Với nụ cười nhẹ trên khuôn mặt không giấu được sự mệt mỏi, bà May đã công bố quyết định chung là Chính phủ Anh thông qua dự thảo thỏa thuận với Brussels về Brexit, nói thêm đây là một bước tiến quan trọng cho phép hai bên bước tiếp và hoàn tất các nội dung của thỏa thuận trong những ngày tới. Trước đó trong cuộc họp, bà May đã phải rất nỗ lực để thuyết phục các bộ trưởng nhằm vượt qua những bất đồng nội bộ về vấn đề Brexit.
Chỉ cần nhớ lại sự chia rẽ và căng thẳng trên chính trường Anh trong khoảng 1 tháng qua liên quan chủ đề Brexit, có thể hiểu những lựa chọn mà nội các của Thủ tướng May đưa ra khó khăn như thế nào, đặc biệt trên vấn đề liên quan đến Bắc Ireland.
Có vẻ Thủ tướng Anh đã dựa vào luận điểm rằng có một thỏa thuận vào lúc này, khi thời điểm nước Anh rời EU đang cận kề, còn hơn là trở về điểm xuất phát.
Theo bà May, bản dự thảo là lựa chọn tốt nhất có thể đối với nước Anh, và sự lựa chọn là rõ ràng: hoặc thỏa thuận này phù hợp với cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, hoặc sẽ xảy ra trường hợp Anh rời EU mà không có thỏa thuận - có nghĩa là một thảm họa cho nền kinh tế "xứ sương mù" - hoặc thậm chí không Brexit nữa.
Bản dự thảo thỏa thuận "li hôn" dài 585 trang đã được EU và Anh công bố tối 14/11, theo đó hai bên dự kiến một "lưới an ninh" sẽ được thiết lập nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland.
Cũng theo nội dung dự thảo, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.
Ngay sau khi cuộc họp nội các Anh có kết quả, tại Bussels, Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit, Michel Barnier đã lập tức tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố Brussels và London đã đạt được những "tiến bộ mang tính quyết định", mở ra con đường để hoàn tất thỏa thuận giữa EU và nước Anh.
Nhấn mạnh nước Anh luôn là bạn, đối tác và đồng minh của EU, ông Barnier hoan nghênh giải pháp mà hai bên đã tìm ra nhằm giúp tránh hình thành một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, song kêu gọi mọi thành viên từ cả hai phía đều cần phải thể hiện trách nhiệm của mình.
Có thể hiểu lời kêu gọi của ông Barnier như động thái thể hiện sự lo lắng bởi dự thảo thỏa thuận kể trên còn phải vượt qua rất nhiều "cửa ải" bao gồm cơ quan lập pháp Anh và các nước EU.
Mặc dù đã được cơ quan hành pháp thông qua, bản dự thảo thỏa thuận này chắc chắn còn gặp không ít khó khăn để có thể nhận được sự đồng thuận tại Anh. Cả phe phản đối lẫn phe ủng hộ Brexit đều lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ buộc nước Anh phải tuân thủ các quy tắc của EU trong nhiều năm, và điều này sẽ ngăn cản London "giành lại quyền kiểm soát" chính trị của mình.
Dự thảo thỏa thuận cũng còn phải được Quốc hội Anh thông qua, điều được cho là không dễ trở thành hiện thực. Khó khăn chồng chất khi Thủ tướng Anh hiện chỉ có được một đa số mong manh tại quốc hội.
Trong khi đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Brexit, đảng nhỏ liên minh Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland - yếu tố then chốt để có thể giúp Thủ tướng Theresa May giành đa số tuyệt đối tại quốc hội - lại bày tỏ phản đối dự thảo thỏa thuận. Chủ tịch DUP Arlene Foster, Jeffrey Donaldson cảnh báo bất kỳ một thỏa thuận nào làm suy yếu tính toàn vẹn về kinh tế cũng như hiến pháp của Vương quốc Anh là điều không thể chấp nhận.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng dự thảo này thậm chí sẽ dẫn tới một ranh giới được quy định trên biển Ireland, hay Bắc Ireland sẽ được đối xử một cách rất khác so với phần còn lại của nước Anh.
Hiện có 40 khoảng nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từ chức hồi tháng 7 do bất đồng với bà May trong vấn đề Brexit, than thở rằng với thỏa thuận này, Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan và trên thực tế cũng sẽ ở lại thị trường chung châu Âu. Ông cho rằng điều đó sẽ biến nước Anh trở thành một "chư hầu" của EU vì họ không còn được tham gia vào quá trình ra quyết định của khối.
Lãnh đạo phe thân châu Âu của đảng Bảo thủ biện minh rằng ông bỏ phiếu chống lại dự thảo vì không thể nhìn vào mắt cử tri của mình và khẳng định với họ đó là một thỏa thuận tốt hơn so với cái mà nước Anh từng có khi là thành viên của EU.
Giữa một thỏa thuận sẽ "làm suy yếu kinh tế" đất nước và sự ra đi mà không có thỏa thuận sẽ gây ra "thiệt hại không lường được", cựu Thứ trưởng Giao thông Jo Johnson, người đã từ chức ngày 9/11 để phản đối đường lối Brexit của bà May, kêu gọi phương án tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, ý tưởng đang nhận được không ít sự quan tâm trong những tháng qua.
Nghị viện vẫn luôn là một cửa ải mà các chính phủ Anh thường phải rất nhọc nhằn để vượt qua. Lần này, nữ Thủ tướng Theresa May kêu gọi các nghị sĩ Anh hành động "vì lợi ích quốc gia", trong khi cũng cảnh báo đảng của mình rằng bà không thể tiên liệu điều gì sẽ xảy ra nếu dự thảo thỏa thuận không được quốc hội thông qua.
Với kịch bản này, Chính phủ Anh chắc chắn sẽ quay trở lại và nỗ lực đàm phán với Brussels. Tuy nhiên, sự từ chối của quốc hội sẽ dễ dàng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị mới, thậm chí kéo đổ chiếc ghế chông chênh của Thủ tướng May và dẫn đến cuộc bầu cử lập pháp mới tại Anh.
Ngày "định mệnh" 29/3/2019 không còn xa nữa, nhiều nghị sĩ của nước Anh có thể phải ngập ngừng lựa chọn một thỏa thuận dù nó chưa thực sự làm họ hài lòng để tránh những điều không thể tiên lượng được xảy ra và tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng lớn nổ ra trên chính trường Anh.