Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại St Petersburg (Nga) vào ngày 9/8. Ảnh: Reuters |
Năm ngoái, khi đề cập đến sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Nga trên biên giới với Syria – điều khiến mối quan hệ giữa Moskva và Ankara xấu đi đáng kể, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng đó là "thực tế không thể để chúng tôi đạt được thỏa thuận với lãnh đạo hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ". Về phần mình, ông Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng các phi công bắn hạ chiếc máy bay ném bom của Nga chỉ làm nhiệm vụ của mình và rằng "những người vi phạm không phận của chúng tôi là những người cần phải xin lỗi".
Tuy nhiên, trong tháng 6 vừa qua, ông Erdogan đã viết thư cho điện Kremlin để bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc và kêu gọi sự "phục hồi quan hệ hữu nghị truyền thống" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, ông đã nhận được một lời mời đến thăm thành phố St Petersburg - quê hương của Tổng thống Nga Putin.
Ông Putin nhận thấy rằng sự nguy hiểm lớn nhất đối với Moskva đến từ các nước phương Tây. Theo ông, họ (phương Tây) muốn bao vây Nga với các căn cứ và binh lính của NATO, và làm yếu Moskva bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế và tài trợ cho các đối thủ chính trị của ông.
Đối với Tổng thống Erdogan, sự tức giận liên quan đến cuộc đảo chính quân sự thất bại hồi tháng trước tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được "đổ thêm dầu vào lửa" bởi cơn giận dữ về những gì mà ông cho là sự thất bại của EU và Mỹ trong việc ủng hộ ông một cách xứng đáng.
"Cả thế giới đã phản ứng về cuộc tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Thủ tướng của chúng tôi đã tham gia một tuần hành trên các đường phố của Paris", ông Erdogan tuyên bố, đề cập đến các cuộc tấn công văn phòng tạp chí châm biếm trên của Pháp năm 2015. Ông nhấn mạnh: "Tôi đã hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của thế giới phương Tây sẽ có phản ứng (đối với cuộc đảo chính) một cách tương tự và không chấp nhận chúng bằng vài từ sáo rỗng".
Ông Erdogan và những đồng minh cũng chỉ trích Mỹ vì từ chối ngay lập tức dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdağ nêu rõ: "Nếu Mỹ không dẫn độ (ông Gulen) họ sẽ hy sinh mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích của một tên khủng bố. Washington phải lựa chọn để ngăn chặn tâm lý chống Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ trở thành sự thù hận".
Rất nhiều nhà chiến lược ở Washington và Brussels đã hoan nghênh sự rạn nứt mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, coi đây như là một cơ hội để gây áp lực thêm đối với những lợi ích của Moskva ở Trung Đông và Biển Đen. Nhưng giờ đây, cán cân thăng bằng đang thay đổi một lần nữa.
Hiện Tổng thống Erdogan rất tức giận với EU và Mỹ vì chỉ trích cuộc thanh trừng sâu rộng của ông đối với những người ủng hộ phong trào Gulen và vì sự đe dọa đối với việc khôi phục lại hình phạt tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và trong khi phần lớn các nước phương Tây quan ngại về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính, ông Putin đã nhanh chóng gọi điện bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Erdogan.
Nga hiện đang dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại và du lịch được áp đặt vào năm ngoái vốn gây thiệt hại đối với nền kinh tế của Ankara, và muốn đẩy mạnh các dự án đường ống dẫn khí và một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã ngưng trệ sau khi mối quan hệ giữa hai nước bị đóng băng.
Đáp lại, các nhà phân tích cho rằng trong những tuần gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm nguồn cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria đang chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ được Nga hậu thuẫn.
Mặc dù ông Erdogan sẽ không từ bỏ sự phản đối của mình đối với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, nhưng ông có thể mở ra các cuộc thảo luận với Tổng thống Putin về một quá trình chuyển tiếp nhằm bảo vệ lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở quốc gia Trung Đông có vị trí chiến lược này.
Với Iran, Saudi Arabia và các quốc gia khác cũng đang tìm cách để định hình tương lai của Syria, một kế hoạch như vậy là khó có thể mường tượng ra, nhưng không còn nghi ngờ việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn cho thấy rằng họ có thể hợp tác cùng nhau về vấn đề trên.
"Nga là một nhân tố lớn, chủ yếu và rất quan trọng trong việc thiết lập hòa bình ở Syria. Tôi nghĩ rằng vấn đề này phải được giải quyết thông qua các bước chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nói trước khi lên đường đến thành phố St Petersburg (Nga).