Nga, EU cạnh tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trên khắp châu Phi trong thập kỷ qua, đặc biệt trong cuộc xung đột ở Ukraine, đã khiến EU lo ngại đáng kể và phải tìm cách đối phó.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) có chuyến công du châu Phi ở Gabon, gặp Tổng thống Ali Bongo Ondimba ở Libreville để hội đàm song phương. Ảnh: AFP

Nếu Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp châu Phi thông qua mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, thì EU đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chính trị và kinh tế rộng lớn dựa trên thương mại, đầu tư, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật để đổi lấy việc các quốc gia châu Phi làm nhiều hơn để kiểm soát tình trạng di cư bất thường. 

Trong khi đó, chiến lược của Nga ở châu Phi cho đến nay là sự kết hợp giữa bán vũ khí, hỗ trợ chính trị cho các nhà lãnh đạo và hợp tác an ninh, điển hình là để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hỗ trợ ngoại giao cho các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga.

Trong khi đó, sau 4 năm bị chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump bỏ bê, người kế nhiệm hiện tại Joe Biden đã bắt đầu quá trình xây dựng lại ảnh hưởng của Washington ở châu Phi.

Ngoại giao con thoi

Sự gia tăng ảnh hưởng của Moskva ở châu Phi tiếp tục khiến các nhà quan sát ở phương Tây lo ngại. Giai đoạn gần đây, trước hoặc sau chuyến thăm của các quan chức cấp cao EU hoặc Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng tiến hành nhiều chuyến công du đến châu lục này.

Trong đợt công du đầu tiên hồi tháng 1, ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea. Trong đợt hai vào tháng 2, Ngoại trưởng Nga đã dừng chân ở Mali, Iraq, Sudan và Mauritania để tăng cường hỗ trợ cho Nga ở châu Phi.

Nga từ lâu đã sử dụng “ngoại giao lịch sử” ở châu Phi, nhưng sau cuộc xung đột ở Ukraine, những chiến thuật này đã thực sự bắt đầu phát huy tác dụng.

“Nga cố gắng xây dựng hình ảnh mình là một cường quốc chống thực dân đối với người châu Phi, vốn có sự ám ảnh rất lớn đối với phương Tây, điều này dường như tạo ra nhiều phản ứng trong khu vực", một quan chức EU thừa nhận.

Đáp lại, Đại sứ quán Nga tại Pretoria thông báo: “Nga là một trong số ít các cường quốc trên thế giới không có thuộc địa ở châu Phi hay các nơi khác cũng như không tham gia buôn bán nô lệ trong suốt lịch sử. Nga đã giúp đỡ, bằng mọi cách có thể, các dân tộc ở lục địa châu Phi để giành tự do và chủ quyền của họ”. Điều này khiến EU và Mỹ tức giận.

Trong khi đó, Nam Phi đã trở thành ví dụ sinh động nhất về việc phương Tây tranh giành ảnh hưởng với Nga ở lục địa này. Trong vòng vài ngày, ông Lavrov và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng như nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell đã có chuyến thăm Nam Phi.

Nam Phi có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga kể từ khi Nga ủng hộ Đại hội Dân tộc châu Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc và đã đưa ra quan điểm trung lập chính thức về cuộc xung đột ở Ukraine, trước sự thất vọng của Washington và Brussels.

“Tôi rất hy vọng rằng Nam Phi, đối tác chiến lược của chúng tôi, sẽ sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với Nga và vai trò của nước này trong nhóm BRICS để thuyết phục Moskva ngừng cuộc chiến vô nghĩa ở Ukraine”, ông Borrell nói khi phát biểu cùng với Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor.

Trước đó, bà Pandor đã chào đón Ngoại trưởng Nga Lavrov nồng nhiệt hơn. Khi được một phóng viên hỏi liệu Bộ Ngoại giao Nam Phi có kêu gọi Nga rút khỏi Ukraine hay không, bà Pandor trả lời "không", đồng thời lưu ý đến việc phương Tây chuyển giao vũ khí ồ ạt cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor tại cuộc gặp ở Pretoria vào tháng 1/2023. Ảnh: AP

Tiếp theo đó là cuộc tập trận quân sự với Trung Quốc và Nga vào tháng sau đó, điều mà phương Tây đã chỉ trích và đưa ra những cảnh báo. EU nói rằng Pretoria có quyền tuân theo chính sách đối ngoại của riêng mình, nhưng lưu ý rằng các cuộc tập trận không phải là điều mà EU “ủng hộ”.

Ngoài cạnh tranh ngoại giao, còn có một cuộc đối đầu khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cáo buộc phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu - điều đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia châu Phi, vốn đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì và ngũ cốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã báo cáo rằng giá lương thực thiết yếu ở châu Phi cận Sahara đã tăng trung bình 23,9% từ năm 2020 đến năm 2022.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi các nước châu Phi "không rơi vào chiến dịch tuyên truyền do Nga dẫn đầu". Nga cho rằng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu hiện nay do gián đoạn nguồn cung ngũ cốc và phân bón toàn cầu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.

Các chuyên gia cho rằng quan điểm của Nga đã thu hút sự chú ý của châu Phi vì tâm lý chống Mỹ và chống phương Tây ở châu lục này đã tồn tại từ lâu.

Các quan chức EU đã kêu gọi một cách tiếp cận chủ động hơn đối với thông tin trên, nhưng cho đến nay khối này có nguồn lực hạn chế để giải quyết vấn đề. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell thừa nhận: “Trận chiến toàn cầu về các câu chuyện tuyên truyền đang diễn ra mạnh mẽ và hiện tại, chúng ta không thắng".

Gần đây nhất, EU cho biết họ sẽ ra mắt một nền tảng mới để chống lại các chiến dịch tuyên truyền của Nga và Trung Quốc.

Ngoài nền tảng này, ông Borrell cũng thông báo rằng họ có kế hoạch tăng cường các phái đoàn EU ở nước ngoài với các chuyên gia về thông tin “để tiếng nói của chúng ta được lắng nghe rõ hơn”, trong “một trận chiến lâu dài” mà “sẽ không thể giành chiến thắng trong một sớm một chiều”. “Đây là một trong những trận chiến của thời đại chúng ta và chúng ta phải thắng trong cuộc chiến này”, ông Borrell nói.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo châu Phi đang ngày càng chống lại các nỗ lực ngoại giao của phương Tây nhằm vào Nga.

Cái bóng về ảnh hưởng của Nga cũng bao trùm lên chương trình nghị sự về an ninh và ngoại giao đang gặp khó khăn của EU ở Sahel. EU gần đây đã đưa ra các chương trình nhằm giải quyết những gì mà Ủy ban châu Âu mô tả là 'thông tin sai lệch' của Nga trên phương tiện truyền thông xã hội ở Sahel.

Các quan chức ở Brussels cũng cho rằng Nga muốn mở rộng sự hiện diện của mình thông qua nhóm quân sự tư nhân Wagner trong khu vực, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có thể làm gì để ngăn chặn điều đó hay không. Các chính quyền ở Mali và Burkina Faso đã tăng cường liên hệ ngoại giao với Nga. Có khả năng Chad, Niger và các quốc gia khác ở Sahel và các khu vực lân cận cũng làm điều tương tự. 

Trong những tháng tới, EU có thể sẽ cung cấp các khoản khuyến khích tài chính - ước tính vài tỷ euro - chủ yếu cho các quốc gia Bắc Phi, để kiểm soát người di cư sau khi các nhà lãnh đạo của khối nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường hồi hương và giải quyết các vụ vượt biên bất thường tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng trước.

Tại cuộc họp giữa Ủy ban châu Âu và Liên minh châu Phi vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã đồng ý rằng EU sẽ bắt đầu phân bổ vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway) và cung cấp hỗ trợ cho Cơ quan Dược phẩm châu Phi (EMA), cùng với việc thành lập nền tảng "đối thoại cấp cao về hội nhập kinh tế nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư bền vững".

Kế hoạch “Cửa ngõ toàn cầu” của EU, dự định là câu trả lời của khối đối với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, sẽ bắt đầu chi 750 triệu euro tài trợ cơ sở hạ tầng cho các quốc gia châu Phi trong năm tới.

Tuy nhiên, đây là những khoản tiền quá nhỏ so với các đề nghị của Trung Quốc hoặc Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cam kết đầu tư ít nhất 55 tỷ USD vào châu Phi trong ba năm tới và muốn tăng cường thương mại song phương với châu Phi thông qua thuế quan và thương mại tự do. Trong khi đó, các nhà ngoại giao châu Phi thường xuyên phàn nàn rằng việc tiếp cận nguồn tài trợ của EU liên quan đến nhiều rào cản thủ tục hành chính hơn.

Ngoài ra, một trường hợp mà Nga có thể không theo kịp các đối thủ quốc tế trong cuộc cạnh tranh ở châu Phi là EU và Trung Quốc ủng hộ Liên minh châu Phi có một ghế tại G20, trong khi Mỹ và châu Âu cũng ủng hộ một ghế thường trực của châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Công Thuận/Báo Tin tức (euractiv.com)
Pháp sẽ giảm đáng kể số lượng quân nhân ở châu Phi
Pháp sẽ giảm đáng kể số lượng quân nhân ở châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo sẽ cắt giảm đáng kể số lượng quân nhân Pháp tại châu Phi, đồng thời kêu gọi thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh thực sự với các quốc gia khu vực trước sự phát triển của các nhóm thánh chiến. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN