Nguy cơ xảy ra xung đột tại Đông Địa Trung Hải

Theo mạng tin "Oil price" ngày 6/3, việc phát hiện ra các mỏ dầu mỏ và khí đốt quan trọng tại các vùng biển ngay ngoài khơi bờ biển Libăng, Ixraen và Síp đang làm tăng sự quan tâm của hải quân nước ngoài, bổ sung thêm các thành tố ngoài biển vào bầu không khí vốn đã bùng nổ trong đất liền.


 

Tàu chiến Nga tại cảng Tartus.

 

Từ Trung Quốc, Nga, Iran, tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ixraen, Mỹ, Anh và Pháp đều đang có mặt tại các vùng biển Đông Địa Trung Hải. Ngoài những giếng dầu khí đang chờ được khai thác, cuộc nội chiến đã diễn ra tại Xyri trong 2 năm qua đang khiến các nước thêm quan tâm tới vùng biển này.


Nga đang rất quan ngại về tương lai của chính phủ Tổng thống Bashar Assad tại Xyri bởi vì cảng Tartus là căn cứ duy nhất của Nga trong khu vực. Đối với Nga, do các cảng biển Baltic bị đóng băng trong suốt những tháng mùa đông lạnh giá, việc có một cảng tại Địa Trung Hải là một vấn đề an ninh quốc gia. Do vậy, Nga vừa điều một lực lượng hải quân phản ứng nhanh, gồm khoảng 10 tàu, trong đó có tàu sân bay duy nhất của họ là tàu Đô đốc Kuznetzov, tới khu vực này.


Trung Quốc, do nhu cầu lớn về dầu mỏ để duy trì tăng trưởng kinh tế, đang bắt đầu bị lôi kéo vào cuộc chơi lớn này của các cường quốc. Trong những tháng gần đây, các đơn vị của Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện tại các vùng biển lân cận.


Iran, luôn mong muốn trở thành một cường quốc khu vực, hồi tháng 1 vừa qua đã tuyên bố là họ cũng sẽ cử các lực lượng hải quân đến Đông Địa Trung Hải.


Các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp và mức độ thấp hơn là Italia và Đức đều cử các lực lượng hải quân đến khu vực, một số nước là để tham gia Lực lượng tạm thời của LHQ tại Libăng (UNIFIL), một số nước là đơn phương. Mỹ đã quyết định giảm sự có mặt hải quân ở phía Đông Địa Trung Hải. Nhưng sau khi chứng kiến sự có mặt hải quân ngày càng tăng của Nga, Trung Quốc và Iran, hiện đang thay đổi ý định và sẽ tiếp tục duy trì một lực lượng hải quân quan trọng tại Địa Trung Hải.


Ixraen đang quan ngại về sự có mặt của quá nhiều các lực lượng hải quân, có thể hỗ trợ các kẻ thù của nhà nước Do thái, ở phía Đông Địa Trung Hải. Ixraen đang muốn bắt đầu thăm dò ngay các mỏ dầu khí với hy vọng việc khai thác các mỏ dầu khí mới có thể mang về nguồn ngoại tệ rất cần thiết cho nền kinh tế đình đốn của họ. Nhưng hy vọng nhanh chóng thu lợi từ dầu khí của Ixraen bị dập tắt do phong trào Hezbollah tại Libăng đang đe dọa tấn công bất kỳ nỗ lực khoan thử nào của Ixraen trước khi đạt được một giải pháp cho xung đột khu vực.


Libăng cùng với Síp đang có lực lượng hải quân nhỏ và yếu nhất khu vực, gồm chủ yếu là tàu tuần duyên và đang phụ thuộc vào các nước bạn bè và đồng minh để bảo vệ bờ biển của họ. Libăng đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các thành viên UNIFIL, chủ yếu là Pháp và Italia; Síp đang dựa vào Hy Lạp và Anh. Trong khi đó, những người Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng phần phía bắc đảo Síp lại trông chờ sự hỗ trợ hải quân của Ancara.


Dường như chắc chắn rằng Libăng và Síp sẽ bị cám dỗ, hoặc nhiều khả năng hơn là bị thúc ép vào việc đầu tư mở rộng sự có mặt hải quân của họ. Mặc dù các lực lượng UNIFIL đang có mặt trong khu vực, nhưng Libăng có thể muốn xem xét lại trước khi cam kết xây dựng một lực lượng hải quân, vốn nhỏ hơn và yếu hơn hai quốc gia láng giềng của họ là Ixraen ở phía nam và Xyri ở phía bắc và tây bắc. Tương tự như vậy, Síp không bao giờ có thể xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không nói đến các cường quốc khác.


Với tất cả những tàu tấn công đổ bộ, tàu sân bay, tàu chiến, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến duyên hải, tàu ngầm, liệu Đông Địa Trung Hải có thể trở thành nơi an toàn hay biến động nhất thế giới. Thời gian sẽ trả lời.

 

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN