Nga lo ngại sự hiện diện của Trung Quốc tại Viễn Đông

Mặc dù quan hệ liên minh giữa Trung Quốc và Nga đang được tăng cường nhưng Moskva vẫn ngày càng quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Viễn Đông.


Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn nhất cho vai trò của Nga ở Viễn Đông. Ảnh: thediplomat.com


Ngày càng có nhiều quan tâm sâu sắc về liên minh mới hình thành giữa Trung Quốc và Nga, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ “xoay trục” sang khu vực châu Á. Sự xoay trục của Mỹ diễn ra đồng thời với việc Nga ngày càng bày tỏ nhiều quan ngại hơn với khu vực Viễn Đông do lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc, khiến Nga phải tăng cường sự hiện diện về kinh tế và chính trị tại khu vực này.


Mặc dù có những cuộc tập trận chung với Trung Quốc thời gian vừa qua và chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tập Cận Bình là tới Moscow, cùng với những dấu hiệu khác của tăng cường hợp tác giữa hai nước nhưng quan hệ song phương vẫn là những tính toán trong ngắn hạn của Nga bởi một thực tế rằng Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn nhất cho vai trò của Nga ở Viễn Đông.


Phô trương sức mạnh quân sự


Bất cứ khi nào thể hiện quyền cai trị với khu vực Viễn Đông, vốn được coi là vành đai ảnh hưởng hay khu vực đặc biệt, thì Nga luôn thể hiện rằng quân sự là nhân tố then chốt. Và quân đội Nga hiện đang rất chủ động triển khai ở khu vực, từ việc lên kế hoạch hiện đại hóa và xây dựng một lực lượng tiên phong, linh hoạt mà theo Tổng thống Putin là để xứng tầm với nước Nga, cho tới tăng cường các cuộc tập trận tại khu vực.

Vào giữa tháng 7 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất giữa hai bên. Trung Quốc triển khai 7 tàu chiến (từ hạm đội biển Bắc và Nam), trong khi Nga điều động tàu chiến từ Hạm đội Thái Bình Dương, gồm tàu sân bay Varyag lớp Slava với tên lửa có vệ tinh dẫn đường, tàu ngầm lớp Kilo và các loại phương tiện khác. Đây là cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất của Trung Quốc, hai nước cùng thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và khủng bố với mục tiêu cụ thể là chống tàu ngầm, tấn công trực diện và trên không, có vẻ như cuộc diễn tập nhằm vào Mỹ và các đồng minh.


Một chiếc phản lực của Nga bắn pháo sáng trong cuộc tập trận. Ảnh: news.com.au


Không chỉ có tập trận hải quân chung, hai nước vẫn tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên chống khủng bố mang tên “Sứ mệnh Hòa bình”. Cuộc tập trận năm nay diễn ra tại huyện Chebarkul, tỉnh Chelyabinsk của Nga. “Sứ mệnh Hòa bình” có sự luân phiên giữa Trung Quốc và Nga về địa điểm tổ chức, đây là một minh chứng điển hình cho việc “thiết lập lại quan hệ quân sự” ngày càng tăng giữa hai nước. Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Dương Khiết Trì, Tổng thống Putin đã phát biểu: “Chúng tôi duy trì thành công việc hợp tác quân sự và hợp tác công nghệ quốc phòng. Cuộc tập trận chung vừa kết thúc đã chứng tỏ điều này”.

Ngay sau cuộc tập trận chung, Nga đã triển khai một cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ sau thời kỳ Liên Xô, nhằm mục đích phô diễn sức mạnh của lực lượng quân sự Nga đang được hiện đại hóa và phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc không phải cường quốc duy nhất trong khu vực có vị thế quân sự. Đây là cuộc tập trận thứ 3 từ tháng 1/2013 nhằm thử nghiệm tính sẵn sàng của quân đội, với số lượng 160.000 quân, 130 máy bay và 70 tàu các loại. Nga cũng tiến hành những cuộc tập quân sự khác tại Viễn Đông, có vẻ như là nhằm vào Trung Quốc. Các cuộc diễn tập này với tên gọi Vostok, nhỏ hơn về quy mô nhưng thể hiện khả năng của Nga trong việc kết hợp các lực lượng trong chiến đấu.


 Đã có những câu hỏi đặt ra về các cuộc diễn tập của Nga rằng liệu các cuộc diễn tập này có phải là việc quảng cáo vũ khí và liệu các cuộc diễn tập có thành công như lời Putin nhận xét là “hơn cả mong đợi”. Học giả Alexander Golts bình luận trên Moscow Times: “Kết quả ngoài mong đợi gây ấn tượng với Putin, các chỉ huy quân sự hàng đầu đã tập hợp hết các đơn vị ở vùng phía Đông và Trung tâm thành một đơn vị không lồ mặc dù rằng hầu hết các đơn vị này chưa từng được triển khai ở bất kỳ đâu hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc thao diễn nào”.

Nhân tố để Nga thể hiện sức mạnh ở Viễn Đông chính là Hạm đội Thái Bình Dương, một hạm đội bị lãng quên từ lâu, cũng như các hạm đội khác. Hạm đội Thái Bình Dương hiện được trang bị những thiết bị tối tân nhất từ kho vũ khí của Nga.


Lý do cho những cuộc diễn tập quân sự liên tiếp là vì Nga muốn chứng tỏ họ đã lột xác khỏi một quân đội của những năm 1990 và những yếu kém phơi bày trong cuộc chiến với Georgia năm 2008 đã được giải quyết. Nga đã thể hiện rõ quyết tâm không muốn đóng vai trò mờ nhạt ở Viễn Đông hay cho phép Trung Quốc lấn lướt về sức mạnh kinh tế và dân số tại đây. Điều này giải thích những nỗ lực trong hàng loạt những cuộc tập trận quân sự để thể hiện sức mạnh của Nga tại Viễn Đông.

 

Sức ép từ Trung Quốc

Một trong những vấn đề khiến Nga lo lắng nhất về sự hiện diện của Trung Quốc là hai bên có đường biên giới chung trải dài ở khu vực Viễn Đông. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, dân số khu vực này của Nga đã giảm khoảng 20% xuống còn 6,28 triệu người, trong khi dân số 3 khu vực ở Đông Bắc của Trung Quốc đã là 110 triệu người.


Ngay khi lên nắm quyền vào năm 2010, Tổng thống Nga Putin đã nổi tiếng với cảnh báo rằng trừ khi xu hướng dài hạn bị đảo ngược, “người Nga ở khu vực biên giới sẽ nói tiếng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài thập kỷ”. 12 năm sau đó, Putin nhắc lại vấn đề Viễn Đông với ý nhấn mạnh hơn khi đề cập khu vực này là “nhiệm vụ địa chính trị quan trọng nhất” mà chính quyền Liên bang phải đối mặt.


Quân đội Trung Quốc trong cuộc tập trận Sứ mệnh Hòa bình. Ảnh: news.com.au


Những thông tin từ Viễn Đông gần đây cho thấy sự thâm nhập của Trung Quốc về dân số và kinh tế vào khu vực ngày càng nhanh chóng. Vào giữa tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đề cập tới việc huy động tới 5 tỷ USD để tham gia thực hiện các kế hoạch phát triển Viễn Đông do Nga đề ra. Đây chỉ là một trong hàng loạt những động thái của Bắc Kinh mà Moskva phải “chấp nhận” vì Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi cởi mở để thu hút đầu tư Trung Quốc vào khu vực hồi tháng 5/2009. Kể từ đó, Medvedev đã nhận được những gì đòi hỏi: Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực Viễn Đông của Nga có tổng giá trị 3 tỷ USD vào năm 2011, trong khi đầu tư của Nga vào đây năm 2010 chỉ bằng 1/3 số này.


Nhắc đến vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở Viễn Đông, một bài viết trên báo Nhật Bản sau đó được dịch sang tiếng Nga vào tháng 8 vừa qua với tiêu đề “Trung Quốc hóa Siberia” đã chỉ rõ vấn đề này. Bài báo phản ánh việc người Trung Quốc ở giáp biên giới với Nga tiếp tục vượt biên sang khu vực Viễn Đông để canh tác nông nghiệp, mặc dù có lệnh cấm về thuê và mua đất. Một lao động Trung Quốc có tên Su Shaoyuan được phỏng vấn cho biết đã vay được vài triệu USD từ ngân hàng Trung Quốc để đầu tư vào trang thiết bị nông nghiệp, khoản vay đó hiện đang sử dụng tại Viễn Đông. Chỉ trong vài năm, anh ta có thể trả nợ và bắt đầu có lãi. Mặc dù phía Nga có những nỗ lực giới hạn lao động Trung Quốc, Su thừa nhận: “Tôi đảm bảo 100% rằng khi thấy tôi thành công, số người Trung Quốc muốn đầu tư như tôi sẽ tăng lên. Mảnh đất này là một kho báu bị chôn vùi”. Bài báo nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương lo ngại việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tới mức họ phải thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng các dự án nông nghiệp tại Viễn Đông để đối đầu với Trung Quốc.


Tại Khu vực Do Thái tự trị, một khu vực hành chính lập ra dưới thời Liên Xô, 40% đất canh tác hiện nay đang nằm dưới sự quản lý của lao động Trung Quốc. Theo như truyền thông Trung Quốc, 90% lượng rau xanh bán tại Viễn Đông năm 2012 là do lao động Trung Quốc trồng trọt. Ước tính lượng lao động di cư người Trung Quốc tại Viễn Đông khoảng nửa triệu người.

Sự thay đổi về cấu trúc dân số khiến lãnh đạo nước Nga khá lo lắng, điều này thấy rõ trong một phát biểu của ông Medvedev vào tháng 8/2012. Hai ngày sau khi Nga bổ sung một tàu ngầm hạt nhân nguyên tử mới vào Hạm đội Thái Bình Dương, ông Medvedev nói rằng đây là điều nòng cốt để bảo vệ Viễn Đông khỏi “xâm lấn từ các nước biên giới”; đồng thời nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là không cho phép xảy ra các hành động tiêu cực, bao gồm thành lập các khu vực của người nước ngoài”. Trong khi ý đầu của bài phát biểu là nhằm trực tiếp vào Trung Quốc thì ý thứ 2 là cảnh báo hậu quả từ các chính sách phát triển khu vực Viễn Đông của Nga.

Viktor Ishayev, một quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề Viễn Đông của ông Putin, đã lên một chương trình phát triển cho khu vực theo đó thu hút 1,1 triệu lao động trong thập niên tới, bao gồm cả lao động nước ngoài. Đã có khoảng 240.000-280.000 lao động từ Kavkaz và Trung Á tới Viễn Đông. Lao động di cư càng lớn thì càng có sự suy giảm về dân số bản địa.

Theo như công bố của học giả Marlene Laurelle: “Khu vực cực Bắc của nước Nga phát triển về kinh tế sẽ kéo theo sự gia tăng nhanh chóng lượng người theo đạo Hồi và người đến từ Trung Á, điều này tiếp tục gây ra sự bế tắc liên quan tới vấn đề sắc tộc mà Moskva chưa giải quyết được”. Vấn đề xung đột sắc tộc hiện đang nổ ra thường xuyên giữa những người Nga với những người dân các nước thuộc Liên Xô cũ, điều này có nghĩa chiến lược thu hút lao động nhập cư không chỉ gây ra những cuộc xung đột sắc tộc tại khu vực mà còn kéo theo những luồng di cư của người bản địa tại Viễn Đông. Họ đang rời khỏi đây với rất nhiều lý do như tìm kiếm đồng lương cao hơn và trốn khỏi khu vực có cơ sở hạ tầng yếu kém, tới các nước Đông Âu và cả Trung Quốc.

Một số chính trị gia nước Nga nêu ra sáng kiến phát triển Viễn Đông bằng cách chuyển thủ đô nước Nga từ phía châu Âu sang châu Á. Sáng kiến này nghe có vẻ bất hợp lý khi phải di chuyển hàng trăm nghìn quan chức tới lục địa khác, nhưng đây lại là ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu và thị trưởng thành phố Vladivostok. Điều này cho thấy sự tuyệt vọng của Nga trước nguy cơ khu vực Viễn Đông sẽ dần tuột khỏi vòng kiểm soát nếu như không có những quan tâm sát sao.


Đức Trung (Theo The Diplomat)




Nga đưa tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral tới Viễn Đông
Nga đưa tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral tới Viễn Đông

Hãng thông tấn RIA Novosti hôm nay cho biết Nga có kế hoạch bố trí các tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral, do Pháp sản xuất, tới cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN