Tuy nhiên, chặng đường 6 năm sắp tới của ông El-Sisi chắc chắn sẽ không trải hoa hồng, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và tình hình địa chính trị đang diễn biến phức tạp tại Trung Đông - châu Phi.
Những thành tựu đạt được cả về chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế-xã hội trong hai nhiệm kỳ từ năm 2014 đã giúp ông El-Sisi nhận được sự tín nhiệm rất cao của người dân Ai Cập. Tổng thống El-Sisi đã đưa đất nước Ai Cập trở lại con đường ổn định sau hai cuộc chính biến lật đổ hai đời tổng thống vào các năm 2011 và 2013.
Dưới sự chèo lái của Tổng thống El-Sisi, tình hình an ninh-chính trị nội bộ cũng như đời sống xã hội của Ai Cập được giữ vững, dù khu vực Trung Đông-Bắc Phi vẫn đang chứng kiến xung đột và bất ổn ở nhiều nước. Nhờ việc đẩy mạnh "Chiến dịch Sinai 2018" nhằm truy quét các phần tử khủng bố tại Bán đảo Sinai, nhất là các phần tử thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo, tình hình an ninh tại vùng này cũng như tất cả các tỉnh trên cả nước được đảm bảo.
Về đối ngoại, Ai Cập kiên định với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, linh hoạt, thể hiện vai trò, ảnh hưởng và vị thế chủ chốt tại châu Phi và Trung Đông.
Nhờ đó, nền kinh tế Ai Cập đã được cải thiện nhiều cả về quy mô và cơ cấu. Quốc gia Bắc Phi này đã và đang chú trọng thúc đẩy một loạt dự án kinh tế trọng điểm thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, dầu khí, hàng hải, năng lượng xanh và các ngành khác nhằm mang lại sự bùng nổ kinh tế. Đất nước Kim tự tháp đang hướng tới mục tiêu trở thành các trung tâm năng lượng xanh và logistics trong khu vực.
Đặc biệt, kể từ năm 2019, Ai Cập đã triển khai Sáng kiến "Cuộc sống Sung túc" - dự án phát triển lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ USD nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân ở khu vực nông thôn. Đối tượng thụ hưởng là 4.500 ngôi làng trên cả nước, chiếm khoảng 58% dân số Ai Cập.
Tuy nhiên, những biến động và gián đoạn của nền kinh tế thế giới và những diễn biến địa-chính trị trong khu vực Trung Đông- Bắc Phi đầy bất ổn đã và đang tác động mạnh tới Ai Cập, đặt lên vai nhà lãnh đạo kỳ cựu này nhiều gánh nặng.
Kinh tế Ai Cập đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, đồng bảng Ai Cập sụt giảm thê thảm so với đồng USD và lạm phát leo thang. Ai Cập là thị trường phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, từ hàng tiêu dùng đến nguyên vật liệu sản xuất, do đó thâm hụt thương mại của nước này luôn ở mức cao.
Ai Cập đang cố gắng thực hiện các cải cách cơ cấu và tài khóa để đáp ứng những điều kiện giải ngân hỗ trợ tín dụng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song động thái này cùng với việc tăng giá điện, nhiên liệu và cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội càng làm cho đời sống của người dân, nhất là tầng lớp người nghèo, thêm khó khăn. Giá cả hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác không ngừng tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát trung bình kể từ đầu năm tới nay luôn ở mức trên 30%. Trong khi đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng gây khó cho các doanh nghiệp khi họ phải gánh lãi suất lên tới hơn 20%/năm.
Doanh thu từ Kênh đào Suez ghi nhận mức kỷ lục 9,4 tỷ USD trong tài khóa 2022-2023 và nguồn thu từ du lịch tăng mạnh lên 13,6 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoại tệ từ du lịch, Kênh đào Suez và kiều hối không đủ để bù đắp cho thâm hụt thương mại khoảng 50 tỷ USD mỗi năm. Tính đến cuối tháng 11/2023, dự trữ ngoại hối của Ai Cập chỉ ở mức 35,17 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 45,5 tỷ USD trước đại dịch COVID-19. Do thiếu ngoại tệ, hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu đã bị mắc kẹt tại các cảng trong những tháng vừa qua. Trong khi đó, nợ nước ngoài của Ai Cập cũng ngày càng phình to, lên gần 170 tỷ USD. Trong năm 2024, Ai Cập sẽ phải thanh toán khoản nợ đến hạn hơn 42 tỷ USD.
Trong khi đó, tình trạng bất ổn trong khu vực, nhất là các cuộc xung đột “ngay trước nhà” như ở Libya, Gaza và Sudan, đang tạo ra những thách thức an ninh rất nghiêm trọng đối với Ai Cập. Xung đột ở Gaza có thể dẫn đến làn sóng người tị nạn phức tạp, giữa lúc Ai Cập đang phải cưu mang hơn 9 triệu người tị nạn và di cư từ nhiều nước. Trên thực tế, mối lo ngại về an ninh đã khiến hoạt động du lịch tại các khu nghỉ dưỡng trên Biển Đỏ của Ai Cập - quốc gia duy nhất ngoài Israel giáp Dải Gaza, giảm 80%. Đặc biệt, việc Israel tạm thời đóng cửa mỏ khí đốt Tamar đã làm giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ai Cập. Nếu giao tranh ở Gaza tiếp tục leo thang nguy hiểm, dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực, thì điều này sẽ hủy hoại an ninh và hòa bình khu vực, ảnh hưởng lớn môi trường đầu tư cũng như các chính sách phát triển của Ai Cập.
Ngoài ra, các tổ chức khủng bố, trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda, có thể khai thác “những khoảng trống an ninh” do xung đột dai dẳng ở Sudan tạo ra, biến nơi này thành một căn cứ tiềm năng mới, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của Ai Cập. Chưa kể, hiện nước này đang phải đối mặt những thách thức an ninh phi truyền thống như tốc độ tăng dân quá nhanh và vấn đề an ninh nguồn nước do chưa thể giải quyết những bất đồng sâu sắc với Ethiopia liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng được xây dựng trên sông Nile Xanh.
Trong 6 năm tới, Tổng thống El-Sisi sẽ phải thực hiện các chính sách và giải pháp hiệu quả, kịp thời để đưa Ai Cập thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn kinh tế hiện nay, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ và lạm phát leo thang. Giới phân tích cho rằng trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, ông El-Sisi cần chú trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, tạo việc làm cho người lao động, có các cơ chế khuyến khích xuất khẩu, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, tăng gấp đôi diện tích đất trồng lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực, tiếp tục đẩy mạnh Sáng kiến "Cuộc sống Sung túc" để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn, cũng như thực thi các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người thu nhập thấp.
Đặc biệt, chính quyền Tổng thống El-Sisi cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm giữ vững an ninh quốc gia, tham gia tích cực cùng các bên liên quan trong cộng đồng quốc tế để giải quyết những cuộc xung đột và khủng hoảng, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đặt mục tiêu cốt lõi theo đuổi các lợi ích với trọng tâm là kinh tế và an ninh, Ai Cập sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, các nước châu Âu; củng cố quan hệ truyền thống đặc biệt với các quốc gia Arab vùng Vịnh… Điều đó giúp Ai Cập tiếp tục duy trì vai trò trụ cột an ninh then chốt và là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.