Nga lật ngược tình thế tại Trung Đông

Theo mạng "Tin Trung Đông", chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực Trung Đông đã được hưởng lợi từ quan điểm vững vàng và phi ý thức hệ của Moscow, cũng như từ những sai lầm và sự sao nhãng của các cường quốc khác.

Nga đang thực sự trở thành một thế lực quan trọng, nhất là trong tiến trình chính trị ở vùng Cận Đông. Trong vài ngày qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lần lượt thăm Moscow. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa tham gia vòng đàm phán của 6 cường quốc thế giới với Iran.

Đồng thời, các nhà ngoại giao Nga cũng đang nỗ lực phá vỡ thế bế tắc của Hội nghị Geneva II về Syria thông qua việc tăng cường tiếp xúc với chính quyền Damascus và các đại diện của phe đối lập, đồng thời tiếp tục phối hợp trong việc giải giáp kho vũ khí hóa học tại Syria. Vài ngày trước tại Cairo, một cuộc họp cấp cao Nga-Ai Cập cũng diễn ra theo mô hình "2+2" (giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước) mà kết quả là các hợp đồng mua bán vũ khí.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.


Chỉ vài tháng trước, người ta vẫn tin rằng Moscow đã đánh mất chỗ đứng ở vùng Cận Đông. Tuy nhiên hiện giờ, tình thế đã bất ngờ đảo ngược. Đâu là lý do của sự đảo ngược ngoạn mục này?

Thứ nhất, Nga được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi cùng với Mỹ thúc đẩy thỏa thuận phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria để tránh một cuộc can thiệp quân sự vào đất nước này. Thỏa thuận đó được coi là mang tính lịch sử trong ngành ngoại giao thế giới. Một điều đáng nói là thành công của Nga chủ yếu bắt nguồn từ sự thất bại của người khác.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) theo đuổi chính sách "bắt chước" tại vùng Cận Đông, Mỹ dao động còn Trung Quốc vẫn luôn đứng ngoài lề, Nga đã vươn lên mạnh mẽ, chủ yếu nhờ quan điểm nhất quán về Syria. Ngày càng có nhiều chính khách tới gặp các nhà lãnh đạo Nga và đây không còn là điều gây bất ngờ. Một số nước đã và đang đánh giá cao quan điểm của Nga trong vấn đề Syria. Người ta cảm nhận được rằng Nga biết chính xác những gì họ đang làm và mong muốn, trái ngược với Mỹ và các nước còn lại. Người ta cũng hiểu rằng cần thỏa thuận với Nga trước khi thúc đẩy vấn đề Syria.

Thứ hai, điều trớ trêu là thành công của Moscow tại vùng Cận Đông xuất phát từ "tác dụng phụ". Nga không phải là Liên Xô và sẽ không bao giờ có được vị thế này nữa. Do vậy, những nhận định hoảng loạn của báo giới Mỹ - cho rằng Washington bị thất bại và bắt đầu rời bỏ vùng Cận Đông để mặc Nga bước vào trám chỗ trống - là không có căn cứ. Đơn giản là vì Kremlin không theo đuổi điều này và cũng không có các nguồn lực để đóng vai trò ông chủ lớn. Sẽ không có ai dại dột từ chối cơ hội tại các nước và thị trường quan trọng. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Nga tại khu vực này kể từ năm 2011 chủ yếu xuất phát từ mong muốn tự bảo vệ mình khỏi những cú sốc lớn hơn - hậu quả của sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc của vùng Cận Đông.


Vùng Cận Đông chứng minh rằng hệ thống quốc tế là một thực thể duy nhất và có tác động qua lại. Khu vực không đồng nhất và bất ổn này luôn là mục tiêu can thiệp và thao túng của các thế lực bên ngoài. Khi ảnh hưởng của Mỹ - quốc gia đảm nhiệm vai trò điều tiết trong khu vực này kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh - bị suy yếu, khoảng trống quyền lực này cần phải được trám lại.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã từ chối đóng vai trò điều tiết thế giới và chỉ quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích thương mại của mình. Tuy nhiên, bối cảnh quan hệ quốc tế đã đẩy Moscow quay trở lại (do không có các ứng cử viên khác), trái với mong muốn của nước này. Và dù muốn hay không, Nga sẽ phải đứng ra gánh vác trách nhiệm.


Thanh Tú
Nga tăng cường trung đoàn tên lửa S-400 bảo vệ Moskva
Nga tăng cường trung đoàn tên lửa S-400 bảo vệ Moskva

Lực lượng phòng không khu vực thủ đô Moskva sẽ được tăng cường thêm 1 trung đoàn tên lửa S-400.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN