Trung Quốc giảm phụ thuộc nhưng chưa thể sống thiếu công nghệ Mỹ
“Made in China”, ba từ này thường gắn với hàng hóa giá rẻ. Cách đây 4 năm, Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi cụm từ này, biến nó thành tên của một chiến lược công nghiệp mới nhằm tạo điều kiện cho các công ty nội địa tiến vào các thị trường chất lượng cao hơn, bớt phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài.
Trong tháng 5, các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei, nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới, đã khiến những tham vọng này càng trở nên cấp thiết.
Đánh giá các lựa chọn của Huawei sau khi bị cấm tiếp cận công nghệ Mỹ cho thấy ngành công nghệ Trung Quốc đã giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Sự trỗi dậy của Huawei cho thấy chiến lược "Made in China 2025" không phải là một giấc mơ viển vông. Công ty này được thành lập trong những năm 1980. Ban đầu, công ty bán thiết bị chuyển mạch điện thoại và chuông báo cháy nhập từ Hong Kong (Trung Quốc). Ngày nay, Huawei là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị viễn thông và bán nhiều thiết bị di động hơn Apple.
Hai linh kiện quan trọng nhất trong những thiết bị di động của Huawei đều là tự sản xuất. Công ty sản xuất chip HiSilicon của Huawei thiết kế bộ xử lý và modem không dây cho các mẫu điện thoại nổi bật của hãng như chiếc P30 Pro.
Hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới là Samsung cũng tự sản xuất bộ xử lý và modem. Apple tự sản xuất bộ xử lý nhưng phải mua modem. Bộ xử lý của cả ba công ty này đều dựa trên thiết kế mua từ ARM, một công ty trụ sở tại Anh do ngân hàng Softbank của Nhật Bản làm chủ.
Huawei cũng sản xuất chip cho các thiết bị viễn thông và bị cáo buộc gây rủi ro an ninh, dẫn tới xung đột với chính phủ nhiều nước. Việc tự sản xuất chất bán dẫn sẽ đóng vai trò quan trọng nếu Mỹ cấm vĩnh viễn Huawei dùng công nghệ Mỹ.
Huawei vừa bị liệt vào danh sách cá nhân, tổ chức có thể đe dọa an ninh quốc gia và phải xin phép mới được tiếp cận công nghệ Mỹ. Động thái này khiến Google rút giấy phép sử dụng một loạt ứng dụng, dịch vụ đối với Huawei. ARM đã ngừng làm ăn với Huawei với lý do tài sản trí tuệ của mình có công nghệ nguồn gốc Mỹ.
Việc ARM đột ngột chấm dứt quan hệ làm ăn với Huawei đã ảnh hưởng nặng tới mô hình kinh doanh của Huawei. Tuy nhiên, ông Jim McGregor, sáng lập viên công ty phân tích chất bán dẫn Tirias Research cho rằng Huawei sẽ cầm cự được nhưng chỉ trong một thời gian.
Huawei tiếp cận các thiết kế mới nhất của ARM từ sớm và sẽ có hai năm làm việc với ARM về thế hệ công nghệ mới nhất. ARM vừa ra mắt mẫu thiết kế chip mới nhất ngày 27/5 và phải đến năm 2020, chip của ARM mới xuất hiện trong thiết bị của các đối tác như Huawei.
Điều đó có nghĩa là Huawei có nhiều thời gian để bán các dòng điện thoại mới sử dụng bộ xử lý vượt trội trong khi chờ Mỹ giảm thái độ thù địch.
Nếu Huawei vẫn bị cấm dùng công nghệ Mỹ, công ty này thậm chí có thể sử dụng quyền tiếp cận công nghệ ARM trước đó để sản xuất dòng chip của riêng mình sao cho nó tương thích với các ứng dụng và kho ứng dụng hiện tại ở Trung Quốc.
Tạp chí Phố Wall ngày 24/5 cho biết Huawei đã có kế hoạch tự thiết kế hệ điều hành di động để thay thế Android của Google. Huawei có thể tự thiết kế dựa trên các phiên bản nguồn mở của Android mà không phải xây dựng từ đầu.
Thiết lập hệ sinh thái di động song song sẽ khiến Huawei thất bại ở thị trường phương Tây vì thiết bị của Huawei sẽ không tương thích với dịch và và kho ứng dụng của Google. Huawei sẽ hoạt động tốt hơn ở châu Á, đặc biệt là nếu các công ty Trung Quốc khác cùng tham gia.
Ông McGregor nói: “Chúng ta biết từ lâu rằng họ muốn tự phát triển sức mạnh. Cuộc tranh cãi hiện nay đang khiến họ ngày càng xa rời trong hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ”. Huawei có thể tồn tại mà không cần công nghệ Mỹ, nhưng phát triển được hay không sẽ là một vấn đề khác.
Bà Minyuan Zhao, Giáo sư Trường Wharton, nhận định: “Ngành công nghệ Trung Quốc dần dần càng giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nhưng chưa đặt mục tiêu độc lập hoàn toàn. Họ phát triển dựa trên công nghệ phương Tây và kỳ vọng cứ tiếp tục như vậy. Họ không có kế hoạch hoạt động độc lập. Là một bên hưởng lợi lớn nhất từ toàn cầu hóa, không có lý gì để họ phá vỡ toàn cầu hóa”.
Mặc dù Huawei tự thiết kế một số chip quan trọng nhất trong điện thoại và phần cứng mạng lưới di động, những sản phẩm này cũng có nhiều linh kiện có nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp từ Mỹ. Điện thoại Huawei có bộ nhớ flash, cảm biến chuyển động và chip quản lý năng lượng của các công ty Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đã bỏ hàng chục năm tìm cách thúc đẩy ngành bán dẫn trong nước, nhưng các công ty nước này mới chỉ bắt đầu có khả năng sản xuất chíp bộ nhớ tinh vi như các chip của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Ngành công nghệ Trung Quốc nói chung vẫn phụ thuộc nhiều vào phần mềm công ty Mỹ. Ông Paul Triolo, phụ trách chính sách công nghệ toàn cầu tại Tổ chức Eurasia nói: “Trung Quốc chưa bao giờ có thể sản xuất hệ sinh thái thực sự có quy mô và được cộng đồng các nhà phát triển ủng hộ”. Một lý do có thể là do Trung Quốc thường bị cáo buộc ăn cắp phần mềm.
Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc
Trong mảng kinh doanh bán thiết bị máy tính và mạng cho công ty nước ngoài, Huawei phụ thuộc vào phần mềm công ty Mỹ. Trong khi đó, các công ty hàng đầu Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bà Zhao thuộc Trường Wharton nói: “Công ty như Qualcomm và Apple cũng xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chuỗi cung và thị trường toàn cầu”.
Sự liên quan này là lý do tại sao Bộ Thương mại Mỹ đã trì hoãn lệnh cấm đối với Huawei trong 90 ngày để các công ty Mỹ làm ăn với Huawei có thể hỗ trợ các sản phẩm hiện tại.
Nếu không được hoãn thêm, một số người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà mạng không dây lớn nhất Mỹ thường tránh thiết bị của Huawei nhưng các nhà mạng nhỏ sử dụng thiết bị Huawei để phục vụ hàng triệu khách hàng.
Năm 2018, một liên minh các nhà mạng nhỏ đã cảnh báo họ có thể bị sập mạng nếu bị cắt đứt khỏi việc làm ăn với Huawei.
Mối quan hệ sâu sắc của Apple với Trung Quốc là ví dụ điển hình cho thấy ngành công nghệ Mỹ phụ thuộc Trung Quốc nhiều thế nào. iPhone của Apple do Foxconn lắp ráp, còn pin do Sunwoda sản xuất. Cả Foxconn và Sunwoda đều là công ty Trung Quốc.
Ngay cả với những mảng kinh doanh tăng thêm thu nhập từ dịch vụ phần mềm như âm nhạc, truyền hình, Apple cũng phụ thuộc Trung Quốc. Những dịch vụ này được truyền phát cho người tiêu dùng từ trung tâm dữ liệu Apple. Các trung tâm này đầy máy chủ và phần cứng do Trung Quốc sản xuất.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất mức thuế mới với hàng Trung Quốc năm 2018, Tổ chức Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) cảnh báo rằng dựng rào chắn giữa công nghệ Mỹ và Trung Quốc sẽ đe dọa vai trò đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Ông Triolo thuộc Tổ chức Eurasia nói: “Với một quốc gia, tự cung tự cấp là một ý tưởng thú vị nhưng không khả thi trong những lĩnh vực công nghệ”.