Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây với hãng tin Russia Beyond The Headlines (Nga) về cuộc khủng hoảng Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ưu tiên hàng đầu là phải có một lệnh ngừng bắn vô điều kiện nhằm chấm dứt bạo lực nhằm vào dân thường. Ông cũng cảnh báo những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các lệnh trừng phạt đơn phương sẽ đe dọa đến hòa bình và ổn định quốc tế.
Dưới đây là một số nội dung chính của cuộc phỏng vấn:
PV:
Có nhận định được nhắc đến nhiều lần, đặc biệt là bởi các phương tiện truyền thông phương Tây, rằng quân đội Nga đã được triển khai gần biên giới Ukraine và thậm chí đã vượt qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine. Theo ông, quân đội Nga đã có những hành động như vậy?Ông Sergei Lavrov: Thật không may, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục lan truyền những tin đồn, thông tin bị bóp méo và thậm chí cả những lời nói dối trắng trợn. Gần đây, đã có tuyên bố của Ukraine rằng lực lượng pháo binh của họ bị phá hủy bởi 1 đơn vị xe bọc thép được cho là của Nga, và giới truyền thông Anh thậm chí còn nói họ đã chứng kiến có sự xâm nhập của quân đội Nga. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về sự việc này được đưa ra và thậm chí cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không thể xác nhận vụ việc. Chúng tôi xem tất cả những câu chuyện như vậy là một phần của một cuộc chiến tranh thông tin.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
PV:
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh thực sự đang xảy ra trên thực địa. Nga có thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này? Ông Sergei Lavrov: Quan điểm của chúng tôi là rõ ràng - chúng tôi muốn hòa bình ở Ukraine, điều chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại rộng rãi trên khắp cả nước, trong đó tất cả các vùng và tất cả các lực lượng chính trị của Ukraine phải được tham gia. Đây là những gì mà Nga, Mỹ, EU và Ukraine đã nhất trí tại hội nghị Geneva vào ngày 17/4 vừa qua. Tại một cuộc họp ở Berlin gần đây giữa ngoại trưởng các nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine, không có ai phản đối điều đã được khẳng định trong Tuyên bố tại Geneva.
Vấn đề là Kiev phải ủng hộ việc ngừng cuộc chiến và chấm dứt ảo tưởng rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể được giải quyết bằng chiến thắng trong cuộc chiến chống lại chính người dân của mình. Có một sự thật đáng buồn là Mỹ và EU đang tiếp tục hỗ trợ một cách mù quáng bất cứ điều gì mà Kiev muốn.
Chúng ta hãy nhớ lại một thỏa thuận mà Kiev và phương Tây tìm cách lờ đi. Ngày 21/2, một thỏa thuận về việc giải quyết cuộc khủng hoảng đã được ký kết bởi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, lãnh đạo khối đảng UDAR trong quốc hội Vitali Klitschko, lãnh đạo khối đảng “Batkivshina” trong quốc hội A. Yatsenyuk, người đứng đầu khối đảng "Svoboda" trong quốc hội Oleg Tyagnibok. với sự chứng kiến của các bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Đức và Ba Lan. Bây giờ họ nói thỏa thuận "đã được thay thế bởi các sự kiện" vì ông Yanukovych bỏ trốn. Nhưng tôi xin nhắc nhở các đồng nghiệp của tôi rằng thỏa thuận ngày 21/2 được cho là một cam kết ưu tiên hàng đầu đối với một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Có phải mục tiêu này phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của ông Yanukovych? Thay vì tôn trọng cam kết này, các nhà lãnh đạo phe đối lập đã tổ chức một cuộc đảo chính vũ trang và công khai tuyên bố họ đã tạo ra một "chính phủ của những người chiến thắng". Thật không may, logic "người chiến thắng kiểm soát tất cả" vẫn là động lực trong các hành động của Kiev, khiến cho hàng nghìn dân thường trở thành nạn nhân, hàng trăm nghìn người phải đi tị nạn và cơ sở hạ tầng xã hội gần như bị phá hủy hoàn toàn ở nhiều thành phố và thị trấn ở miền đông Ukraine.
PV: Có rất nhiều ý kiến cho rằng đang xuất hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và phương Tây thông qua việc Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Moskva. Nếu phương Tây theo đuổi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa, Nga sẽ phản ứng thế nào?Ông Sergei Lavrov: Những nỗ lực giải quyết các khủng hoảng bằng biện pháp trừng phạt đơn phương ngoài khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ đe dọa hòa bình và ổn định quốc tế. Những nỗ lực như vậy là phản tác dụng và mâu thuẫn với các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nga hoàn toàn không chấp nhận những lời lẽ đe dọa và các biện pháp cưỡng chế. Phản ứng của Nga về các hành động đơn phương của Mỹ, EU và một số nước khác là cân bằng và phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Moskva theo các điều ước quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới.
PV:
Nhưng các biện pháp trừng phạt mới vẫn tiếp tục đe dọa và được thực hiện. Nga sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt này? Ông Sergei Lavrov: Đó hoàn toàn không phải là sự lựa chọn của chúng tôi, nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chúng tôi, bao gồm cả lợi ích an ninh trong mọi trường hợp.
Đây là cơ sở để chúng tôi đưa ra quyết định nhằm hạn chế, trong vòng 1 năm, việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm từ một số nước phương Tây vì các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, Nga không muốn tiếp tục leo thang các lệnh trừng phạt lẫn nhau này. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ, Liên minh châu Âu và những quốc gia khác lưu ý đến tiếng nói của lý trí và chấm dứt cuộc đối đầu luẩn quẩn vô nghĩa mà phương Tây khởi xướng này.
PV:
Nga đánh giá về cuộc điều tra vụ tai nạn của chuyến bay MH17 ở miền đông Ukraine thế nào?
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 tại Ukraine. |
Ông Sergei Lavrov: Vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia là một thảm kịch kinh hoàng. Ngay sau khi vụ việc xảy ra vào ngày 17/7, chúng tôi đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế công khai và khách quan. Nhưng không hiểu tại sao các nhà chức trách Ukraine, người chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của chuyến bay quốc tế trên lãnh thổ của mình, đã không đóng cửa không phận trong khu vực đang có chiến sự. Nghị quyết 2166 được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 21/7 cho phép tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và độc lập về vụ việc theo quy định của luật hàng không dân dụng quốc tế.
Thật không may, ngay từ đầu chúng tôi đã thấy những nỗ lực nhằm che giấu bằng chứng và gây trở ngại cho việc thực hiện nghị quyết đó. Nhu cầu về một lệnh ngừng bắn trong khu vực xảy ra tai nạn đã bị bỏ qua bởi các nhà chức trách Ukraine trong hơn 10 ngày, và đề nghị của chúng tôi để kêu gọi tôn trọng đầy đủ Nghị quyết 2166 đã bị Mỹ, Anh và Lithuania ngăn cản tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cùng lúc đó, các nước này và một số quốc gia khác bắt đầu lan truyền những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga. Tôi xin nhắc lại rằng Nga hoàn toàn tuân thủ đầy đủ cam kết điều tra quốc tế theo Nghị quyết 2166. Chúng tôi muốn Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) có một vai trò tích cực hơn trong vấn đề này, và chúng tôi cho rằng Liên Hợp Quốc và ICAO nên nỗ lực phối hợp để đảm bảo sớm đưa ra kết quả thuyết phục của cuộc điều tra. Nga là quốc gia duy nhất chính thức công bố trước cộng đồng quốc tế các dữ liệu liên quan đến vụ việc sau khi nhận được tin về thảm họa trên thông qua khả năng giám sát không gian của Moskva. Các nước khác cũng có thể cung cấp bằng chứng mà họ thu nhận được.
PV: Ông có nghĩ rằng tất cả các bằng chứng liên quan đến vụ tai nạn sẽ được cung cấp để các nhà điều tra có thể xác định chính xác những gì đã xảy ra?
Ông Sergei Lavrov: Về mặt chính thức, chúng tôi đã đưa ra một số câu hỏi mà chúng tôi vẫn còn nghi vấn. Ví dụ, các cuộc trao đổi giữa phi công của chiếc máy bay MH17 và những người kiểm soát không lưu Ukraine đã ở đâu và tại sao chúng không được công khai trước cộng đồng quốc tế? Tại sao những người điều khiển không lưu lại hướng dẫn máy bay này bay vào khu vực đang có xung đột? Tại sao lại có một chiếc máy bay của không quân Ukraine xuất hiện gần máy bay MH17 trước khi xảy ra vụ tai nạn. Điều gì đã xảy ra với các mảnh vỡ của máy bay này sau vụ tai nạn và tại sao nó không được kiểm tra kỹ lưỡng bởi các cơ quan điều tra quốc tế một cách phù hợp? Và đâu là bằng chứng cho những tuyên bố của các quan chức Mỹ về những nguyên nhân của vụ bắn rơi máy bay?
Chúng tôi hy vọng nhận được các câu trả lời cho những câu hỏi này và những nghi vấn khác cả từ các quốc gia có vai trò hàng đầu trong việc điều tra quốc tế và từ những nước đã đưa ra những tuyên bố công khai vô căn cứ. Sự thật phải được phơi bày. Đó là nhu cầu mạnh mẽ của chúng tôi tại các cuộc họp gần đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi một số quốc gia thành viên tỏ ra không mấy nhiệt tình trong việc theo đuổi công tác điều tra một cách minh bạch và có trách nhiệm.
PV: Tổn thất của người dân trong cuộc xung đột ở Ukraine đã rất lớn và hàng chục nghìn người đã phải đi tị nạn vì các cuộc giao tranh. Quan điểm của ông về tình hình nhân đạo ở Ukraine thế nào?Người dân bị thương trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine. |
Ông Sergei Lavrov: Tình hình nhân đạo ở các khu vực Lugansk và Donetsk của Ukraine đang là thảm họa và tiếp tục xấu đi. Đây không chỉ là đánh giá của chúng tôi. Việc đánh giá này được chia sẻ rộng rãi tại Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo Liên Hợp Quốc, Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ (ICRC) và Hội đồng châu Âu. Đã có hơn 2.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Việc thiếu hụt lương thực và y tế đang diễn ra và nguy cơ ngày càng tăng về việc bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Hơn 200.000 người ở Lugansk không có điện, nước và các phương tiện thông tin liên lạc. Rất nhiều người đã bỏ chạy khỏi khu vực xung đột. Kể từ tháng 1 vừa qua, gần 775.000 người dân Ukraine đã chạy tị nạn sang Nga, Ukraina và 190.000 người đã đăng ký xin tị nạn ở Nga.
PV:
Tuy nhiên, Nga đã gửi viện trợ nhân đạo. Chuyện gì xảy ra với đoàn xe viện trợ nhân đạo?
Ông Sergei Lavrov: Nga đã có sự hợp tác với ICRC gửi một đoàn xe nhân đạo với khoảng 300 xe tải chở 2.000 tấn thiết bị y tế, thực phẩm, túi ngủ, máy phát điện và các hàng hóa cơ bản khác. Đoàn xe này đã sẵn sàng để di chuyển sớm nhất là ngày 17/8, nhưng bị hoãn lại chủ yếu là do sự trì hoãn chiến thuật bởi các cơ quan chức năng của Kiev. Tuy nhiên, người dân Ukraine ở phía đông nam đã nhận hàng hóa viện trợ nhân đạo dưới sự bảo trợ của ICRC và sự giám sát của Bộ đội biên phòng cũng như nhân viên hải quan Ukraine tại cửa khẩu Nga gần Donetsk. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Ukraine đảm bảo và tạo điều kiện cho các đoàn cứu trợ nhân đạo đi lại an toàn và không bị cản trở trong tương lai.
Công Thuận