“Thế giới hiểu rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á. Nếu châu Á trở thành châu lục đi đầu trong thế kỷ 21, thì Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước dẫn đầu và góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển một cách hòa bình”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo ngày 1/9. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Đây là tuyên bố lạc quan nhưng có cơ sở của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo sau cuộc gặp cấp cao với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe hôm 1/9 tại Tokyo trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản 5 ngày.
Với quyết tâm đưa quan hệ song phương lên "Đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt", hai nhà lãnh đạo đã đưa ra những cam kết thúc đẩy quan hệ an ninh đồng thời công bố mục tiêu trong 5 năm tới, để cùng nhau phát triển kinh tế và tạo đối trọng với Trung Quốc.
Hai nước cam kết tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp từ lĩnh vực nhà nước và tư nhân và hỗ trợ tài chính của Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển tại Ấn Độ lên 3.500 tỷ yen (khoảng 34 tỷ USD), cũng như tăng gấp hai lần số công ty của “đất nước hoa anh đào” hoạt động tại Ấn Độ. Trong đó Thủ tướng Abe cam kết cung cấp khoản cho vay lãi suất thấp trị giá 50 tỷ yen để giúp Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường bộ và các khu công nghiệp.
Cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính trên cho thấy hai nền kinh tế nằm trong số ba nền kinh tế hàng đầu châu Á này đang quyết tâm nâng cấp quan hệ trong các lĩnh vực then chốt là an ninh và kinh tế. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Ấn Độ.
Điểm sáng trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Modi là việc hai nước đạt được thỏa thuận về sản xuất và cung cấp đất hiếm, nguyên liệu chủ chốt để sản xuất hàng công nghệ cao và thiết bị quốc phòng, cho Nhật Bản. Thỏa thuận này thể hiện quyết tâm của Nhật Bản trong việc đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc truyền thống vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc.
Thỏa thuận này sẽ tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa hai nước. Thời gian qua, hai nước đã đạt được những tiến bộ nhất định trong đàm phán về hợp tác hạt nhân dân sự. Ấn Độ đang đặt kỳ vọng lớn vào thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Nhật Bản cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân dân sự trị giá khoảng 85 tỷ USD của nước này.
Giới phân tích cho rằng sự kết hợp giữa một bên là chính sách kinh tế quyết đoán và tinh tế mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Abe (Abenomics) và một bên là những chủ trương cải cách kinh tế mạnh mẽ và đầy tham vọng của Thủ tướng Modi (Modinomics) sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho hai nền kinh tế này cũng như giúp họ đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Có thể nói những thành quả ban đầu về kinh tế Nhật Bản sau khi chính phủ nước này triển khai chính sách chấn hưng kinh tế "Abenomics" đang mang lại động lực mạnh mẽ cho những nỗ lực cải cách kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Modi, nhằm đem lại diện mạo mới cho kinh tế Ấn Độ. Khoản cam kết đầu tư lớn của Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ phần nào cho thấy chủ trương của Thủ tướng Modi là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển hạ tầng và chế tạo để tạo việc làm cho khoảng 1 triệu thanh niên tham gia lực lượng lao động mỗi tháng.
Sự kết hợp giữa Abenomics và "Modinomics" bước đầu xem ra là là sự kết hợp khá “hoàn hảo”. Nhật Bản hiện đang tham gia xây dựng dự án Hành lang Công nghiệp Delhi-Mumbai trị giá 90 triệu USD.
Có thể nói, mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á, sự bổ sung thế mạnh kinh tế và sự kết hợp giữa hai chính sách kinh tế Abenomics và Modinomics sẽ mang lại luồng sinh khí mới cũng như cú hích tăng trưởng không nhỏ để tiếp đà phục hồi tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản và Ấn Độ.
Như Mai (Tổng hợp)