Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi mà Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 ngày 24 - 25/2 vừa qua đã không ra được thông cáo chung do khác biệt giữa các cường quốc phương Tây với Nga và Trung Quốc về vấn đề Ukraine.
Tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh James Cleverly. Trung Quốc thông báo cử Ngoại trưởng Tần Cương tham dự. Tổng cộng có đại diện của 40 quốc gia, bao gồm cả các nước không phải thành viên G20 do Ấn Độ mời, và các tổ chức đa phương tham dự sự kiện.
Các phiên họp của hội nghị đề cập đến chủ nghĩa đa phương và nhu cầu cải cách, an ninh lương thực và năng lượng cũng như hợp tác phát triển, chống khủng bố và các mối đe dọa mới xuất hiện, kỹ năng toàn cầu và nhóm nhân tài, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Các thành viên dự kiến thảo luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo, tăng cường chủ nghĩa đa phương và quan trọng nhất là an ninh lương thực và năng lượng, các vấn đề liên quan đến nợ y tế toàn cầu.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết "ý định của New Delhi là tiếp tục thể hiện tiếng nói của các quốc gia Nam bán cầu và nêu ra các vấn đề liên quan đến khu vực". Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ hai và quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là nguồn cơn gây chia rẽ hội nghị.
Ông Anil Wadhwa, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ, cho rằng quan điểm khác biệt về xung đột Nga-Ukraine sẽ phủ bóng đen lên hội nghị. Ông nhận định, do cục diện chiến sự tại Ukraine diễn biến hết sức khó lường, các ngoại trưởng G20 khó có thể nhất trí được về đề xuất các cách thức và cơ chế để giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Bất đồng quan điểm liên quan tới xung đột Ukraine vốn cũng là nguyên nhân khiến Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 không đạt được tuyên bố chung. Đây là thách thức lớn đầu tiên mà Ấn Độ đối diện trong năm Chủ tịch G20.
Trước hội nghị, Ấn Độ đã thể hiện quan điểm là chỉ tập trung đơn thuần vào vấn đề kinh tế-tài chính và không mong muốn thảo luận vấn đề trừng phạt Nga. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại hội nghị lại đi ngược lại với kỳ vọng của nước chủ nhà. Chính điều này khiến cho các nỗ lực hàn gắn rạn nứt tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 sẽ càng thêm khó khăn.
Bên cạnh vấn đề liên quan tới tình hình Ukraine, mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với khả năng thành công của Ấn Độ trong việc chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng G20. Gần đây, hai cường quốc này đã có những bất đồng sau khi quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, viện dẫn lý do an ninh. Phía Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu là một thiết bị nghiên cứu dân sự vô tình bị thổi bay, đồng thời gọi phản ứng của Mỹ là thái quá. Cuộc tranh cãi đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn kế hoạch thăm Bắc Kinh.
Việc Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố không tham dự hội nghị lần này cũng được cho sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của Ấn Độ kêu gọi sự đoàn kết nội khối để giải quyết và thu hẹp những bất đồng liên quan tới các vấn đề chính trị, ngoại giao mà khu vực và thế giới đang đối mặt.
Quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc, đặc biệt là tranh chấp biên giới, cũng là vấn đề đặt ra cho Ấn Độ tại hội nghị này. Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ANI, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nói rằng ngoài Trung Quốc, quan hệ giữa New Delhi với các nước lớn toàn cầu, bao gồm Nga là tốt đẹp. Ông Jaishankar nhấn mạnh, mặc dù chính trị toàn cầu xuất hiện nhiều sự biến động do cuộc chiến tại Ukraine, tuy nhiên quan hệ giữa Ấn Độ và Nga vẫn rất ổn định.
Giữa chồng chất các mâu thuẫn, Ấn Độ đã phải nỗ lực rất nhiều nhằm hướng tới việc phát huy vai trò nước lớn trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và hàn gắn những rạn nứt giữa các thành viên.
Ấn Độ đang đàm phán với tất cả các bên, bao gồm các thành viên chủ chốt của Nam Bán cầu, để có thể đạt được một kết quả dựa trên sự đồng thuận tại Hội nghị Ngoại trưởng G20. Bằng việc khẳng định lợi ích quốc gia là điều kiện tiên quyết cho mọi ưu tiên chiến lược và ngoại giao, kiên trì với quan điểm kêu gọi hòa bình, Ấn Độ đã thành công trong việc cân bằng giữa nhu cầu duy trì mối quan hệ với đồng minh lâu đời Nga và sự cần thiết bảo vệ mối quan hệ đối tác an ninh đang phát triển với Mỹ và phương Tây.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã nâng cao uy tín quốc gia thông qua đường hướng ngoại giao trung lập, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Đặc biệt với chương trình nghị sự được công bố khi chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch G20, Ấn Độ cũng cho thấy nước này hoàn toàn có thể dẫn dắt các thành viên trong khối đi theo hướng có lợi.
Ngoài ra, Ấn Độ còn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn về các vấn đề toàn cầu như hạn chế vũ khí hạt nhân, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tuân thủ quy tắc thương mại toàn cầu. Do đó, Ấn Độ chắc chắn sẽ phát huy tối đa vai trò của mình để đề xuất, nêu bật quan điểm tích cực nhằm giải quyết những vấn đề trên.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để nhấn mạnh vị thế mới nổi của Ấn Độ với tư cách là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới. Giới quan sát kỳ vọng New Delhi là nhân tố giúp hòa giải các căng thẳng thông qua việc tập trung vào một số vấn đề chính yếu mang tính cấp thiết toàn cầu hiện nay.