Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn ra trong tuần này tại Brisbane, Australia. Các sự kiện "kịch tính" xung quanh vấn đề Ukraine, việc bị loại khỏi G8 và thái độ của phương Tây đối với Moskva đã buộc Nga phải xem xét G20 dưới lăng kính của cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc xung đột Ukraine không chỉ phản ánh nền chính trị toàn cầu mà còn là một “tập phim” trong quá trình hình thành một trật tự thế giới mới, trong đó G20 có khả năng đóng một vai trò khá quan trọng.Trong nhiều năm qua, diễn đàn quốc tế này đã thu hút rất nhiều sự chú ý. So với các tổ chức truyền thống, vốn gặp khó khăn để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế, G20 là một cấu trúc mới, đặc biệt được thành lập để đối phó với các thách thức hiện nay. Tổ chức này không có tính hợp pháp phổ quát, tương tự như của Liên Hợp Quốc, và không dựa trên một điều lệ chính thức cũng như các tiêu chí thành viên. Tuy nhiên, các thành viên của G20 không chỉ là những đại diện có ảnh hưởng và thịnh vượng về kinh tế, mà còn rất đa dạng và không thống nhất bằng một loại văn hóa hay tư tưởng nào.
G20 có lẽ phải là một ưu tiên đối với Nga. |
Năm ngoái, Nga đã chủ trì thành công Hội nghị thượng đỉnh G20. Đỉnh điểm là cuộc họp của các nhà lãnh đạo tại St. Petersburg, thông qua các cuộc tham vấn quan trọng đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến mới ở Trung Đông và tìm một giải pháp khả thi cho vấn đề vũ khí hóa học của Syria. Rõ ràng là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Tuy nhiên, giờ đây sự kiện đó dường như chỉ là một quá khứ xa xôi. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm rung chuyển nền chính trị thế giới và Nga đã bị loại khỏi G8.
Hội nghị thượng đỉnh ở Australia tới chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Một loạt nước sẽ tìm cách để chỉ trích Moskva, trong khi những nước khác sẽ chỉ ra sự cần thiết phải cùng nhau hành động để kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Hội nghị cấp cao G20 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị vẫn còn nhiều khó khăn và triển vọng không sáng sủa. Sáu năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều và phải đối mặt với một loạt thách thức. Trong khi đó, mối quan hệ giữa một số nhà lãnh đạo G20 đang căng thẳng do những tranh cãi trong nhiều vấn đề. Nhiều nền kinh tế cũng bị chi phối bởi những cuộc xung đột triền miên mà nguy cơ tạo ra không còn gói gọn trong vấn đề kinh tế.
Có lẽ là G20 dễ trở thành một hình mẫu của các đòn bẩy mới trong việc hình thành quy tắc toàn cầu hơn bất kỳ tổ chức nào khác. Do đó, G20 nhiều khả năng phải là một ưu tiên đối với Nga, bởi vì trong tổ chức này, Moskva sẽ không bao giờ bị “cô đơn” hay "cô lập". G8 đã chính thức loại Nga vì sự kiện sáp nhập Crimea, nhưng về cơ bản là bởi vì Nga từ lâu đã bị coi là một yếu tố “nước ngoài”. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Hội đồng Nga-NATO và thậm chí là Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE): Nga ở một bên, và các nước còn lại về một bên.
Nhưng điều tương tự chắc chắn không thể xảy ra ở G20. Các cuộc tranh luận sôi nổi về Syria năm 2013 đã chứng minh một sự chia rẽ trong việc ủng hộ các cách tiếp cận của Mỹ và Nga về vấn đề này. Các nước có ảnh hưởng lớn trong khối G20 (như Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ) thường không theo sự “chỉ đạo” của Mỹ, tạo ra một “khoảng trống” nhất định cho sự “cơ động” và hình thành các liên minh. Vì vậy, Nga sẽ thích G-20, nơi được coi là một diễn đàn thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, giờ đang chính thức chuyển sự chú ý sang các vấn đề chính trị quốc tế, bởi vì chính trị hiện nay có tác động mang tính quyết định đến nền kinh tế.
Công Thuận (Theo R.I.R)