức hàng đầu quân đội Mỹ nói rằng trọng lượng của các bằng chứng dường như cho thấy nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2.
Khi lý thuyết virus rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm được chú ý nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, các quan chức quân đội và tình báo Mỹ cũng đang xem xét khả năng này.
“Ngày càng có nhiều tin đồn và suy đoán trên nhiều phương tiện truyền thông, trang blog, v.v. Không có gì ngạc nhiên với bạn khi chúng tôi rất quan tâm đến điều đó, và chúng tôi đã có rất nhiều thông tin tình báo. Và tôi chỉ muốn nói rằng vào thời điểm này, chưa có kết luận, mặc dù trọng lượng của các bằng chứng dường như chỉ ra nguồn gốc tự nhiên. Nhưng chúng tôi không biết chắc”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley nói với các phóng viên tại Lầu năm góc.
Chuẩn tướng Tướng Paul Friedrichs, tham vấn quân y tại Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, cũng cho biết, “không có gì” với ý tưởng virus xuất phát từ phòng thí nghiệm như một thử nghiệm vũ khí sinh học.
Hơn nữa, như tờ New York Times đã đưa tin trong bài đánh giá sâu ngày 11/4, các quan chức tình báo Mỹ đã không thể tìm thấy bằng chứng cho giả thuyết “rò rỉ phòng thí nghiệm” sau khi Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Matthew Pottinger hối thúc họ tìm kiếm.
Ông Pottinger ban đầu nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc đang giữ một bí mật đen tối, rằng virus có thể bắt nguồn từ một trong những phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Theo quan điểm của ông, nó có thể là một tai nạn chết người không ngờ tới.
Trong các cuộc họp và cuộc gọi điện thoại, ông Pottinger đã hỏi các cơ quan tình báo - bao gồm các sĩ quan tại CIA làm việc ở châu Á và về vũ khí hủy diệt hàng loạt, để tìm kiếm bằng chứng có thể củng cố giả thuyết của mình. Nhưng họ đã không có bằng chứng. Các cơ quan tình báo không phát hiện bất kỳ cảnh báo nào trong chính phủ Trung Quốc có thể liên quan đến sự rò rỉ vô tình của một loại virus chết người từ phòng thí nghiệm.
5) Các nhà khoa học của Viện Virus học Vũ Hán bác bỏ giả thuyết "rò rỉ virus"
Một trong những nhà virus học hàng đầu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán, bà Thạch Chính Lệ cho biết qua tạp chí Scientific American rằng bà đã từng lo lắng mất ăn mất ngủ về nguy cơ SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của mình. Nhưng sau khi tiến hành các xác minh và phân tích gien thì bộ gien của SARS-CoV-2 không khớp với bất kỳ loại virus nào mà phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán đã xử lý.
Thạch Chính Lệ, được biết đến với biệt danh “nữ người dơi” Trung Quốc đã dành 16 năm thu thập các mẫu dơi trong hang động có mang virus. Bà chính là người đã dẫn đầu nỗ lực giải mã trình tự gien của SARS-CoV-2 hồi tháng 1/2020.
Trong khi đó, ông Yuan Zhiming, Phó giám đốc Viện virus học Vũ Hán, gần đây cũng đã lên tiếng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc khẳng định: "Là những người tiến hành nghiên cứu về virus, chúng tôi biết rõ loại nghiên cứu đang diễn ra trong Viện và cách thức Viện xử lý các virus và mẫu. Như chúng tôi đã nói từ trước, không có cách nào virus này xuất phát từ chúng tôi".