Năm năm qua, các mạng xã hội phát triển quá nóng, liệu có xảy ra nguy cơ vỡ bong bóng dot.com như cuối những năm 1990. Tờ Nhà kinh tế (The Economist) của Anh đã có bài phân tích về nguy cơ tái diễn bong bóng công nghệ tại Mỹ như sau:
Dù chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng ở thị trường thứ cấp, Facebook được định giá tới 76 tỷ USD (cao hơn cả giá của Tập đoàn Boeing và Ford đã lên sàn) trong khi Twitter có giá 7,7 tỷ USD. Tuần qua, LinkedIn - một mạng xã hội chuyên ngành - đã lên sàn NASDAQ với giá cổ phiếu tăng gấp đôi ngay ngày giao dịch đầu tiên. Ở thời điểm cao nhất, giá thị trường của LinkedIn vọt lên tới 10,1 tỷ USD, gấp 27 lần doanh thu dự kiến của công ty trong năm nay. Tiếp nữa là vụ Microsoft thông báo mua lại Skype, công ty cung cấp dịch vụ điện thoại Internet, với giá 8,5 tỷ USD – gấp 10 lần doanh thu và 400 lần lợi nhuận năm 2010 của Skype.
Liệu lịch sử có lặp lại? Những người nghĩ là không thể cho rằng bức tranh công nghệ đã thay đổi đáng kể từ cuối những năm 1990. Thời kỳ đó số lượng người kết nối Internet ít hơn nhiều so với 2 tỷ người hiện nay, đặc biệt là số lượng người kết nối Internet ở thị trường mới nổi như Trung Quốc. Cách đây chục năm, việc kết nối Internet băng thông rộng vẫn còn hiếm thì nay đã có mặt khắp nơi. Trước đây, nhiều công ty mới khởi nghiệp (như Webvan và Pets.com) có tham vọng lớn nhưng thị phần quá nhỏ bé. Ngày nay, những công ty như Groupon, cung cấp dịch vụ sổ xố trên mạng và Zynga, một công ty cá độ trên mạng đạt được doanh thu và lợi nhuận đột biến.
Những người nói không cũng chỉ ra rằng bong bóng những năm 1990 chỉ xảy ra sau khi có quá nhiều công ty web lớn phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) và những nhà đầu tư ngây thơ lúc bấy giờ đã thổi giá cổ phiếu lên mức điên cuồng. Hiện nay, các công ty lớn lên sàn là rất ít (dù xu thế có thể sắp thay đổi). Và không có dấu hiệu nào cho thấy giới đầu tư điên cuồng đầu tư vào cổ phiếu công nghệ cao như trước: Chỉ số NASDAQ, đại diện cho nhóm cổ phiếu công nghệ, đang tăng nhưng vẫn còn xa mới đạt mức đỉnh của tháng 3/2000.
Thời điểm này đúng là khác, khác ở chỗ bong bóng công nghệ đang âm thầm hình thành ở các thị trường tư nhân và có quy mô toàn cầu mà đợt bong bóng lần trước không có.
Bong bóng lần này một phần được thổi lên bởi các nhà đầu tư “thiên tài”, một vài trong số họ đã kiếm được cả gia tài trong các đợt bùng nổ IPO cuối những năm 1990. Tiềm lực tài chính của họ đã tăng mạnh và họ đang cạnh tranh nhau để có cổ phần trong các công ty web mới. Còn đối với việc đầu tư vào các công ty đã có tiếng hơn như Facebook và các công ty web lớn hơn, các nhà tư bản mạo hiểm truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh từ các quỹ tư nhân và các quỹ do ngân hàng đứng sau nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Đợt bùng nổ này có phạm vi rộng hơn so với lần trước. Nó có thể đã bắt đầu từ các nhà đầu tư Nga. Skype được ra đời từ Extônia. Rovio, công ty của Phần Lan sản xuất trò chơi Angry Birds dùng cho các smart phone, cũng đã hút được 42 triệu USD. Rồi tiếp đến là Trung Quốc. Renren và Youku (được xem như Facebook và YouTube của Trung Quốc) được kỳ vọng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thu lợi từ sự tăng trưởng vượt bậc cũng như từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Internet đối với thương mại và xã hội của Trung Quốc.
Những khác biệt này cũng kéo theo những hậu quả khác. Đầu tiên là bong bóng hình thành trên thị trường tư nhân có thể khá lớn cho tới khi nó được phát hành ra công chúng. Facebook có thể trở thành một Google kế tiếp, LinkedIn cũng có thể giữ được một thị phần vững chắc. Nhưng theo sau đó cũng có thể là những hãng không lành mạnh – những công ty ăn theo Facebook và LinkedIn – mà giá trị của chúng bị các nhà đầu tư “thiên tài” thổi phồng. Bong bóng trong ngành công nghiệp web của Trung Quốc cũng có thể dẫn tới những định giá không tưởng sang nơi khác. Và có thể chính Trung Quốc làm cho bong bóng công nghệ xì hơi.
Nếu may mắn, bong bóng dot.com lần này có thể sẽ gây thiệt hại ít hơn so với lần trước. Vào những năm 1990, việc quá hưng phấn đối với Internet đã gây ra nạn lạm phát khủng khiếp về giá của các công ty viễn thông. Tới nay, chưa có dấu hiệu của một cuộc xì hơi như thế. Nhưng toàn cầu hóa của ngành công nghiệp Internet đồng nghĩa với việc có nhiều người bị cuốn vào cổ phiếu web hơn trong đợt bùng nổ này.
Quang Tuyến