Tờ “Người Bảo vệ” (Anh) số ra gần đây có bài phân tích cho rằng việc NATO đang đứng trước thách thức về khả năng quân sự và hậu cần trong cuộc tấn công Libi không phải chỉ là do thiếu tài chính, mà còn do thiếu cam kết chính trị từ các đồng minh.
Theo bài báo trên, Đô đốc Hải quân Anh Mark Stanhope mới đây nói rằng quân đội nước này sẽ không đủ nguồn lực để duy trì chiến dịch không kích Libi thêm 3 tháng nữa, và điều này cần được xem xét thấu đáo. Đúng là NATO không thể duy trì chiến dịch này lâu dài. Các ý kiến chung đều cho rằng quân đồng minh chỉ có thể kéo dài chiến dịch đến hết mùa hè này, và đây là một cột mốc lạc quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu mang tính chính trị nhiều hơn là hậu cần hoặc quân sự. Sự thành công hay thất bại của chiến dịch Libi không phụ thuộc vào vị trí xuất kích của các máy bay chiến đấu của Anh từ một tàu sân bay đỗ cách thủ đô Tripôli 20 phút hay từ một sân bay ở miền nam Italia nằm cách mục tiêu 1 giờ như hiện nay, mà nó phụ thuộc vào việc sức ép đối với thể chế của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi có đạt được mục tiêu trong một thời hạn hợp lý hay không, cho dù chiến dịch tấn công thắng lợi hay sa lầy.
Rõ ràng, Đô đốc Stanhope đã cảm nhận được vấn đề chính trị khi tái đề cập đến một trong những nội dung đã nêu trong bản “đánh giá chiến lược quốc phòng” do chính phủ Anh công bố tháng 8/2010. Nhằm mục tiêu cắt giảm ngân sách quốc phòng, Anh đã quyết định “xếp xó” tàu sân bay Ark Royal và sa thải các máy bay chiến đấu Harrier. Việc này là hợp lý, bởi lúc đó không ai biết sẽ có “sứ mệnh Libi”. Hơn nữa, mức giảm đưa ra trong dự toán chi tiêu ngân sách quốc phòng 2010 của chính phủ Anh dù hơi thấp (giảm 8% trong 4 năm, so với mức giảm trung bình 19% của các bộ), nhưng Anh vẫn là một trong những nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới và vẫn vượt xa mục tiêu mà NATO đặt ra cho các thành viên.
Không ai phủ nhận chiến dịch Libi đã đặt NATO trước những thách thức về hậu cần và khơi lại cuộc tranh cãi còn dang dở về khả năng quốc phòng của châu Âu. Nhưng vấn đề không phải ở Anh hoặc Pháp, mà ở các thành viên châu Âu khác, trong đó có Đức. Bài phát biểu tuần trước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại NATO cho thấy không có sự thay đổi nào về chính sách của Mỹ. Nhưng với một cách diễn đạt thẳng thắn khác thường, ông Gates đã đề cập tới thực tế là nước Mỹ, trải qua thời gian, đang mất dần mối quan tâm và sự kiên nhẫn với các đồng minh, bởi họ không chịu san sẻ đúng mức gánh nặng của NATO. Trong ngắn hạn, vấn đề của NATO ở Libi là hơn một nửa trong số 28 thành viên bỏ phiếu ủng hộ tấn công đang đứng ngoài chiến dịch này. Nhiều nước không can dự bởi họ có quá ít quân số và đạn dược để đóng góp. Kết quả là, chiến dịch không kích theo dự kiến sẽ có tới 300 đợt xuất phát, nay cố gắng lắm mới chỉ được thực hiện 150 đợt.
Hiện tại, Mỹ đang gánh phần thiếu hụt, nhưng liệu họ sẽ duy trì được bao lâu? Đó là một câu hỏi thực tế mà ông Gates đưa ra, nhất là về lâu dài. Trong nhiều năm, các nước châu Âu - trong đó có Anh - đã cắt chuyển một phần ngân sách quốc phòng cho phúc lợi xã hội và dịch vụ công. Không giống Anh, một số nước đã đi quá xa đến mức giờ đây họ không thể, cũng như không muốn, đóng một vai trò đáng kể trong bất kỳ cuộc chiến nào, nhất là trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Về lý thuyết, một cam kết thực sự của châu Âu là giải pháp rõ ràng cho một sức mạnh quốc phòng thực sự của khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế sức mạnh đó còn quá xa vời khi nó thiếu một ý chí chính trị và nguồn tài chính tổng hợp. Nhiều người châu Âu sẽ cảm thấy thoải mái về điều này, nhất là sau các cuộc chiến ở Irắc hay Ápganixtan. Nhưng nó đánh dấu một sự thụt lùi của châu Âu.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)