Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu tim mạch Victor Chang tại Sydney đã tiến hành nghiên cứu về biến thể nguy hiểm này và kết luận một trong những tác dụng phụ mà nó gây ra cho người bệnh là chứng viêm cơ tim.
Giáo sư Jason Kovacic, Giám đốc viện trên và cũng là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết các chuyên gia đang thu thập dữ liệu về mức độ phổ biến của tác dụng phụ này ở các bệnh nhân COVID-19. Theo ông, trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim, gây rối loạn nhịp tim hoặc đột tử. Ngoài ra, biến thể Delta cũng có thể gây ra hiện tượng cục máu đông, thường bắt đầu ở chân và sau đó di chuyển lên tim hoặc phổi. Đáng chú ý là người mắc COVID-19 không cần phải bị bệnh nặng hoặc các bệnh lý tiềm tàng về tim mới bị ảnh hưởng và một số bệnh nhân đã tử vong do những tác dụng phụ này.
Theo Giáo sư Kovacic, những biến chứng liên quan đến tim mạch là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một số ít người bị biến chứng này. Ông cho biết các biến thể ban đầu của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có nguy cơ cao hơn đối với người lớn tuổi, nhưng những số liệu mới của nghiên cứu cho thấy biến thể Delta đang tác động nhiều hơn đến những người trẻ tuổi.
Giám đốc Y tế bang New South Wales, Australia, bà Kerry Chant đã từng khẳng định biến thể Delta là một lời cảnh tỉnh cho những người trẻ tuổi và những người khỏe mạnh vẫn tin rằng chỉ những người lớn tuổi và có bệnh nền mới có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng và phải nhập viện.
Trong đợt bùng phát hiện nay tại thành phố Sydney, bang New South Wales ghi nhận hầu hết các ca nhiễm là những người trong độ tuổi từ 20-39, trong đó có những người đang phải cần đến điều trị tích cực (ICU) và một thanh niên 27 tuổi đã tử vong. Nhà miễn dịch học hàng đầu của Australia Peter Doherty đã từng đưa ra nghi vấn ca tử vong này là do suy tim do trước đó người thanh niên này không hề có dấu hiệu cần phải chăm sóc y tế, không có bệnh nền và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Liên quan đến nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tim mạch Victor Chang, một nghiên cứu tại Mỹ đã phân tích dữ liệu của hơn 14.000 người trong độ tuổi từ 12 - 17 bị nhiễm COVID-19 và phát hiện ra chứng viêm cơ tim phổ biến hơn ở nam giới, có tỷ lệ khoảng 450 người /1 triệu người mắc bệnh COVID-19.
Chứng viêm cơ tim cũng đã từng được Cơ quan Tư vấn về vaccine của Australia (ATAGI) báo cáo là một tác dụng phụ rất hiếm của vaccine bào chế theo công nghệ mRNA, bao gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Tuy nhiên, tác dụng phụ này có xu hướng giảm nhanh chóng và không gây bệnh nặng, khác với biến chứng viêm cơ tim do biến thể Delta gây ra.