'Người thắng, kẻ thua' trong trật tự năng lượng thế giới mới

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm thay đổi trật tự năng lượng toàn cầu. Trong trung và dài hạn, Mỹ có lợi thế để tận dụng những động lực mới này. Mặc dù Nga đang được hưởng lợi từ giá dầu và khí đốt cao trong thời gian gần đây, nhưng triển vọng dài hạn đối với ngành năng lượng của nước này là không tốt.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga-Ukraine là một trong những nguyên nhân quan trọng đang định hình lại trật tự năng lượng toàn cầu. Ảnh: I24News

Theo trang tin chuyên về dầu khí Oilprice.com ngày 29/6, trật tự toàn cầu mới sau cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tạo ra những người thắng và kẻ thua cuộc mới trong lĩnh vực năng lượng khi nguồn cung đang thay đổi. Hiện Nga vẫn đang nhận được gần 1 tỷ USD doanh thu từ năng lượng mỗi ngày khi châu Âu tiếp tục mua khí đốt của Nga và đang lo sợ trước khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.  

Trong ngắn hạn, Nga có thể là bên hưởng lợi nhờ khí đốt tự nhiên của mình. Nhưng về trung và dài hạn, Moskva có khả năng mất vị thế siêu cường năng lượng toàn cầu, vì quyết định cắt đứt sự phụ thuộc vào năng lượng của châu Âu đối với Nga là không thể thay đổi, như nhận định của nhà báo kỳ cựu Gideon Rachman thuộc tờ Thời báo Tài chính Anh (Financial Times). 

Châu Á có thể nhập khẩu nhiều nguồn năng lượng của Nga vốn bị cấm ở phương Tây, nhưng việc vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc sẽ được thực hiện trong vài năm chứ không phải vài tháng do thiếu cơ sở hạ tầng đủ để Nga chuyển hướng dòng khí đốt từ thị trường lớn nhất của mình là châu Âu sang Trung Quốc. 

Theo dữ liệu do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tổng hợp, Nga đã nhận được được gần 100 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, với việc EU trả 60% số tiền này cho hàng nhập khẩu.

Khi EU đặt mục tiêu giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga bằng cách áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu đường biển từ Nga, Moskva đang chuyển hướng xuất khẩu khối lượng lớn hơn sang châu Á. Tuy nhiên, Nga sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi muốn thay thế xuất khẩu và doanh thu khí đốt của châu Âu bằng các doanh nghiệp ở châu Á. Đường ống và khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Nga xuất khẩu tới Trung Quốc chỉ bằng một phần nhỏ trong lượng xuất khẩu qua đường ống của Nga sang châu Âu, ngay cả khi  Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong những tuần qua.

Nga đã gửi LNG đến Trung Quốc thông qua đường ống Năng lượng Siberia, đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Hiện hai bên có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí lớn khác để cung cấp khí đốt từ Nga đến Trung Quốc, nhưng điều này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Nikos Tsafos, chuyên gia về năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Nga cuối cùng có thể xuất khẩu lớn hướng tới thị trường châu Á, nhưng sự thay đổi này sẽ không thể tiến hành ngay lập tức cũng như dễ dàng và sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác nước ngoài".

Trong khi đó, giá dầu và khí đốt tự nhiên cao đang giúp Mỹ kiếm lợi cao từ việc khai thác dầu đá phiến, do vậy Washington có khả năng trở thành bên chiến thắng lớn trong trật tự năng lượng toàn cầu mới, trong trung và dài hạn, vì phương Tây sẽ tìm kiếm dầu và khí đốt không phải của Nga trong nhiều năm tới, bất kể diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine. 

Mỹ, nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, có thể giúp bù đắp ít nhất một phần thiệt hại về nguồn cung từ Nga, cả về dầu và khí đốt. Xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đang tăng mạnh và xuất khẩu nhiên liệu cũng tăng mạnh mặc dù hàng nhiên liệu tồn kho ở mức thấp trong nhiều năm tại Mỹ.

Tuy nhiên, ngành dầu khí của Mỹ phải đối mặt với những hạn chế ngắn hạn trong việc thúc đẩy sản xuất. Những rào cản này bao gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao và Chính quyền Mỹ hướng tới việc thúc đẩy năng lượng sạch cùng việc đổ lỗi cho ngành dầu mỏ vì thị trường nhiên liệu bị thắt chặt, góp phần làm giá xăng cao kỷ lục. 

Cụ thể, ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ phải đối mặt với những hạn chế ngắn hạn trong việc thúc đẩy sản xuất khi chi phí tiếp tục leo thang và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng hơn. Hơn nữa, các nhà sản xuất Mỹ tập trung vào việc thanh toán các khoản nợ và thưởng cho các cổ đông. Họ cũng cảnh giác với những chỉ trích liên tục từ Chính quyền Biden, vốn không khuyến khích các kế hoạch đầu tư của các công ty. 

Tuần trước, hơn một chục hiệp hội năng lượng do Viện Dầu khí Mỹ (API) đứng đầu đã hối thúc Tổng thống Biden tới thăm các trung tâm sản xuất dầu khí của Mỹ trước khi tới thăm Saudi Arabia để thảo luận việc tăng khai thác dầu. 

Tóm lại, các dòng thương mại năng lượng đang thay đổi và quyết định của châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga - với lệnh cấm vận dầu khí vào cuối năm 2022 và thời hạn độc lập khí đốt của Nga dự kiến ​​đến năm 2027 - đang làm suy yếu vị thế cường quốc năng lượng của Nga trong trung và dài hạn. 

Nếu các nhà sản xuất Mỹ có một môi trường pháp lý hỗ trợ đầu tư vào nguồn cung mới, Washington có cơ hội trở thành người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị về năng lượng trong dài hạn. Các sản phẩm và dầu thô của Mỹ sẽ được tìm kiếm ở các khu vực tiêu thụ lớn, bao gồm cả ở châu Âu và các đồng minh của Mỹ ở Bắc Á, những nơi sẽ không muốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Do gần với Mỹ, Mỹ Latinh cũng là một điểm đến tự nhiên cho xuất khẩu năng lượng của Mỹ.

Công Thuận/Báo Tin tức
Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985
Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985

Dữ liệu mới của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho thấy rằng lượng dầu thô trong Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của nước này đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1985.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN