Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/12 đã tuyên bố rằng Moskva hủy dự án tuyến đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Nam” tới châu Âu qua biển Đen. Theo các chuyên gia Nga, việc đội vốn ở mức độ lớn là nguyên nhân đưa đến sự chết yểu của dự án này. Quan trọng hơn, ai là người được, kẻ mất sau quyết định này?Tổng thống Putin nói, Nga đã không thể theo đuổi “Dòng chảy phương Nam” vì Bulgaria không cho phép xây dựng tuyến đường ống trên lãnh thổ nước này. Theo ông chủ điện Kremlin, Bulgaria sẽ bỏ lỡ cơ hội thu về khoản tiền 400 - 500 triệu USD/năm từ phí trung chuyển khi dự án đi vào thực hiện. Thế nhưng, tổn thất với nước Nga cũng không nhỏ, khi mà tập đoàn Gazprom đã bỏ ra khoản tiền 4,66 tỉ USD cho tuyến đường ống này trong vòng 3 năm qua.
Lý do hủy dự ánChủ đầu tư ước tính, các công ty của châu Âu sẽ mất ít nhất 2,5 tỉ euro từ việc dừng “Dòng chảy phương Nam”. Thiệt hại đối với các công ty của Nhật tham gia dự án vào khoảng 320 triệu euro. Việc ngưng dự án là điều không mấy bất ngờ, khi mà trước đó Bulgaria đã nhiều lần khẳng định sẽ không cho phép đặt đường ống trên lãnh thổ nước này. Tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Bulgaria “nói không” với tuyến đường ống “Dòng chảy phương Nam”, vì nó vi phạm các điều luật về Gói năng lượng Thứ 3 của Liên minh châu Âu (EU).
Nga quyết định dừng dự án "Dòng chảy phương Nam". Ảnh: RIA Novosti |
Lý do quan trọng nữa là: Tổng mức đầu tư đã tăng mạnh tính tới thời điểm tháng 9/2014 so với khi lập dự toán. Chi phí cho việc xây dựng trên bộ ước tính vào khoảng 10-14 tỉ USD, dưới lòng biển là 6,6-9,5 tỉ euro. Tính gộp lại, “Dòng chảy phương Nam” sẽ tiêu tốn của Gazprom 55 tỉ USD. Ngay sau khi ông Putin tuyên bố dừng dự án, giá cổ phiếu của Gazprom đã tăng 1,1%, cho thấy nhà đầu tư đã có cái nhìn tích cực đối với quyết định này.
Liền sau đó, Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller nói rằng, tập đoàn sẽ chuyển hướng xây dựng tuyến đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng chuyên chở 63 tỉ m3 khí/năm, 14 tỉ m3 trong số đó sẽ “chảy” vào cho Thổ Nhĩ Kỳ; số còn lại sẽ cung cấp cho các thị trường ở châu Âu từ một trung tâm khí đốt ở rìa phía Đông Nam của châu Âu trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp.
Ông Ivan Kapitonov, Giáo sư tại Học viện Hành chính công và Kinh tế Quốc gia (Nga) bình luận, “Trong trường hợp này, Nga sẽ vẫn đạt được những hiệu quả như đã trù tính: Đa dạng hóa các tuyến đường ống dẫn khí, tránh phải phụ thuộc vào những quốc gia trung chuyển không đáng tin cậy”. Theo ông, các nước EU có thể sẽ ngạc nhiên trước quyết định của Nga, khi Moskva đã lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển. Brussels không lường trước rằng tuyến đường ống này sẽ chạy qua một nước không phải là thành viên của EU. Đương nhiên, Nga sẽ phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đó là một lựa chọn hợp lý, khi mà EU sẽ khó có thể phản đối kế hoạch mới của Nga.
Ông Dmitry Baranov, chuyên gia hàng đầu tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Finam nói rằng, “Dòng chảy phương Nam” có thể sẽ được làm sống lại nếu như EU thay đổi quan điểm, vì “Nga sẽ vẫn tuân thủ nghiêm các hợp đồng cung cấp khí đốt cho EU”. Theo ông, Moskva không từ bỏ mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khí đốt và sẽ luôn sẵn sàng cung cấp năng lượng cho bất cứ đối tác nào, dựa trên nguồn lợi phong phú mà thiên nhiên ban tặng.
Về phần mình, Cao ủy phụ trách năng lượng EU Maros Sefcovic cho biết, EU không có ý định hủy cuộc gặp của những đối tác tham gia “Dòng chảy phương Nam” dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 9/12 tới. Chủ tịch Liên minh quốc tế về ngành công nghiệp khí đốt (UIG), ông Jerome Ferrie, bình luận, châu Âu không thể thiếu được nguồn cung khí đốt từ Nga. Khi bất ổn tại Ukraine lắng dịu, EU sẽ thấy được các tuyến đường ống dẫn khí này sẽ quan trọng như thế nào đối với sự ổn định của “lục địa già”.
Hoài Thanh (
Theo RBTH)