Hai ngày sau cuộc hỗn chiến tối 15/6 giữa binh lính Trung - Ấn ở Thung lũng Galwan, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov. “Hai bên đã thảo luận vấn đề an ninh khu vực, trong đó có những diễn biến ở Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya”, thông cáo nhanh của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ngày 23/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chủ trì hội nghị cấp Ngoại trưởng ba bên Nga - Ấn – Trung (RIC). Đây là cơ hội đầu tiên Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đối mặt nhau dù qua một hội nghị trực tuyến. Trước đó, hai ông đã có một cuộc điện đàm giận dữ vào ngày 17/6 liên quan đến cuộc đụng độ biên giới làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Tiếp đó ngày 24/6, Moskva đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, khi hai ông tới Nga dự lễ duyệt binh nhân 75 năm Chiến thắng phát xít. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cử binh sĩ tham gia đoàn diễu binh.
Trước đó, đầu tháng 6, trong cuộc đối thoại cấp Trung tướng hôm 6/6 giữa Trung - Ấn, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đã “cập nhật” với Đại sứ Nga Nikolay Kudashev “những diễn biến gần đây” về tình hình dọc đường Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC).
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng tiếp cận Nga khi đối mặt với cuộc khủng hoảng biên giới căng thẳng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Để lý giải tại sao họ lại tin tưởng vào vai trò của Nga, cần phải hiểu về sự phát triển của các mối quan hệ Nga - Trung, Nga - Ấn trong nhiều thập kỷ qua cũng như lập trường của Nga với hai "người khổng lồ" châu Á.
Trục Moskva - Bắc Kinh
Dù Ấn Độ và Trung Quốc có chấp nhận đối thoại hay không đối thoại thì việc hai nước cùng tiếp cận với Nga lúc này cũng là đáng chú ý.
Ai cũng biết rằng mối quan hệ Nga - Trung đã được tăng cường mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Trục Moskva – Bắc Kinh trở nên quan trọng, đặc biệt khi Washington sẵn sàng cứng rắn với Trung Quốc trong những tháng qua, ngay cả về phản ứng với dịch COVID-19, trong khi Nga lại mềm mỏng hơn nhiều.
Nhìn lại lịch sử thì mối quan hệ Nga và Trung Quốc đã có một khởi đầu khá gập ghềnh sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông có chuyến thăm đầu tiên tới Moskva năm 1949, ông đã phải chờ đợi ở ngoại ô Moskva hàng tuần để có cuộc gặp với lãnh đạo Liên Xô – theo tạp chí Smithsonian.
Trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Liên Xô trở thành đối thủ sau cuộc chia rẽ Trung – Xô năm 1961. Hai bên đã từng cận kề một cuộc chiến tranh vào đầu thập niên 1960, thậm chí đã xảy ra một cuộc đụng độ biên giới chớp nhoáng vào năm 1969.
Sự thù địch bắt đầu giảm xuống từ năm 1976, nhưng mối quan hệ giữa hai bên vẫn không thực sự tốt đẹp cho đến khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Thời hậu Chiến tranh Lạnh, các mối quan hệ kinh tế đã thiết lập “nền tảng chiến lược mới” cho quan hệ Nga – Trung. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và là nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại Nga. Về phần mình, Trung Quốc coi Nga là cường quốc nguyên liệu thô và là thị trường tiềm năng cho hàng hóa tiêu dùng do nước này sản xuất.
Việc phương Tây áp các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 lại càng đẩy Moskva xích lại gần hơn với Trung Quốc. Quan hệ Nga – Trung luôn "nồng ấm" trong những năm gần đây và điều này có thể xuất phát từ tâm lý chống Trung Quốc từ Washington, sự sụp đổ giá dầu và sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào hàng tiêu dùng Trung Quốc.
Nga thường mềm mỏng trong các tuyên bố về những vấn đề nhạy cảm nhất liên quan tới Trung Quốc như chương trình 5G của Huawei, vấn đề Hong Kong và đại dịch COVID-19.
Quan hệ Ấn Độ và Nga
Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử với Nga trải dài trên 7 thập kỷ. Mối quan hệ giữa hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực nhưng trụ cột mạnh nhất là lĩnh vực quốc phòng.
Mặc dù New Delhi luôn tìm cách đa dạng hóa đơn đặt hàng với nhiều nước khác, nhưng phần lớn các thiết bị quân sự mà họ mua sắm là từ Nga.
Ước tính có đến 60-70% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ là từ Nga trong bối cảnh New Delhi cần nguồn cung cấp ổn định, thường xuyên từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Ấn Độ đã cho thấy rõ quyết định tiếp cận Nga không chỉ là sự lựa chọn mà còn là cần thiết bởi nước này tin rằng Moskva có đòn bẩy và ảnh hưởng để định hình và thay đổi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh về vấn đề biên giới.
Giữa thời điểm căng thẳng biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh dự kiến sẽ thảo luận kế hoạch mua các hệ thống phòng không mới – giống hệ thống tên lửa S-400 – với các quan chức chính phủ và quân đội Nga.
Lập trường của Nga trước kia và hiện nay
Trong cuộc khủng hoảng Doklam ở biên giới Trung - Ấn năm 2017, các nhà ngoại giao Nga ở Bắc Kinh nằm trong số những người đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc tham vấn.
Khi xảy ra cuộc chiến tranh năm 1962, quan điểm của Nga là chưa đặc biệt ủng hộ Ấn Độ, nhưng đến cuộc chiến 1971 thì New Delhi đã giành được sự ủng hộ rõ ràng từ Moskva.
Tuy nhiên, trong sự kiện Thung lũng Galwan, Moskva đã phản ứng rất thận trọng. Ngày 17/6, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Kudashev đăng dòng tweet: “Chúng tôi hoan nghênh mọi bước đi nhằm giảm căng thẳng tại LAC, trong đó có đối thoại giữa hai Ngoại trưởng [Trung - Ấn] và duy trì thái độ lạc quan”.
Theo hãng tin Nga Tass, Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin quan tâm đến cuộc đụng độ ở biên giới, nhưng tin rằng hai nước có thể tự giải quyết cuộc xung đột này.
“Chắc chắn chúng tôi đang theo dõi với sự chú ý lớn những gì xảy ra ở biên giới Trung - Ấn. Chúng tôi tin rằng đây là một báo cáo rất báo động. Nhưng chúng tôi cho rằng hai quốc gia có thể tiến hành những bước đi cần thiết để ngăn chặn những tình huống như vậy trong tương lai và bảo đảm sự ổn đỉnh ở khu vực, bảo đảm đây là một khu vực an toàn với các quốc gia, trước hết là với Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Peskov nói.