Nền tảng hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ

Thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng thời hạn 10 năm, được ký ngày 25/1 trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ trong tương lai và góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực công nghệ quốc phòng, trao đổi quân sự và chống khủng bố.  
  

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ngày 25/1.

              
Lần đầu tiên việc cùng sản xuất và phát triển được xem là cốt lõi trong hợp tác quốc phòng và được phác thảo trong khuôn khổ Thỏa thuận khung, cho thấy tầm quan trọng của sự chuyển giao công nghệ và sản xuất bản địa đối với Ấn Độ. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn đã đưa Ấn Độ trở thành một thành viên của nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng gồm Nhật Bản, Anh và Đài Loan (Trung Quốc).          

Đặc biệt, bốn dự án mở đường cho sự hợp tác cùng sản xuất và phát triển đã được xác định thông qua “Sáng kiến Thương mại và Công nghệ quốc phòng năm 2012”, được coi như các nguyên tắc hướng dẫn cho khuôn khổ hợp tác chung. Các dự án đang được nghiên cứu để tạo ra các thiết bị dễ sản xuất và các công nghệ đơn giản hơn. Nếu thành công, điều này sẽ giúp Ấn Độ xây dựng hệ thống vũ khí tiên tiến trong tương lai và hợp tác cùng phát triển các công nghệ vũ khí khác với Mỹ. Các dự án mở đường là cơ hội thực sự để Ấn Độ thoát khỏi tình trạng phải nhập khẩu vũ khí hiện chiếm khoảng 70% chi tiêu quốc phòng, tương ứng 47,4 tỷ USD (theo số liệu năm 2013). Trong thập kỷ qua, hợp tác quốc phòng Ấn - Mỹ chủ yếu tập trung vào các hợp đồng mua bán lớn như dự án mua máy bay vận tải C-17 trị giá 4,1 tỷ USD.    

Mặc dù các thiết bị Mỹ đang cung cấp cho Ấn Độ theo thỏa thuận hợp tác cùng sản xuất và phát triển có thể không phải là các thiết bị hiện đại, nhưng điều này là tốt cho ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ để tạo ra các thiết bị dễ sản xuất và học hỏi kinh nghiệm phát triển vũ khí trong bối cảnh các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ còn ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, hợp tác cùng sản xuất cũng có nghĩa là các vũ khí chất lượng cao sẽ sẵn sàng được cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Các dự án hợp tác quốc phòng Ấn - Mỹ cũng phù hợp với chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” của chính phủ do Thủ tướng Modi đứng đầu và những nỗ lực để phát huy vai trò của các doanh nghiệp Ấn Độ trong sản xuất quốc phòng. Đặc biệt, đối tác trong các liên doanh hiện có của Ấn Độ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi và điều này sẽ tạo ra môi trường hợp tác và phát triển công nghệ quốc phòng rộng lớn hơn.

Bên cạnh đó, kế hoạch hình thành các liên doanh và xây dựng một trung tâm sản xuất máy bay Raven ở Ấn Độ để cung cấp cho toàn cầu sẽ giúp Ấn Độ trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hợp tác cùng sản xuất bao hàm việc sản xuất các sản phẩm hiện có, hợp tác cùng nghiên cứu, phát triển và tạo ra các sản phẩm mới - điều này sẽ tạo cơ hội để Ấn Độ thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển - một trong những điều kiện cần thiết để tạo nên một nền tảng công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ.

Từ năm 2012, chính phủ Mỹ đã cung cấp công nghệ quốc phòng để cùng hợp tác phát triển với Ấn Độ, tuy nhiên phía Ấn Độ đã không đáp ứng được những nỗ lực này. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã xác định được các công nghệ tiên tiến liên quan đến công nghệ laser và máy bay siêu thanh, có thể mua từ Mỹ. Tuy nhiên, DRDO đã không tham khảo ý kiến các đơn vị trong khu vực công hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng. Do đó, chính phủ Ấn Độ cần phải giải quyết một cách toàn diện các khoảng trống này.       
                
Bằng cách áp dụng các bước cần thiết, Ấn Độ có thể tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển quốc phòng và xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng bản địa mạnh mẽ - đó cũng là mục tiêu cuối cùng của sự hợp tác công nghệ quốc phòng với Mỹ.       

                                               
Đăng Chính

Ấn-Mỹ ký lại hiệp định khung về quốc phòng
Ấn-Mỹ ký lại hiệp định khung về quốc phòng

Ấn Độ và Mỹ đã ký lại hiệp định khung về quốc phòng thời hạn 10 năm thay cho hiệp định hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2005 nay đã hết hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN