Nga nghĩ gì về THAAD?

Bất kể điều gì xảy ra trong vài tháng tới, quan điểm của Nga về THAAD sẽ cho thấy một số động lực quan trọng đối với vị thế của Nga trong môi trường an ninh Đông Bắc Á.

Nga tập trung phản ứng về mặt quân sự thay vì kinh tế đối với THAAD.

Diễn đàn Đông Á số mới ra cho rằng khi Mỹ có những bước đầu tiên để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Nga tiếp tục đưa ra những phản đối mạnh mẽ. Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “bế tắc” trong việc nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi tập trung vào an ninh trên bán đảo Triều Tiên, Nga vẫn nhấn mạnh tình hình lo ngại đối với an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới đây bị phế truất đã dấy lên những hoài nghi về khả năng tồn tại của THAAD trong liên minh Mỹ-Hàn. Chính phủ Mỹ bị cáo buộc đẩy nhanh quá trình đưa các thành phần của THAAD đến Hàn Quốc trong bối cảnh thay đổi quyền lực chính trị ở đất nước này. Giới phân tích cho rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Hàn Quốc, ông Moon Jae-in sẽ cố gắng làm chậm hoặc thậm chí có thể hủy bỏ việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, trong khi tìm kiếm sự xích lại gần gũi hơn với Trung Quốc.

Trong vấn đề này, mặc dù nhân tố Nga có thể không quan trọng như Trung Quốc, nhưng yếu tố THAAD trong quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc rất đáng chú ý. Bất kể điều gì xảy ra trong vài tháng tới, quan điểm của Nga về THAAD sẽ cho thấy một số động lực quan trọng đối với vị thế của Nga trong môi trường an ninh Đông Bắc Á.

Hai giáo sư về quan hệ quốc tế, ông Barry Buzan và ông Ole Wover, khẳng định rằng môi trường an ninh hiện nay ở Đông Bắc Á có nguồn gốc sâu sắc hơn so với tranh chấp ý thức hệ của cuộc Chiến tranh Lạnh. Từ đó đến nay, Nga đã phát triển quan hệ với Hàn Quốc cũng như nỗ lực hòa giải với Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc hiện gia tăng phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa này. Ngay sau khi những bộ phận đầu tiên của THAAD xuất hiện tại Hàn Quốc, các quan chức Triều Tiên và Nga đã tiếp cận Bắc Kinh để bày tỏ mối lo ngại chung của họ cũng như thể hiện sự đoàn kết trong việc lên án Mỹ lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc.

Trung Quốc đã phản ứng trước THAAD bằng việc trả đũa kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga có thể sẽ cảm thấy khó khăn trong việc theo đuổi các biện pháp kinh tế như Trung Quốc đã làm. Thay vào đó, các quan chức Nga có xu hướng tập trung phản ứng công khai trên lĩnh vực quân sự. Họ tuyên bố rằng việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực, khả năng hoạch định chiến lược của Nga, đồng thời cho rằng Nga có thể có lý do để rời khỏi Hiệp ước SRART mới với Mỹ về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược.

Việc Nga tập trung phản ứng ban đầu về mặt quân sự thay vì kinh tế đối với THAAD cho thấy các nhà lãnh đạo Nga có tầm nhìn sâu đối với an ninh Đông Bắc Á. Cơ sở chính sách an ninh của Nga đối với Hàn Quốc là phải thúc đẩy đối thoại hòa bình về các vấn đề an ninh của đất nước này. Cách phản ứng của Nga đối với THAAD là điều dễ hiểu và phù hợp với những diễn biến của khu vực này. Tuy nhiên, nếu Nga phản ứng quyết đoán hơn về mặt quân sự đối với THAAD sẽ cho thấy các giới hạn về khả năng của Nga hoặc tự nguyện phải dựa chủ yếu vào ngoại giao hay các biện pháp phi bạo lực khác.


Để tránh quân sự hóa gia tăng trong khu vực, một khả năng phản ứng của Nga đối với THAAD có thể sẽ là việc Nga tận dụng quan hệ đối tác của mình với Trung Quốc để tiếp tục sử dụng các biện pháp kinh tế đối với THAAD. Tuy nhiên, điều này sẽ phải bảo đảm rằng các biện pháp thương mại của Trung Quốc chống lại Hàn Quốc sẽ không gây tổn hại lợi ích kinh tế của Nga tại Hàn Quốc. Các quan chức Hàn Quốc vẫn tiếp tục gặp gỡ với các nhà ngoại giao và những người đứng đầu các khu vực của Nga để theo đuổi các mối quan hệ gần gũi hơn.

Moskva cũng không trực tiếp lên án Hàn Quốc theo cách mà Bắc Kinh đã làm. Không lâu sau khi Seoul đưa ra quyết định cuối cùng phê duyệt triển khai THAAD trên bán đảo này, Đại sứ Nga tại Seoul Alexander Timonin đã ca ngợi Hàn Quốc như một đối tác quan trọng. Nga có thể sẽ phải cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc Nga sẵn sàng theo đuổi một chính sách đối với Hàn Quốc ít được liên kết với Trung Quốc cho thấy Nga muốn có một vai trò độc lập, chứ không phải là đối tác thứ cấp của Trung Quốc, trong việc xử lý vấn đề này.

THAAD là một thước đo đối với Nga trong việc theo đuổi một chính sách độc lập cho dù khu vực Đông Bắc Á ít nhiều sẽ tiếp tục bị chia rẽ bởi hai bên gồm Trung-Nga-Triều và Nhật-Mỹ-Hàn. Với việc dẫn đầu phe phản đối THAAD, Trung Quốc nổi lên như nước đứng đầu khối các quốc gia Đông Bắc Á thách thức sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực an ninh ở khu vực này.

TTXVN/Tin Tức
Quân đội Trung Quốc phản đối việc triển khai THAAD
Quân đội Trung Quốc phản đối việc triển khai THAAD

Ngày 30/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố quân đội Trung Quốc phản đối triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, đồng thời khẳng định "đây không chỉ là lời nói suông".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN